SƠ NÉT VỀ THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC 1 Quá trình hình thành thành phố Thủ Đức

Một phần của tài liệu BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 28 - 29)

2.1.1. Quá trình hình thành thành phố Thủ Đức

Vùng đất Thủ Đức có truyền thống lịch sử lâu đời, năm 1837, vua Minh Mạng cho lập thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Ngãi An và Long Khánh thuộc tỉnh Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai ngày nay). Trong thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An được cho chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1868, chính quyền thực dân Pháp tách một phần huyện Ngãi An và tổng Long Vĩnh Hạ thuộc huyện Long Thành, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa để thành lập quận Thủ Đức trực thuộc tỉnh Gia Định. Địa danh Thủ Đức bắt nguồn từ tên hiệu Thủ Đức của ông Tạ Dương Minh, tức Tạ Huy, là người có công lao lớn với vùng đất này từ năm 1679 đến 1725. Ông đã đứng ra chiêu dân lập ấp, dựng chợ tại vùng đất Linh Chiểu Đông, biến nơi đây trở thành trung tâm hành chính, kinh tế của Thủ Đức cho đến ngày nay. Trong thời kỳ chế độ Mỹ - ngụy, quận Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định.

Sau ngày 30-04-1975, quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức gồm 1 thị trấn và 22 xã. Huyện Thủ Đức nằm ở vị trí cửa ngõ đông bắc của thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với các tỉnh, thành khác bằng nhiều tuyến giao thông như đường bộ, xe lửa, đường sông..., thông thương với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và quốc tế.

Thực hiện Nghị định số 03-CP ngày 6/1/1997 của Chính phủ, ngày 01/4/1997, huyện Thủ Đức chính thức được chia tách thành quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Trải qua hơn 23 năm phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đến tháng 4/2020 đạt 1.013.795 người, dự báo trong tương lai gần sẽ nhanh chóng đạt

quy mô 02 triệu dân. Cơ cấu kinh tế của khu vực đã chuyển dịch đúng định hướng và phát triển nhanh theo hướng tăng đầu tư, phát triển ngành thương mại, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế gấp nhiều lần so với trước đây. Khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược ở cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố, giáp sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, là vùng lõi của vùng kinh tế trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong giao thương phía Nam, cả nước và kể cả quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ. Trên địa bàn 03 quận đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, như Khu Công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp với khoảng 120.000 công nhân; cụm Đại học Quốc gia với hơn 100.000 sinh viên và 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ; nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng có tính kết nối vùng như cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Dây, tuyến Vành đai 3, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng container Cát Lái lớn nhất Việt Nam,…

Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được xây dựng đồng bộ, chặt chẽ từ quận đến cơ sở đã tích cực lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực, không ngừng nâng cao đời sông nhân dân. Tuy nhiên, mỗi quận có những điều kiện, đặc điểm riêng nên khó huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực một cách đồng bộ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tầm nhìn dài hạn.

Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ không ngừng, ngày 9/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 1111/2020/NQ-UBTVQH14 quyết định sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(51 trang)