b) Công tác quản lý hoá đơn, chứng từ:
3.3.3. Quản lý doanh thu:
Doanh thu là một trong những căn cứ quan trọng để xác định số thuế phải nộp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh. Một thực tế mà từ trước đến nay chúng ta vẫn thường gặp đó là doanh thu chịu thuế phần lớn không sát với tình hình sản xuất kinh doanh, thậm chí các ĐTNT đã làm mọi cách để giảm doanh thu tính thuế.
Theo ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, để quản lý thuế GTGT đối với các doanh nghiệp NQD thực sự có hiệu quả thì chi cục thuế Hiệp Hoà nên phân loại các doanh nghiệp NQD để dễ dàng quản lý và quản lý chặt chẽ hơn theo chiều sâu, bởi vì công tác kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp là khác nhau, có doanh nghiệp phải dựa vào đặc điểm kỹ thuật, có doanh nghiệp lại dựa vào tính chất hoạt động...
Cụ thể đối với một số hình thức kinh doanh như sau:
- Đối với hoạt động xây lắp: Quản lý các hợp đồng kinh tế của loại hình này gắn liền với giải trình của đơn vị về tiến độ thực hiện hợp đồng, biên bản nghiệm thu khối lượng công trình hoặc hạng mục công trình hoàn thành bàn giao, biên bản thanh lý hợp đồng, yêu cầu đơn vị viết đầy đủ hoá đơn bán hàng đối với khối lượng hoàn thành bàn giao để theo dõi quản lý chặt chẽ doanh thu và tính thuế GTGT đúng thời điểm.
- Đối với ngành XDCB trong dân cư: Qua nghiên cứu báo cáo năm 2004- 2005 của chi cục thuế Hiệp Hoà cho thấy việc quản lý thuế GTGT khu vực NQD đối với ngành XDCB đang trong tình trạng thất thu lớn: Theo số liệu thống kê trên địa bàn huyện (phòng thống kê Hiệp Hoà cung cấp), năm 2004 toàn huyện có 142 hộ và năm 2005 có 186 hộ trong dân cư xây dựng nhà cao tầng (từ 3 đến 4 tầng), giá trị công trình bình quân từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ 1 nhà xây dựng. Với mức thuế suất thuế GTGT áp cho ngành XDCB là 10% thì chỉ trong 2 năm qua chi cục thuế Hiệp Hoà đã để thất thu 3.280 triệu đồng, đây là một nguồn thu lớn. Như vậy, nếu chi cục thuế Hiệp Hoà quản lý tốt lĩnh vực này thì hàng năm số thu ngân sách huyện cũng tăng đáng kể.
- Đối với ngành kinh doanh xăng dầu: Kiểm tra số lượng tiêu thụ mà cơ sở kê khai với cơ quan thuế và đồng hồ lưu lượng, đồng thời kiểm tra trong sổ sách giao ca với hoá đơn bán hàng... để xác định lượng hàng tiêu thụ. Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo hình thức mua bán giao tay ba để đối chiếu với hợp đồng mua bán của doanh nghiệp, kiểm tra việc thanh quyết toán cước phí vận chuyển và tiền thưởng chiết khấu đơn vị thu được để xác định lượng hàng tiêu thụ mà doanh nghiệp giao tay ba không qua kho.
- Đối với doanh nghiệp thương mại và bán hàng đại lý: Tăng cường công tác kiểm tra tờ khai đối chiếu với tổng giá trị hàng bán; so sánh giá bán và giá mua; kết hợp kiểm tra đối chiếu nơi doanh nghiệp khai thác nguồn hàng so với số liệu kê khai của doanh nghiệp; phối kết hợp với cơ quan quản lý thị trường ấn định giá bán thống nhất cho từng loại mặt hàng được trao đổi trên địa bàn huyện.