3.2.2.1. Về khuyến mại
- Quản lý hậu khuyến mại: nên cho phép các doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại trực tuyến để giảm chi phí và thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
- Vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động khuyến mại: đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng thay thế thủ tục đăng ký khuyến mại bằng thủ tục thông báo thực hiện khuyến mại nhằm giảm bớt khâu tiền kiểm và tăng cường hậu kiểm, tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của thương nhân khi thực hiện các chương trình khuyến mại. Đây là một trong những nội dung cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP trong thời gian tới.
3.2.2.2. Về hội chợ, triển lãm thương mại
Tăng cường quảng bá hình ảnh, quảng bá về việc tham gia hội chợ: Tại các hội trợ, triển lãm quốc tế nói chung và Hoa Kỳ nói riêng, để thu hút được nhiều khách đến thăm và giao dịch, các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung vào một khu vực và kinh phí hỗ trợ XTTM của nhà nước cần phải dành một phần để quảng bá về sự có mặt của Việt Nam tại hội chợ. Một trong những cách quảng bá có hiệu quả là đăng tin và quảng cáo trên danh bạ hội chợ hoặc các tạp chí chuyên ngành gắn với hội chợ. Kinh nghiệm tại Hội chợ đồ gỗ tại thành phố High Point, bang Bắc Carolina năm 2004 cho thấy, thành công của Việt Nam khi tham gia hội chợ này chính là nhờ một phần làm tốt công tác quảng bá về sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ. Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tiếp cận được với tạp chí chuyên ngành về đồ gỗ Furniture Today của Hoa Kỳ để đăng trong mục báo cáo đặc biệt của 3 số báo liên tiếp trước khi diễn ra hội chợ. Các bài báo đã đề cập đến quy mô và năng lực ngày càng cao của ngành đồ gỗ Việt Nam và Việt nam đang nổi lên là một nguồn cung cấp lớn trong lĩnh vực này. Các thông tin về ngành đồ gỗ Việt Nam đăng trên tạp chí đã được chuyển tải đến rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ và đồ nội thất tại Hoa Kỳ và trên thế giới. Nhờ vậy mà đến nay ngành đồ gỗ Việt Nam đã được biết đến tại Hoa Kỳ.
Các tài liệu quảng bá xuất khẩu nên tập trung cung cấp các thông tin mà khách hàng nước ngoài quan tâm. Các tài liệu này chỉ nên in bằng một thứ tiếng nước ngoài, không nên in song ngữ cùng với tiếng Việt. In song ngữ không những làm tăng giá in và chi phí phát hành không cần thiết mà còn gây tác động tiêu cực vì người đọc thường thấy khó chịu khi bị ngắt quãng bới một thứ tiếng mà họ không hiểu. Những công ty hoặc tập đoàn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau nên làm catalogue riêng từng lĩnh vực để giới thiệu đúng người, đúng việc và thể hiện được tính chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ tại nước ngoài chủ yếu là nhằm xây dựng hình ảnh thị trường Việt Nam, do vậy, việc đầu tư kinh phí thuê thiết kế và dàn dựng gian hàng một cách chuyên nghiệp (kể cả việc thuê các công ty thiết kế và dàn dựng nước sở tại) là việc đáng làm.
3.2.2.3. Giải pháp đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ
Thứ nhất, cần tập trung cho công tác nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ và phối hợp với cơ quan XTTM của cả hai nước. Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ đã gặp các rắc rối liên quan đến các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, các quy định pháp lý dẫn đến hàng hóa không thể đưa vào lưu thông kịp thời, bị phía đối tác ép giá và thiệt hại về tài chính khi phía đối tác kiện doanh nghiệp Việt Nam vi phạm các quy định thương mại của Hoa Kỳ. Sở dĩ xảy ra điều này là do Hoa Kỳ là một thị trường rộng lớn, hệ thống pháp luật đồ sộ và khá phức tạp theo từng bang. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ một cách đầy đủ, kỹ lưỡng, bên cạnh việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cần nghiên cứu các quy định của pháp luật Hoa Kỳ về thủ tục nhập khẩu, kiểm dịch, bảo vệ thực vật, động vật, các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng…Để nghiên cứu thị trường có hiệu quả, doanh nghiệp cần có những cán bộ nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp, có hiểu biết về thị trường Hoa Kỳ.
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, thỏa mãn thị hiếu khách hàng và tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ. Thị trường Hoa Kỳ có quy mô lớn và đòi hỏi chất lượng hàng hóa khá cao, chính vì vậy các doanh nghiệp cần có mục tiêu và xây dựng chiến lược chất lượng sản phẩm cho mình. Để thực hiện được chiến lược chất lượng, các doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tăng cường nguồn lực cho việc điều tra, nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ để xác định đúng yêu cầu về mặt chất lượng. Cần đặt ra các biện pháp tiếp cận, thu thập thông tin ban đầu cho việc nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, thẩm mỹ, tiện lợi, an toàn, tiết kiệm, cần kết hợp các đặc điểm này để tạo nên một hàng hóa có chất lượng tối ưu.
- Thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ có chọn lọc để nâng cao chất lượng sản phẩm với chi phí có lợi thế so sánh.
- Tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Việc đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng, tay nghề và những kiến thức về quản lý chất lượng sản phẩm là khâu có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp.
- Kiểm soát và nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào. Điều này khá quan trọng, nhất là trong ngành sản xuất thực phẩm chế biến, thủy hải sản xuất khẩu. Các cơ quan kiểm định chất lượng thực phẩm của Hoa Kỳ có yêu cầu rất cao về vấn đề này, để đáp ứng được yêu cầu của họ, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ quy định quốc tế và quy định của Hoa Kỳ và đảm bảo hàng hóa của mình thỏa mãn các quy định đó.
- Kết hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm định chất lượng sản phẩm, tham gia các chương trình của các tổ chức quốc tế để đạt được các chứng nhận về chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Thứ ba, các doanh nghiệp nên tham gia vào các hiệp hội ngành hàng, liên doanh liên kết với các công ty Hoa Kỳ để tạo thuận lợi khi thâm nhập thị trường. Việc tham gia vào các hiệp hội, ngành hàng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tiềm lực tài chính, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và trình độ nguồn nhân lực, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đồng thời, qua các hiệp hội, công ty Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được nhiều thông tin hữu ích và được chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động XTTM.
Việc tham gia các hiệp hội ngành hàng còn giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt khó khăn về tà chính khi đối mặt với những vụ kiện của các công ty Hoa Kỳ, một vấn đề thường gặp khi kinh doanh tại thị trường này. Chúng ta đã rút ra kinh nghiệm và thấy được vai trò của hiệp hội trong vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa. Nếu như có sự hỗ trợ của hiệp hội, doanh nghiệp có thể theo đuổi vụ kiện và nếu
có thiệt hại thì cũng được chia sẻ bởi cộng đồng doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thứ tư, cần đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn cao trong công tác XTTM. Có một đội ngũ nhân viên có trình độ và năng lực chuyên môn là yêu cầu hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp hiện nay là phải có chính sách tuyển dụng và thu hút người tài, có kế hoạch đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên. Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra một chế độ đãi ngộ thỏa đáng, một môi trường làm việc thuận lợi để mọi nhân viên đều phát huy hết năng lực của mình.
Các doanh nghiệp đang và sẽ có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên về tình hình thị trường, về các yêu cầu khắt khe của thị trường, về các quy định pháp lý, về tâm lý tiêu dùng của người Hoa Kỳ... để nhân viên ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm và việc đảm bảo các quy định đó.
Kết luận Chương 3
XTTM là một loại hình dịch vụ thương mại, do đó việc hoàn thiện pháp luật về XTTM cũng cần phải bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam về thương mại. Vì vậy, pháp luật về XTTM cần được hoàn thiện theo các định hướng cơ bản: hoàn thiện pháp luật XTTM nhằm thực hiện tự do hóa thương mại, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích của thương nhân và lợi ích của người tiêu dùng. Các giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện pháp luật về XTTM bao gồm: sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số văn bản pháp luật không cần thiết để tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo; sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số điều luật không phù hợp với quyền tự do hoạt động thương mại của thương nhân.
Bên cạnh đó, một số hình thức XTTM mới đã và đang được các thương nhân thực hiện cần có quy định của pháp luật để điều chỉnh kịp thời như hình thức khuyến mại theo nhóm, dịch vụ quan hệ công chúng, đặc biệt là cần bổ sung quy định về các hình thức XTTM liên quan đến các xúc tiến xuất khẩu như Chương trình XTTM quốc
gia; Chương trình thương hiệu quốc gia; Văn phòng đại diện tổ chức XTTM Việt Nam tại nước ngoài…
Song song với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, cần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về XTTM của doanh nghiệp để phát triển kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu. Nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường; không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì; chủ động tham gia các hiệp hội ngành hàng và dành kinh phí để đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp.
KẾT LUẬN
Để tồn tại và phát triển trong thị trường kinh doanh đầy cạnh tranh hiện nay, đồng thời để đạt được những mục tiêu kinh doanh đã đề ra thì các doanh nghiệp nhất thiết phải tiến hành các hoạt động XTTM. Vì vậy, để hoạt động XTTM của các doanh nghiệp đạt hiệu quả, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng thì đòi hỏi hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động XTTM phải chặt chẽ, phù hợp. Qua nghiên cứu, làm rõ khái niệm về XTTM, khái niệm về pháp luật XTTM, nội dung pháp luật XTTM ở Việt Nam hiện nay và thực tiễn thực thi pháp luật về XTTM từ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ cho thấy pháp luật đã quy định về các hình thức XTTM, các nguyên tắc để thực hiện XTTM…nhưng vẫn còn có những quy định trùng lặp, chưa rõ ràng giữa các hình thức XTTM, bên cạnh đó một số hình thức XTTM mới phát sinh, được các doanh nghiệp thực hiện thường xuyên nhưng chưa được pháp luật quy định; các hình thức XTTM liên quan đến xúc tiến xuất khẩu cũng chưa được đề cập đến. Từ đó tác giả đã đưa ra một số định hướng để hoàn thiện pháp luật về XTTM và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện các quy định pháp luật về XTTM, trong đó có đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung những quy định này để kịp thời điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ và phù hợp để doanh nghiệp hoạt động. Sự chặt chẽ và phù hợp này sẽ tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy được phát triển kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên vấn đề đẩy mạnh XTTM sang thị trường Hoa Kỳ luôn là vấn đề được doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan Nhà nước quan tâm hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Đây là một phần quan trọng của chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, ngoại thương của Việt Nam sau khi chúng ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và tham gia vào Hiệp định TPP.
Qua nghiên cứu thực tế hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt nam sang thị trường Hoa Kỳ cho thấy các hoạt động XTTM của Việt Nam thực hiện trong thời gian qua tuy đã mang lại hiệu quả bước đầu cho doanh nghiệp kinh doanh tại Hoa Kỳ nhưng để tiếp tục kế hoạch dài hạn trong tương lai thì còn rất nhiều việc phải làm. Để
đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, chúng ta cần có một kế hoạch, chiến lược XTTM tổng thể, hoàn thiện và thống nhất từ việc hoạch định chính sách ngoại thương, chính sách thương mại kết hợp với nhiều biện pháp hỗ trợ. Vì vậy, trong thời gian tới, các tổ chức XTTM cần tiếp tục cải tiến tổ chức, đa dạng hóa và chuyên nghiệp hóa các hoạt động XTTM của mình trên thị trường thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng, đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp./.