Do nhà máy Z119 là đơn vị không chỉ sản xuất mà còn thực hiện sữa chữa vừa các thiết bị ra-đa, khí tài của các đơn vị trực thuộc Quân chủng tại nhà máy kết hợp sửa chữa cơ động nên nhà máy luôn phải lập sẵn kế hoạch sửa chữa dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp, bao gồm kế hoạch về nhân lực, phương tiện, phụ tùng, vật liệu, ...
Thông thường dựa trên kế hoạch sản xuất, nhà máy sẽ lập kế hoạch các nguồn lực theo thời gian (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn). Do đó nếu nhà máy
thực hiện giải pháp lập kế hoạch sản xuất cho từng tháng theo đề xuất trên thì tương ứng cũng sẽ phải tiến hành lập kế hoạch nguồn lực của nhà máy theo từng tháng bao gồm: nguồn lực vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu; nguồn lao động và nguồn vốn cấp từ ngân sách.
Lập kế hoạch nguồn vốn
Nguồn vốn cấp từ ngân sách sẽ tùy theo tình hình kinh tế - chính trị - xã hội từng thời kỳ Quân chủng sẽ có những chính sách khác nhau mà nhà máy cần quản lý, điều tiết cho phù hợp. Công tác lập dự toán tốt sẽ giúp Nhà máy có nguồn vốn phù hợp, đảm bảo cho hoạt động sản xuất liên tục, đáp ứng nhu cầu thường xuyên và đột xuất của đối tác khách hàng và Bộ chủ quản.
Lập kế hoạch vật tư, nguyên vật liệu
Công tác dự báo tốt sẽ là điều kiện tiên quyết cho việc chuẩn bị tốt nguyên vật liệu và vật tư đầu vào đảm bảo nhu cầu về nguyên vật liệu (NVL), vật tư sản xuất của Nhà máy. Nhà máy cần chủ động liên hệ với nhiều đối tác cung cấp NVL cả trong nước và nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn cung hàng được ổn định, liên tục để đảm bảo đủ NVL cho sản xuất trong bất kỳ thời điểm nào trong năm; việc có nhiều đối tác cung cấp hơn sẽ làm giá cả cạnh tranh hơn, chất lượng NVL có khả năng được đối chiếu, so sánh giữa các nhà cung cấp.
Lập kế hoạch về khoa học công nghệ
Để đảo bảo việc thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ đáp ứng tối đa nhu cầu của các đơn vị đối tác, của các khách hàng và của Bộ Quốc phòng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho đơn vị sản xuất đòi hỏi trong tương lai Nhà máy cần cập nhật các phương pháp và quy trình công nghệ sản xuất mới, hiện đại theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Việc thiết kế quy trình ứng dụng công nghệ mới vào thiết kế và sản xuất cho từng bộ phận, công đoạn sản xuất hay cả dây chuyền cũng là yêu cầu hết sức quan trọng, đòi hỏi nỗ lực của cán bộ quản trị sản xuất cần lưu tâm nghiên cứu.
Trong thời đại công nghiệp lần thứ tư, công nghệ sản xuất mới cũng cần được xem như một hàng hóa, dịch vụ như các tài sản cố định có giá trị lớn và được mua sắm đấu thầu và nâng cấp thường xuyên để tối ưu hóa quá trình
sản xuất, giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng vốn và nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra.
Lập kế hoạch về nguồn nhân lực
Tuy nhiên về nguồn lao động có thể thấy giai đoạn này, lực lượng quân nhân trong nhà máy phải tập trung hỗ trợ công tác phòng, chống dịch nên lực lượng sản xuất sửa chữa bị thiếu hụt. Nhằm đảm bảo khối lượng công việc sản xuất, sửa chữa ổn định và được hoàn thành đầy đủ, nhanh chóng thì nhà máy nên có kế hoạch thuê khoán nhân công ngoài đối với một số vị trí đơn giản trong dây chuyền, không yêu cầu kỹ thuật quá cao hay tính bảo mật thông tin cao. Quân số còn lại sẽ tiến hành điều chuyển dàn đều sang các bộ phận phòng ban, dây chuyền kỹ thuật cao và tính bảo mật cao. Nếu thực hiện kế hoạch này thì một mặt nhà máy sẽ cần lập thêm các khoản chi phí thuê khoán gia tăng trong dự toán ngân sách các cấp.
Nhà máy cần xây dựng thêm nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, lao động quốc phòng; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật bảo đảm có tay nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. để có đủ khả năng khai thác, làm chủ, vận hành tốt các hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ cao, hiện đại, sẵn sàng hoàn thành mọi yêu cầu, nhiệm vụ khi được cấp trên giao. Khuyến khích cán bộ chiến sỹ tích cực, chủ động nghiên cứu, tự thiết kế, nhân bản được nhiều thiết bị, dây chuyền mới đưa vào sản xuất, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.