2.2.4.1. Thang đo cảm nhận hạnh phúc của WHO (WHO-5)
Trong số rất nhiều đánh giá về trạng thái hạnh phúc của cả người bệnh đang điều trị và dân số chung, thang đo hạnh phúc 5 câu hỏi của WHO (viết tắt là WHO- 5) được xem là một thang phổ biến và đáng tin cậy [73],[83]. WHO-5 cho phép đánh giá ngắn (dưới 1 phút) trạng thái tinh thần trong khoảng thời gian hai tuần. Các cá nhân được yêu cầu cho biết đối với từng câu trong số năm câu họ cảm thấy như thế nào trong hai tuần qua bằng cách sử dụng thang điểm Likert 6 mức độ, từ 0 = “không lúc nào” đến 5 = “toàn bộ thời gian” [69]. Điểm của thang đo sẽ là tổng điểm của 5 câu hỏi, dao động từ 0 đến 25 với điểm số càng cao càng cho thấy mức độ hạnh phúc.
Trắc nghiệm này đã được sử dụng với khách thể nghiên cứu tại Việt Nam (từ 18 tuổi trở lên) trong đại dịch COVID-19 năm 2020 bởi Đại học Y Dược Huế. Trắc nghiệm Kết quả nghiên cứu cho đảm bảo độ tin cậy trong đo lường [27]. Đây là một nghiên cứu mới trong thời điểm tương tự với nghiên cứu của chúng tôi, với cỡ mẫu lớn (N = 1922 người ) cho thấy độ tin cậy của thang đo khi được áp dụng tại Việt Nam.
2.2.4.2. Thang đo sức khỏe tổng quát (GHQ-12)
Bảng câu hỏi sức khỏe tổng quát (GHQ-12) là một thước đo sức khỏe tâm thần hiện tại của dân số nói chung. Thang đo được Goldberg phát triển vào những năm 1970 và đã được sử dụng rộng rãi ở các môi trường khác nhau và các nền văn hóa khác nhau cho đến nay. Bảng câu hỏi ban đầu được phát triển dưới dạng một công cụ gồm 60 mục nhưng hiện tại đã có một loạt các phiên bản rút gọn của bảng câu hỏi bao gồm GHQ-30, GHQ-28, GHQ-20 và GHQ-12. Thang điểm hỏi xem gần đây người trả lời có trải qua một triệu chứng hoặc hành vi cụ thể nào không.
37
Mỗi mục được đánh giá trên thang Likert 4 mức độ [16],[23],[62]. Nghiên cứu của nhóm Trần Thạch Đức (2012) tại miền Bắc Việt Nam nhằm xác định sức khỏe tâm thần của cộng đồng cho thấy tỉ lệ căng thẳng và trầm cảm cao. Ngoài ra nghiên cứu cũng nhận thấy sự phù hợp của việc sử dụng thang đó GHQ-12 trong việc đánh giá sức khỏe tâm thần tổng quát ở người dân Việt Nam [74].
Thang đo dược xây dựng dưới hình thức Likert 4 mức độ từ 0 = “Không bao giờ” đến 3= “Thường xảy ra”. Điểm tổng của thang đo là tổng của 12 câu hỏi, trong đó các câu E1, E3, E4, E7, E8 và E12 có điểm đảo ngược. Điểm tổng sẽ dao động từ 0 đến 36 điểm và điểm càng cao thì vấn đề sức khỏe tổng quát càng kém.
2.2.4.3. Thang đo stress nhận thức được (Perceived stress scale)
Thang đo stress nhận thức được (PSS) ban đầu được phát triển dưới dạng thang điểm 14 mục (PSS-14) để đánh giá cách người trả lời nhận thấy cuộc sống của họ có thể ngoài dự tính, không thể kiểm soát và quá tải, được thiết kế để sử dụng cho các mẫu cộng đồng có trình độ học vấn ít nhất là trung học cơ sở. Vì các mục của thang PSS tập trung vào bản chất chung của cảm giác và suy nghĩ về căng thẳng hơn là các sự kiện hoặc trải nghiệm cụ thể, thang đo này được đề xuất để đo lường mức độ căng thẳng toàn cầu ở bất kỳ dân số nào [12].
Nghiên cứu của tác giả Liu và cs (2020) trên 1574 học sinh trung học phổ thông Trung Quốc nhằm xác định cấu trúc và chuẩn hóa thang đo trên nhóm đối tượng dân số chung Châu Á. Thông qua phương pháp Phân tích nhân tố xác định (CFA), nghiên cứu đã xây dựng bảng PSS tiêu chuẩn gồm 10 câu hỏi [36]. Bộ câu hỏi trong nghiên cứu này đã được chúng tôi sử dụng cho nghiên cứu của mình bởi tính tương đồng của hai dân sống trong hai nghiên cứu. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cho thấy tính tin cậy của công cụ là rất cao.
Thang đo gồm 10 câu hỏi được xây dựng dưới hình thức Likert 5 mức độ từ 0 = ”Không có” đến 4 = “Rất thường xuyên”, trong đó các câu F4, F5, F7 và F8 có điểm đảo ngược. Điểm tổng của thang đo sẽ dao động từ 0 đến 40 điểm và điểm càng cao thì người trả lời càng cảm thấy stress.
38