Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VIÊN CHỨC NGÀNH Y TẾ Ở TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 69 - 74)

a. Nguyên nhân chủ quan

Hiện tỉnh vẫn chưa có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế một cách đồng bộ và toàn diện theo vị trí việc làm; thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp

trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng nguồn nhân lực YT mà đội ngũ viên chức đóng vai trò chủ chốt cho ngành y tế của tỉnh.

Nguyên nhân cũng được cho là do có nhiều thay đổi trong cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính bệnh viện trong thời gian gần đây. Hơn nữa, hiện nay, có rất ít cơ sở đào tạo đào tạo quản lý bệnh viện một cách chính quy, bài bản mà phần lớn chương trình cũng chỉ đào tạo trên cơ sở lý thuyết, thiếu thực tiễn. Vấn đề quan trọng là do thiếu chính sách, nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Dẫn đến công tác hoạch định chiến lược, chính sách chưa được xây dựng một cách khoa học, thiết thực, tính khả thi chưa cao, làm cho việc sử dụng các nguồn lực y tế kém hiệu quả.

Số lượng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ít so với mục tiêu đề ra, nguyên nhân vì theo quy định đối tượng để cử đi bồi dưỡng chỉ là các đối tượng viên chức y tế được đào tạo chính quy tại các Trường Đại học Y có uy tín (Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh) hoặc viên chức đã được đào tạo sau đại học. Trong khi, để thực hiện được một kỹ thuật cần phải có đủ ê kíp (Bác sĩ, Điều dưỡng, kỹ thuật viên…). Yêu cầu chỉ cử đi bồi dưỡng những kỹ thuật, lĩnh vực chuyên sâu nên không có nhiều trường hợp đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện.

Thiếu nhân lực bác sĩ để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh nhất là tại các bệnh viện tuyến huyện. Do các bệnh viện không sắp xếp được thời gian để cử nhân lực đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Tâm lý của đa số bác sĩ chỉ muốn được đi đào tạo sau đại học để nâng cao bằng cấp (thạc sĩ, chuyên khoa I, II) hơn là đi bồi dưỡng các kỹ thuật riêng lẻ.

Mặc khác, theo quy định tại Kết luận số 17-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, Khóa XIX: “Không sử dụng ngân sách nhà nước cho việc đào tạo chuẩn hóa bằng cấp, đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức tốt nghiệp đại học hệ tại chức, chuyên tu, từ xa, hệ vừa học vừa làm”. Thế nhưng, hầu hết bác sĩ công tác tại tuyến huyện (miền núi) và 100% bác sĩ tuyến xã đều được đào tạo hệ chuyên tu; điều kiện kinh tế của số cán bộ y tế này vẫn còn khó khăn, mức thu nhập thấp nên không thể “tự túc” kinh phí để tham gia các khóa

đào tạo nâng cao trình độ. Việc cử cán bộ đi đào tạo nâng cao (chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ y học) đối với cán bộ y tế tuyến cơ sở (huyện, xã) và miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, hầu như không có cán bộ đăng ký tham dự.

Ngoài ra, có thể nhận thấy vấn đề đào tạo bồi dưỡng chủ yếu tập trung ở đối tượng bác sĩ. Đối tượng viên chức là điều dưỡng, hộ sinh và các chuyên ngành khác thì không có nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng. Nguyên nhân là do tư duy, nhận thức về ngành điều dưỡng, hộ sinh chưa theo đúng chức năng, vị trí của ngành trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Công tác đào tạo, đãi ngộ chưa được chú trọng đúng mức, nên ngành điều dưỡng, hộ sinh thiếu đội ngũ viên chức chuyên gia đầu ngành, số điều dưỡng viên được đào tạo ở trình độ sau đại học còn rất hạn chế. Về phía bản thân các viên chức y tế, mặc dù nhận thực được vai trò rất quan trọng nhưng những người điều dưỡng, hộ sinh còn bộc lộ tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tự ti, thiếu tính tự chủ trong thực hành chăm sóc người bệnh, chủ yếu phụ thuộc vào y lệnh của bác sĩ; thực hiện nhiệm vụ hành chính nhiều, thời gian chăm sóc người bệnh chưa đủ theo yêu cầu. Nhiều điều dưỡng chưa tâm huyết và trách nhiệm với công việc, tính nhân văn, yêu nghề còn hạn chế. Mặt khác, đội ngũ các điều dưỡng trong tỉnh hiện nay không được đào tạo nhiều về kiến thức xã hội nhân văn, kỹ năng chăm sóc người bệnh. Họ không có lý luận nền tảng, thiếu và yếu về kỹ năng lâm sàng chăm sóc thực tế. Đặc biệt, theo nhiều khảo sát cho thấy, vẫn còn một số lượng không nhỏ điều dưỡng viên, hộ sinh tại các bệnh viện trong tỉnh không nhiệt tình trong chăm sóc, thiếu niềm nở khi làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân; chưa thật sự thông cảm, chia sẻ, còn cáu gắt với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân; ít quan tâm chăm sóc, động viên tinh thần người bệnh, mới chỉ quan tâm đến những kỹ thuật điều trị cơ bản.

b. Nguyên nhân khách quan

Các y sĩ tuyến xã cũng không thể tham dự các khóa đào tạo (chuyên tu, liên thông) để trở thành bác sĩ (nhằm thay thế cho các bác sĩ tuyến xã đến tuổi nghỉ hưu

sau này), vì hiện nay các Trường Đại học không còn đào tạo hệ bác sĩ liên thông. Có nhiều thay đổi trong cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính bệnh viện trong thời gian gần đây. Hiện tại, có rất ít cơ sở đào tạo đào tạo quản lý bệnh viện một cách chính quy, bài bản mà phần lớn chương trình cũng chỉ đào tạo trên cơ sở lý thuyết, thiếu thực tiễn; thiếu chính sách, nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Do điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường làm việc kém hấp dẫn so với các tỉnh, thành phố lớn nên việc tuyển dụng bác sĩ, nhân lực có chất lượng cao gặp khó khăn. Việc thiếu nhân lực, quá tải bệnh viện làm ảnh hưởng đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (không thể sắp xếp thời gian để tham gia các khóa đào tạo); thiếu chính sách, nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Thêm vào đó, trình độ, năng lực về quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do các bác sĩ được đào tạo chủ yếu về chuyên môn, kỹ thuật, chưa được đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản lý nói chung và quản lý bệnh viện nói riêng.

Chính sách đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở và phát triển chuyên môn sâu tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh. Công tác đào tạo cán bộ còn thụ động, chỉ dựa vào nguyện vọng tự phát của cán bộ; chưa chủ động bằng quy hoạch đào tạo có định hướng nhằm không ngừng phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao; chưa chú ý vào mũi nhọn phát triển ngành Y tế tỉnh nhà, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương cũng như chưa kịp đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của nhân dân và phát huy thế mạnh, tiềm năng hiện có của ngành y tế Quảng Ngãi.

Hơn nữa, cán bộ công chức, viên chức ngành y tế chưa quan tâm đầu tư, chưa có quyết tâm cao trong học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Công tác tư vấn du học cho những người trong diện quy hoạch đào tạo chuyên môn ở nước ngoài chưa hiệu quả, chưa chủ động tìm nguồn học bổng du học từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực y học ở bậc sau đại học như thạc sĩ y học, tiến sĩ y học.

Tiểu kết chương 2

Qua phân tích thực trạng thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi cho thấy các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị trực thuộc đã cụ thể hóa, thể chế các văn bản của địa phương, đơn vị theo chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ viên chức ngành y tế tỉnh. Từ những phân tích, đánh giá đó đã rút ra những mặt mạnh và hạn chế việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành y tế tại tỉnh Quảng Ngãi, làm cơ sở đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành y tế góp phần xây dựng đội ngũ viên chức ngành y tế đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VIÊN CHỨC NGÀNH Y TẾ Ở TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(89 trang)
w