Một phần vấn đề của Ronan là ở chỗ anh trông không có cái vẻ của một nhà giao dịch trên Phố Wall. Anh xanh xao, vai nhỏ hẹp, lúc nào cũng khom khom lại, ở anh có cái vẻ thận trọng bồn chồn không dứt của một người vừa qua khỏi đận đói và đang chờ một đận khác đến. Anh cũng thiếu khả năng che giấu đi cái vẻ thiếu tự tin của mình, cũng như khả năng tỏ ra quan trọng và hiểu biết nhiều hơn thực tế, cái vẻ mà người ta thường thấy ở một tay làm giao dịch trên Phố Wall. Anh mảnh khảnh và thận trọng dò dẫm như một chú cầy mangut. Nhưng ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy sàn giao dịch Phố Wall, khi mới vừa bước vào tuổi 20, Ronan Ryan đã khao khát được làm việc ở đây − và không hiểu tại sao mình lại không thuộc về nơi đó. “Thật khó cưỡng lại được sức hấp dẫn của việc trở thành một trong những anh chàng Phố Wall khiến người khác phải sợ sệt và kiếm được cả núi tiền,” anh nói. Ấy thế nhưng thật khó hình dung nổi có ai lại đi sợ Ronan.
Phần còn lại trong vấn đề của Ronan là anh không thể hay không muốn ngụy trang nguồn gốc khiêm tốn của mình. Sinh trưởng ở Dublin, anh tới Mỹ năm 1990, khi 16 tuổi. Chính phủ Ireland cử cha anh tới New York nhằm thuyết phục các công ty Mỹ tới Ireland để hưởng các ưu đãi thuế, nhưng có rất ít công ty nghĩ đến chuyện làm vậy. Ireland là một đất nước nghèo nàn và u ám. Cha anh, một người chẳng giàu sang bạc vạn gì, đã tiêu đến những đồng xu cuối cùng để thuê một căn nhà ở Greenwich, Connecticut, nhờ thế Ronan mới có thể học một trường trung học công lập Greenwich và thấy thế nào là “cuộc sống xa hoa”. “Tôi không tin nổi,” Ronan nói. “Bọn choai choai cứ đến 16 tuổi là có xe riêng! Bọn chúng sẽ lầm bầm nếu phải đi xe buýt của trường. Tôi thì nói: ‘Cái thứ chết tiệt này thực sự đưa bọn ta tới trường đấy! Và lại còn miễn phí nữa! Tôi từng phải đi bộ 4 km kia kìa.’ Thật khó mà không yêu mến nước Mỹ.” Khi Ronan 22 tuổi, cha anh bị triệu hồi về Ireland; Ronan tiếp tục ở lại Mỹ. Anh không nghĩ Ireland là nơi mà có ai chịu quay lại nếu người đó có quyền lựa chọn và lúc này anh đang ấp ủ ý tưởng về Giấc mơ Mỹ của riêng mình − phiên bản Greenwich, Connecticut. Năm trước đó, qua một người Ireland mà cha anh từng gặp, anh xin được một chân thực tập hè tại phòng hỗ trợ của Ngân hàng Hóa chất và được hứa hẹn cho một vị trí trong chương trình đào tạo quản trị.
Thế rồi, họ hủy chương trình đào tạo; còn ông người Ireland biến mất tăm. Tốt nghiệp Đại học Fairfield năm 1996, anh gửi thư xin việc tới tất cả các ngân hàng trên Phố Wall, nhưng chỉ nhận được một sự quan tâm vờ vịt thoáng qua, từ một nơi mà ngay cả con mắt nghiệp dư của anh cũng thấy là một hãng môi giới chứng khoán giá rẻ chơi trò lừa đảo thổi phồng để thu lợi. “Tìm được một công việc ở Phố Wall không dễ như ta tưởng,” anh kể. “Tôi chẳng quen biết ai. Nhà tôi cũng chẳng có mối quen biết thân sơ nào.”
Cuối cùng, anh bỏ cuộc. Anh gặp một người Ireland khác; thật tình cờ, ông này lại làm cho văn phòng MCI Communications, một hãng viễn thông lớn ở New York. “Ông ấy nhận tôi vào làm chủ yếu bởi tôi là người Ireland,” Ronan nói. “Tôi đoán, năm nào ông ấy cũng có vài vụ từ thiện như thế. Và tôi là một trong số đó.” Chẳng vì một lý do cụ thể nào khác ngoài việc sẽ chẳng có ai tuyển mình, anh vào làm trong ngành viễn thông.
Công việc lớn đầu tiên mà anh được giao là đảm bảo 8.000 chiếc máy nhắn tin mới mà MCI đã bán cho một hãng lớn trên Phố Wall được giao nhận đầy đủ. Đúng như người ta nói với anh: “Mọi người đúng là rất nhạy cảm với chuyện máy nhắn tin đấy.” Ronan ngồi trên thùng chiếc xe tải cứu hộ trong cái nóng mùa hè, tới một cao ốc văn phòng nào đó để giao những chiếc máy nhắn tin mới. Anh kê chiếc bàn nhỏ ở thùng sau xe tải và dỡ thùng đồ, rồi đợi dân Phố Wall kéo đến lấy máy. Sau một giờ bắt tay vào việc, anh đã vã mồ hôi và thở không ra hơi trong thùng xe tải, trong khi có cả một dòng người đợi lấy máy và một đám đông khác đã hợp lại, đó là đám đông những người mà anh đã phát máy: những người phản đối máy nhắn tin. “Những chiếc máy nhắn tin này vớ vẩn quá!” và “Tôi ghét cái máy nhắn tin chết tiệt này!” Họ gào lên khi anh cố phát thêm máy. Khi anh giải quyết cuộc nổi dậy này, cô thư ký ở một công ty trên Phố Wall gọi cho anh phàn nàn về chiếc máy nhắn tin mới cho ông sếp của cô. Cô ta thất vọng về nó đến độ Ronan nghĩ anh có thể nghe được tiếng khóc của cô ở đầu dây bên kia. “Cô ấy cứ rền rĩ không dứt ‘Nó to quá! Nó sẽ làm đau ông ấy mất! Nó to quá! Nó sẽ khiến ông ấy đau thật mất!’” Lúc này Ronan hết sức bối rối: Làm sao mà một chiếc máy nhắn tin có thể gây đau đớn cho một người đàn ông trưởng thành cơ chứ? Nó chỉ là một khối hộp nhỏ, kích thước tầm 3x4cm mà thôi. “Rồi cô ta nói với tôi, ông ta là người nhỏ con và nó sẽ thọc sâu vào lườn ông ta khi ông ta cúi xuống,” Ronan kể. “Và rằng thì là ông ta không phải nhỏ con cỡ thường đâu mà bé loắt choắt. Và tôi nghĩ chứ không nói ra, vì tôi không muốn cô ta nghĩ mình là một thằng chẳng ra gì, Thế thì sao cô không cột nó lên lưng ông ta như cái balo ấy?”
Lúc đó, và những lúc khác giống như thế, có rất nhiều thứ thoáng qua trong tâm trí Ronan nhưng anh không nói gì. Ước lượng cỡ máy nhắn tin cho phù hợp với những tay nhỏ thó ở Phố Wall và bị những tay bự con ở Phố Wall không thích món đồ chơi công nghệ mới la ó không phải là những việc mà anh hình dung mình sẽ làm với cuộc đời của mình. Anh khổ sở vì không tìm được đường vào Phố Wall. Cuối cùng, anh quyết định sẽ tận dụng triệt để công việc này.
Đó hóa ra lại là góc nhìn mà MCI cho anh thấy toàn bộ hệ thống viễn thông Mỹ. Ronan khéo tay, nhưng anh chưa từng thật sự học bất cứ thứ gì có tính thực hành. Anh chẳng biết tí gì về công nghệ. Bây giờ thì anh bắt đầu tìm hiểu tất cả mọi thứ về nó. “Nếu loại phần xấu xí ra thì cách thức cái thứ chết tiệt này hoạt động khá là hấp dẫn,” anh nói. Một mạch dây đồng truyền tải thông tin như thế nào so với dây cáp quang. Bộ chuyển mạch mà Cisco sản xuất thì như thế nào so với bộ chuyển mạch mà Juniper sản xuất. Công ty phần cứng nào sản xuất thiết bị máy tính có khả năng vận hành nhanh nhất và tòa nhà nào trong thành phố nào có tầng lầu đủ khả năng chịu được sức nặng của thiết bị này – đó hoá ra lại là những khu nhà sản xuất cũ. Anh cũng biết thông tin di chuyển như thế nào từ chỗ này qua chỗ kia − dòng lưu chuyển đó thường không phải là một đường thẳng, do một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông duy nhất vận hành, mà là tuyến đường xoắn bện, được vận hành bởi nhiều nhà cung cấp. “Khi anh thực hiện một cuộc gọi từ New York tới Florida, anh không thể nào biết được mình phải đi qua bao nhiêu thiết bị thì cuộc gọi đó mới diễn ra. Có lẽ anh chỉ nghĩ nó giống trò truyền tin bằng hai cái lon nối với nhau bằng một sợi dây mà lũ trẻ hay chơi, nhưng không phải vậy.” Một mạch kết nối thành phố New York với Florida sẽ có Verizon ở đầu New York, Bellsouth ở đầu Florida và MCI ở giữa; nó sẽ chạy lắt léo từ trung tâm dân cư này sang trung tâm dân cư kia; khi đến được nơi cần đến, nó sẽ uốn khúc trong đủ loại
đường điên rồ qua các tòa nhà chọc trời và các khu phố xá. Để nghe cho có vẻ hiểu biết, dân viễn thông thích nói các tuyến cáp chạy qua “các thành phố diễn ra giải Giải Bóng bầu dục Quốc gia”.
Đó cũng là điều mà Ronan học được: nhiều người làm việc trong và quanh ngành viễn thông thường biết chứ không mấy khi hiểu. Đội bán công nghệ ở MCI thường không thật sự hiểu công nghệ đó nhưng lại được trả lương cao hơn hẳn những người đơn giản làm công việc khắc phục sự cố, như anh. Hay nói như anh: “Tôi kiếm 35 đô-la còn bọn họ kiếm 120 đô-la và bọn họ là những thằng ngu bỏ mẹ.” Anh tự xin sang bộ phận bán hàng và trở thành chuyên gia bán hàng hàng đầu. Sau một vài năm làm công việc này, anh bị Qwest Communications dụ rời khỏi MCI; rồi ba năm sau đó, anh lại bị một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn khác là Level 3 dụ rời khỏi Qwest. Lúc này anh đã kiếm được bộn tiền − cỡ vài trăm nghìn đô-la một năm. Đến năm 2005, anh không thể không chú ý thấy rằng chưa bao giờ các khách hàng của mình lại dễ là các ngân hàng lớn Phố Wall như lúc này. Anh có nhiều tuần ngồi trong Goldman Sachs, Lehman Brothers và Deutsche Bank, tìm hiểu xem đâu là tuyến đường hiệu quả nhất để chạy cáp và đâu là thiết bị tốt nhất để neo cáp vào. Anh vẫn giữ nguyên tham vọng ban đầu của mình. Anh đánh hơi tìm kiếm cơ hội tuyển dụng mỗi khi nhận được một công việc ở Phố Wall. “Tôi nghĩ: Mình đang gặp biết bao nhiêu người. Tại sao mình không thể xin được việc ở một chỗ trong số đó?” Thực ra thì các ngân hàng lớn vẫn mời anh về làm, nhưng chúng không liên quan đến tài chính. Họ đề nghị anh làm kỹ thuật − ở những khu xa tít nào đó với phần cứng máy tính và cáp quang. Có sự phân biệt tầng lớp mạnh mẽ giữa dân kỹ thuật và dân tài chính. Dân tài chính chỉ coi dân kỹ thuật như là người giúp việc vô danh. “Lúc nào họ cũng nói đúng một câu với tôi: ‘Anh là anh chàng lỉnh kỉnh dây hộp,’” anh kể.
Thế rồi năm 2006, BT Radianz gọi anh. Radianz ra đời từ biến cố 11/9, sau khi các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới phá hỏng những thiết bị quan trọng trong hệ thống truyền thông của Phố Wall. Công ty này hứa hẹn sẽ xây cho các ngân hàng lớn ở Phố Wall một hệ thống không dễ bị các cuộc tấn công bên ngoài phá hỏng như hệ thống hiện hành. Công việc của Ronan là thuyết phục giới tài chính tin dùng ý tưởng khoán mạng lưới thông tin của họ cho Radianz. Cụ thể, anh phải thuyết phục các ngân hàng “cùng chia chỗ” đặt máy tính trong trung tâm dữ liệu của Radianz ở Nutley, New Jersey. Nhưng không lâu sau khi bắt đầu làm việc ở Radianz, Ronan nhận được một yêu cầu tham vấn khác từ một quỹ đầu tư mạo hiểm đặt trụ sở tại thành phố Kansas. Người gọi đến nói anh ta làm việc cho một hãng giao dịch chứng khoán có tên là Bountiful Trust và rằng anh ta nghe nói Ronan là chuyên gia di chuyển dữ liệu tài chính. Boutinful Trust đang mắc phải một vấn đề: Khi thực hiện giao dịch giữa thành phố Kansas và New York, họ mất khá nhiều thời gian mới xác định được chuyện gì sẽ xảy ra với lệnh giao dịch của mình − tức là, cổ phiếu mà họ đã mua và bán là cổ phiếu nào. Họ cũng nhận thấy rằng, khi họ đặt lệnh, thị trường cũng biến mất hệt như thị trường trên màn hình giao dịch của Brad Katsuyama. “Anh ta nói: ‘Thời gian chờ của tôi là 43 mili giây,’” Ronan nhớ lại. “Và tôi nói ‘mili giây là cái quái gì vậy?’”
Thời gian chờ là thời gian tính từ khi tín hiệu được gửi đi cho đến khi nó được nhận. Có nhiều yếu tố quyết định đến thời gian chờ của hệ thống giao dịch trên thị trường chứng khoán: các hộp thiết bị, logic và các đường truyền. Các hộp thiết bị là những thiết bị máy
móc mà tín hiệu phải đi qua trên đường đi từ Điểm A đến Điểm B, tức là các máy chủ, các bộ khuếch đại tín hiệu và các bộ chuyển mạch. Logic là phần mềm, là mã lệnh vận hành các hộp thiết bị đó. Ronan không biết gì nhiều về phần mềm, ngoại trừ việc càng ngày càng có vẻ như nó được viết bởi những anh chàng người Nga nói tiếng Anh lõm bõm. Đường truyền là đường cáp quang sợi thủy tinh đưa thông tin đi từ hộp thiết bị này đến hộp thiết bị khác. Yếu tố lớn nhất quyết định đến tốc độ là độ dài cáp, hay khoảng cách mà tín hiệu cần thực hiện để đi từ Điểm A tới Điểm B. Ronan không biết mili giây là gì, nhưng anh hiểu vấn đề mà quỹ đầu tư mạo hiểm ở thành phố Kansas kia gặp phải: Nó nằm ở thành phố Kansas. Ánh sáng trong chân không di chuyển với vận tốc 299.338 km/giây, tức 299,33 km/mili giây. Ánh sáng trong sợi cáp va phải thành vách và vì vậy di chuyển với vận tốc chỉ bằng 2/3 vận tốc lý thuyết. Nhưng thế vẫn là nhanh. Kẻ thù lớn nhất cản trở tốc độ của tín hiệu là khoảng cách mà tín hiệu phải đi. “Vật lý là vật lý − đó là điều mà dân làm giao dịch không hiểu nổi,” Ronan nói.
Toàn bộ lý do Bountiful Trust đóng trụ sở ở Kansas là vì các nhà sáng lập tưởng rằng việc họ đặt trụ sở thật ở đâu không còn quan trọng nữa. Rằng Phố Wall không còn là nơi phải đóng. Họ đã nhầm. Một lần nữa, Phố Wall vẫn là nơi phải đóng trụ sở. Hiện giờ, nó không hẳn là ở Phố Wall mà ở New Jersey. Ronan chuyển các máy tính từ Kansas đến trung tâm dữ liệu của Radianz ở Nutley và giảm thời gian cần thiết để máy tính xác định được cổ phiếu mà họ đã giao dịch là gì từ 43 mili giây xuống còn 3,8 mili giây.
Từ đó trở đi, nhu cầu của Phố Wall đối với dịch vụ của Ronan tăng mạnh. Không chỉ từ ngân hàng và các hãng giao dịch cao tần có tiếng, mà cả các hãng giao dịch độc quyền chưa ai từng nghe nói đến, với chỉ vài nhân viên. Tất cả đều muốn có khả năng giao dịch nhanh hơn người khác. Để nhanh hơn, họ cần tìm được những tuyến đường ngắn hơn để làm đường đi cho tín hiệu của mình; để nhanh hơn, họ cần phần cứng mới, quy giản xuống còn những gì tối cần thiết; để nhanh hơn, họ cũng cần giảm khoảng cách vật lý giữa máy tính của mình và máy tính nằm trong các sàn giao dịch. Ronan biết cách giải quyết tất cả những vấn đề này. Tuy nhiên, khi mọi khách hàng mới của anh đều đặt máy tính trong trung tâm dữ liệu của Radianz, thì công việc trở nên rắc rối, đòi hỏi chút ma mãnh. Ronan kể: “Một hôm có nhà đầu tư gọi cho tôi và hỏi ‘Tôi đang ở chỗ nào trong phòng?’ Tôi nghĩ, Trong phòng á? Ý anh ‘trong phòng’ là gì? Thì ra, ý nhà đầu tư đó đúng là trong phòng.” Ông ta sẵn sàng bỏ tiền để di chuyển chiếc máy tính gửi lệnh tới thị trường chứng khoán của mình tới gần hết mức có thể với đường ống chạy ra khỏi tòa nhà ở Nutley − để ông ta có thể nhảy lên trước một chút so với các máy tính khác trong phòng. Sau đó, một nhà giao dịch khác lại gọi cho Ronan nói rằng ông ta để ý thấy đường cáp quang của mình dài hơn vài mét so với cần thiết. Thay vì để nó chạy vòng quanh bên ngoài phòng cùng với cáp của các công ty khác − việc này sẽ