kết quốc tế của Việt Nam về thương mại
Xu thế toàn cầu hóa về kinh tế làm bộc lộ rõ thực trạng chính sách thương mại của các nước đang phát triển là có mức bảo hộ cao, thiếu sự nhất quán giữa chính sách thương mại và chính sách kinh tế vĩ mô và còn nhiều rào cản đối với tự do thương mại. Chính vì vậy, đáp ứng nhu cầu hội nhập, cải cách kinh tế theo hướng mở cửa tất yếu phải được thực hiện mà việc ký kết các điều ước và sửa đổi chính sách, pháp luật trong nước là một nhiệm vụ quan trọng. Pháp luật thương mại, trong đó có pháp luật về XTTM có sứ mệnh nội luật hóa các cam kết quốc tế, góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, XTTM được đề cập với tính chất là các dịch vụ thương mại. Ngoài các cam kết chung về mở cửa dịch vụ, các dịch vụ XTTM tuy không được đặc biệt quan tam như các dịch vụ kinh doanh, dịch vụ tài chính, phân phối, truyền thông…trong các nội dung đàm phán, nhưng cũng là một nội dung được đề cập nhiều trong hiệp định thương mại.
Theo sự phân loại các dịch vụ của WTO, toàn bộ lĩnh vực dịch vụ được chia ra 12 ngành, mỗi ngành gồm nhiều phân ngành có liệt kê các hoạt động dịch vụ cụ thể. Các dịch vụ XTTM được liệt kê trong nhóm các dịch vụ kinh doanh gồm dịch vụ quảng cáo, dịch vụ nghiên cứu thị trường và ý kiến công chúng. Cam kết về thương mại dịch vụ trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cơ bản dựa trên nền tảng quy định của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO, với những cam kết cụ thể về lộ trình thực hiện các dịch vụ quảng cáo và dịch vụ nghiên cứu, thăm dò thị trường tại Phụ lục G. Đối với phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới, sử dụng dịch vụ ở nước ngoài và hiện diện thể nhân, Việt Nam cam kết không hạn chế về giới hạn tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp chưa có cam kết ngoài cam kết nền
chung. Với hình thức cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại, Việt Nam cam kết: “chỉ thông qua liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam. Phần vốn góp của các công ty Hoa Kỳ không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh, 05 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, hạn chế này sẽ là 51% và 07 năm sau khi hiệp định có hiệu lực sẽ không có hạn chế về tỷ lệ góp vốn từ phía Hoa Kỳ trong các liên doanh” [14, tr 125]. Như vậy, đến nay không còn hạn chế về tỷ lệ góp vốn từ phía Hoa Kỳ trong các liên doanh với Việt Nam.
Nội dung các cam kết quốc tế về các vấn đề liên quan đến dịch vụ XTTM chủ yếu bao gồm các cam kết chung về thương mại dịch vụ và các cam kết cụ thể về lộ trình thực hiện đối với từng phương thức cung cấp dịch vụ và loại hình dịch vụ XTTM. Các cam kết cụ thể về mở cửa đối với từng loại hình dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ XTTM và lộ trình thực hiện phụ thuộc vào kết quả đảm phàn song phương và đa phương. Đây là một vấn đề quan trong tác động đến việc đưa ra các quy tắc điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ trong nước của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của hiệp định TPP, một hiệp định thương mại thế hệ mới. Vì vậy, để đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế mà nước ta đã và sẽ tham gia, việc hoàn thiện pháp luật thương mại và pháp luật XTTM là sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có tính đến các yếu tố:
- Thứ nhất, đòi hỏi chung của các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường thương mại dịch vụ, xóa bỏ các hạn chế, rào cản, không phân biệt đối xử giữa dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài.
- Thứ hai, cam kết cụ thể về mức độ mở cửa đối với từng loại hình dịch vụ (như hạn chế về loại hình pháp nhân, tỷ lệ vốn góp đối với nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ khi đầu tư kinh doanh dịch vụ quảng cáo, dịch vụ nghiên cứu thị trường tại Việt Nam). Là một nước đang phát triển, Việt nam không bắt buộc phải mở cửa toàn bộ lĩnh vực thương mại dịch vụ mà được phép có những cam kết cụ thể đối với từng lĩnh vực và loại hình dịch vụ. Pháp luật về XTTM trong nước phải tính đến những cam kết cụ thể này để có những quy định phù hợp. [14, tr 274]