15 đợt nhưng mức độ nắng không gay gắt
2.2.3. Nguyên nhân của kết quả và tồn tại, hạn chế
2.2.3.1. Nguyên nhân từ hệ thống CS quản lý
Hệ thống CS quản lý RRTT-TH chưa đồng bộ, hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc thực hiện CS còn gặp nhiều tồn tại và hạn chế. Chẳng hạn như: vẫn còn tồn tại loại hình thiên tai chưa được phân cấp rủi ro thiên tai; các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc và khoảng trống pháp lý cơ bản. Hiện nay, hầu hết các chính sách tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai ở Việt Nam là nhằm khắc phục hậu quả sau thiên tai, dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại hàng năm.
2.2.3.2. Nguyên nhân từ sự phối hợp giữa các bên liên quan
Dựa trên sự chỉ đạo từ trung ương đến cấp tỉnh, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sở ban ngành đã thực hiện phối hợp với nhau trong công tác thực hiện CS quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, sự liên kết, phối hợp này còn rời rạc, lúng túng, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt trong trường hợp thiên tai xảy ra. Việc điều phối hoạt động nằm ở Ủy ban PCTT và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ủy ban phòng thủ dân sự tỉnh và Sở NNPTNT của tỉnh. Do đó, ở cấp xã vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào quyết định được đưa ra ở cấp cao hơn. Sự phối hợp giữa các đầu mối liên lạc của Ban chỉ đạo PCTT và tìm kiếm cứu nạn còn lỏng lẻo
2.2.3.3. Nguyên nhân từ cơ sở hạ tầng
Thiên tai thường xuyên xảy ra với cường độ mạnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng núi, vùng biển còn nhiều hạn chế như xã Thuận Hóa, xã Bảo Ninh. Hệ thống điện và các phương tiện thông tin liên lạc thường xuyên bị hư hỏng. Người dân không được cung cấp các thông tin liên lạc liên tục, khiến cho việc chủ động phòng chống cứu hộ cứu hạn còn nhiều hạn chế.
Lực lượng, phương tiện, dụng cụ chưa đáp ứng được yêu cầu khi bão lũ xảy ra trên diện rộng.
2.2.3.4. Nguyên nhân từ nguồn nhân lực
Trước hết, nguồn nhân lực quản lý RRTT-TH cấp địa phương chưa đáp ứng được về cả lượng và chất. Về số lượng, các cán bộ trong hoạt động thực hiện quản lý rủi ro thiên tai địa phương còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều công việc. Về chất lượng, các cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu kiến thức, kỹ năng và chất lượng của hoạt động phòng, chống và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Ở các địa phương hay các tổ dân phố, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác này thường là các cán bộ lớn tuổi. Các cán bộ này không đáp ứng được các yêu cầu về tin học và các kỹ năng nhanh nhạy, còn các cán bộ trẻ tuổi lại chưa đáp ứng được các yêu cầu về kinh nghiệm thực tế. Trong khi đó việc phối hợp trong đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ thôn, xóm phần lớn chưa được tập huấn thường xuyên về công tác phòng ngừa thảm họa. Việc thay đổi vị trí công tác thường xuyên hay Nhà nước chưa có CS về trợ cấp và quyền lợi khuyến khích cho những cán bộ làm về PCTT.
2.2.3.5. Nguyên nhân từ cộng đồng, người dân
Cộng đồng và người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đa phần thuộc diện nghèo với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và nhóm người khuyết tật còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Những đối tượng này thường gặp khó khăn trong vấn đề kiếm sống mưu sinh cho gia đình. Khi xảy ra thiên tai, họ không chủ động được và không có khả năng tự ứng phó. Tuy những người này được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức nhưng họ không mạnh dạn vay vì sợ không có khả năng trả nợ.
Ngoài ra, ở một số địa phương, do đặc thù nghề nghiệp trong xã, việc tự bảo vệ của cộng đồng còn yếu. Chẳng hạn như tại xã Bảo Ninh, số lượng nam giới trong xã thường xuyên đi biển đến 99,5%. Tại xã Thuận Hóa, do là địa phương miền núi, khả năng sản xuất nông nghiệp kém, người dân chủ yếu đi làm ăn xa. Những người có sức lao động đi làm ăn xa quanh năm, trong xã chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Do đó, khi thiên tai xảy ra, nguồn lực bị phân tán, do nam giới có sức khỏe và khả năng tự bảo vệ gia đình không ở nhà.
Điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu là nguyên nhân lớn dẫn đến việc xảy ra các rủi ro thiên tai và thảm họa. Biến đổi khí hậu là sự tăng lên về tần số và cường độ của các thiên tai và thảm họa. Các hoạt động công nghiệp, sinh sống hàng ngày của con người đang ngày càng làm gia tăng biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với các cấp chính quyền trong quá trình quản lý giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiểu kết chương 2
Tỉnh Quảng Bình là vùng đất hẹp nằm ở miền Trung, được ví như “cái rốn” của TT-TH xảy ra tại Việt Nam. Vùng đất này không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều vùng đất khác mà “ông trời” còn mang đến nhiều rủi ro thử thách người dân nơi đây.
Là một tỉnh có nền kinh tế – xã hội còn nghèo, chưa bắt kịp so với tốc độ phát triển của cả nước, tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện CS quản lý RRTT-TH. Việc tổ chức thực hiện này ở tỉnh Quảng Bình được xem xét theo các bước tổ chức thực hiện chính sách của trung ương ban hành với sự cụ thể hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Việc đánh giá thực hiện chính sách quản lý RRTT-TH tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy bên cạnh những kết quả từ thực hiện chính sách đã đạt được, nhất là làm giảm bớt hậu quả về tài sản, sinh kế, con người vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần được chú ý giải quyết, khắc phục, trong đó đáng chú ý nhất là những hạn chế về sự phối hợp trong thực hiện chính sách và sự chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực tại chỗ cho triển khai các hoạt động phòng chống thiên tai và thảm họa tự nhiên. Các đánh giá này là căn cứ cho việc đề xuất các giải pháp tăng cường thực hiện chính sách quản lý RRTT-TH tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn tới 2016 – 2020.
Chương 3