Vùng đất Thủ Đức được hình thành cùng với quá trình hình thành đất Gia Định xưa. Những khám phá khảo cổ học cho thấy, hơn 3.500 năm trước, nơi đây đã
có các nhóm cư dân sinh sống và khai phá, với một trình độ văn hóa, văn minh tương đối cao, chịu ảnh hưởng, giao thoa nhiều nền văn hóa cổ. Đây cũng là những dấu ấn đầu tiên, sớm nhất của cư dân Sài Gòn - Gia Định với nhiều di tích như di tích Bến Đò, Hội Sơn, khu lò gốm cổ Long Trường (mới mất đi do quá trình đô thị hóa), khu mộ cổ thời Nguyễn ở Gò Cát, các ngôi chùa, thánh thất, đình miếu…
Thủ Đức có nhiều di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng quốc gia như: đình thần Trường Thọ, đình thần Xuân Hiệp, đình thần Phong Phú, đình thần Linh Đông, đình thần Bình Chánh, mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh, chùa Hội Sơn, chùa Phước Tường, chùa Châu Hưng, chùa Sùng Đức, bót Dây Thép... thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó, các tôn giáo như phật giáo, hồi giáo, cao đài, công giáo, tin lành cùng đồng hành phát triển với lịch sử vùng đất này. Thời kỳ Mỹ, ngụy chiếm giữ, nơi đây đã hình thành nhiều nhà máy kỹ nghệ mang tầm Đông Nam Á lúc bấy giờ như nhà máy Xi Măng Hà Tiên, nhà máy dệt VIMYTEX, nhà máy làm sửa hộp Foremost, nhà máy nước Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, nhà máy kim khí VIKIMCO, nhà máy sản tấm lợp VINATON, vv... đã đặt nền tảng ban đầu cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Người dân Thủ Đức mới chỉ sống quần cư trong khoảng hơn 300 năm trở lại đây. Quá trình khẩn hoang, khai làng, lập ấp trong hoàn cảnh sơ khai đã khiến con người đoàn kết chung sống cùng nhau tạo nên truyền thống văn hóa riêng và nó không ngừng được bồi đắp, ngày một phong phú đa dạng. Vì lẻ đó, người dân Thủ Đức ngoài thừa hưởng những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc như yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa,… thì bản chất hiền lành thân thiện, hiếu khách, phóng khoáng, bao dung, tương thân tương ái, hy sinh chịu đựng nhưng đầy nghĩa khí, dám đương đầu thử thách… tạo nên truyền thống văn hóa vùng đất nơi đây.
Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với quá xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi
mới sáng tạo, tương tác cao, khu đô thị có chất lượng sống tốt. Do đó, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là vấn đề chiến lược để xây dựng thành phố Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững. Trọng tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhằm nâng cao sức mạnh nội sinh, xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền đô thị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, xứng tầm, phát huy tối đa các nguồn lực, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thủ Đức.