Phiên tòa xử Sergey Aleynikov diễn ra 10 ngày trong tháng 12 năm 2010 và đáng chú ý vì sự vắng bóng của những người ngoài cuộc có hiểu biết. Giao dịch cao tần là một thế giới nhỏ bé và những người thực hiện nó, hoặc biết bất cứ thứ gì về nó, rõ ràng là quan tâm đến việc kiếm chác cho mình hơn là ra làm chứng trong các phiên tòa. Nhân chứng, chuyên gia bên ngoài về chủ đề này mà chính phủ mời tham gia, là một phó giáo sư tài chính của Viện Công nghệ Illinois, tên là Benjamin Van Vliet. Van Vliet đã trở thành chuyên gia bởi nhu cầu cần các chuyên gia của các nhà báo. Trong khi dạy khóa viết mã máy tính, Van Vliet đã đi tìm thứ gì đó hấp dẫn cho các sinh viên lập trình và dừng lại ở nền tảng giao dịch cao tần. Giữa năm 2010, tạp chí Forbes đột ngột gọi cho anh để hỏi, anh nghĩ thế nào về tuyến cáp quang mà Spread Networks cho chạy từ Chicago tới New Jersey. Van Vliet chưa bao giờ nghe nói đến Spread Networks và chẳng biết gì về tuyến cáp này, nhưng cuối cùng tên anh vẫn xuất hiện trên báo − và điều này tất nhiên dẫn đến việc có thêm nhiều cuộc gọi từ cánh báo chí, những người cần một chuyên gia về giao dịch cao tần. Rồi sau đó, cú sụp chớp nhoáng xảy ra, điện thoại của Van Vliet reo liên tục. Cuối cùng, các công tố liên bang đã tìm thấy anh và đề nghị anh tham gia với tư cách là nhân chứng chuyên gia trong phiên tòa xử một lập trình viên cao tần từng làm việc cho Goldman Sachs. Bản thân Van Vliet chưa bao giờ thật sự thực hiện bất kỳ hoạt động giao dịch cao tần nào và có rất ít thứ để bổ sung làm rõ cho giá trị hay thực chất của những gì mà Serge Aleynikov lấy từ Goldman Sachs. Van Vliet cũng có thông tin nhầm lẫn khủng khiếp về chính thị trường. (Anh mô tả Goldman Sachs như những “tay yankee48 New York” trong lĩnh vực giao dịch cao tần). Cuối cùng thành ra anh đã ra làm chứng với tư cách là nhân chứng chuyên gia trong phiên tòa đầu tiên có liên quan đến một vụ trộm mã giao dịch cao tần, một phiên tòa mà sau đó, vị thẩm phán xử án nói ý kiến cho rằng một chương trình giao dịch cao tần là một dạng khoa học nào đó là “chuyện vô cùng nhảm nhí”.
Bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xử Sergey Aleynikov chủ yếu là dân mới học hết trung học và đều thiếu kinh nghiệm lập trình máy tính. “Họ thường mang máy tính của tôi vào phòng xử,” Serge nhớ lại với vẻ hoài nghi. “Họ thường kéo ổ đĩa cứng ra và trình nó cho bồi thẩm đoàn. Như là bằng chứng!” Trừ Misha Malyshev, ông chủ một thời của Serge, những người đứng trên bục đó không có kiến thức khả tín về giao dịch cao tần: tiền được làm ra như thế nào, kiểu mã máy tính nào có giá trị, v.v... Malyshev làm chứng với tư cách nhân chứng bên công tố rằng mã của Goldman không có bất kỳ tác dụng gì trong hệ thống mà mình thuê Serge xây dựng − mã của Goldman được viết bằng một ngôn ngữ lập trình khác, nó chậm và được thiết kế vụng về, nó được thiết kế cho một hãng tự giao dịch với khách hàng của mình, còn Teza, hãng giao dịch của Malyshev, không có khách hàng, v.v... − nhưng khi nhìn lên, anh thấy có đến nửa ban bồi thẩm đoàn trông như đang gà gật. “Nếu tôi là một thành viên bồi thẩm đoàn và không phải dân lập trình,” Serge nói, “tôi cũng khó mà hiểu được tại sao tôi lại làm việc tôi làm.”
Vai trò của Goldman Sachs trong phiên tòa là làm cho việc hiểu biết đích xác trở nên thậm chí còn khó khăn hơn nữa. Các nhân viên của hãng, khi đứng trên bục nhân chứng, đã hành xử giống như chuyên gia bán hàng đi thuyết phục cho bên công tố, hơn là công dân của
bang. “Không phải là họ nói dối,” Serge nói. “Nhưng họ nói những thứ không nằm trong chuyên môn của mình.” Khi vị sếp cũ của Serge, Adam Schlesinger, được hỏi về đoạn mã, ông ta nói rằng mọi thứ ở Goldman đều là độc quyền. “Tôi không nói ông ta nói dối, nhưng ông ta đang nói về thứ mà ông ta không hiểu, vì vậy người ta đã hiểu sai ông ta,” Serge nói. Hệ thống tư pháp của chúng ta không phải là công cụ tốt để đào xới những sự thật trù phú. Đối với tôi, dường như điều thật sự cần thiết ở đây là Serge Aleynikov buộc phải giải thích cho mọi người biết anh đã làm gì, tại sao anh lại làm vậy, để mọi người có thể hiểu lời giải thích đó và đánh giá nó. Goldman Sachs chưa bao giờ đề nghị anh giải thích và FBI không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất kỳ ai hiểu biết về máy tính hay hoạt động giao dịch cao tần. Bởi vậy, suốt hai buổi tối, trong phòng riêng ở một nhà hàng trên Phố Wall, tôi đã triệu tập một phiên tòa thứ hai. Để có người đóng vai cả bồi thẩm đoàn và bên công tố, tôi đã mời đến đây nửa tá những người hiểu rõ Goldman Sachs, hoạt động giao dịch cao tần và lập trình máy tính. Tất cả đều là những người có thẩm quyền trên thị trường chứng khoán mới mẻ khó hiểu của chúng ta; một vài người từng viết mã cao tần; có người đã tham gia phát triển phần mềm cho các nhà giao dịch cao tần của Goldman. Tất cả đều là nam. Họ sinh ra và lớn lên ở 4 quốc gia khác nhau, nhưng hiện tất cả đều sống ở Mỹ và làm việc trên Phố Wall. Tất cả vẫn làm việc trong ngành này, và vì vậy, để họ có thể thoải mái thể hiện mình, họ cần ẩn danh. Trong số họ có những người đang làm việc cho IEX.
Tất cả dĩ nhiên đều ngờ vực − cả Goldman Sachs lẫn Serge Aleynikov. Họ đều nghĩ rằng nếu Serge phải ngồi tù 8 năm, chắc chắn anh ta đã phải làm gì đó sai. Họ không buồn tìm hiểu xem đó là gì. Tất cả họ đều theo dõi vụ việc trên báo và thấy một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng của các chuyên gia lập trình phần mềm trên Phố Wall. Trước khi Serge bị bỏ tù, mỗi khi nhảy sang chỗ làm mới, các chuyên gia lập trình Phố Wall thường mang theo đoạn mã mà mình từng làm việc ở chỗ cũ. Nói như một thành viên trong bồi thẩm đoàn mới, “Có một tay bị bỏ tù vì lấy đi thứ chẳng ai hiểu. Và thế là tất cả các chuyên gia lập trình công nghệ khác đều đoán được thông điệp: cứ lấy mã đi, rồi anh sẽ bị bỏ tù. Chuyện đấy hệ trọng chứ.” Vụ bắt giữ Serge Aleynikov cũng khiến nhiều người, lần đầu tiên, bắt đầu dùng đến cụm từ “giao dịch cao tần”. Một thành viên khác của bồi thẩm đoàn mới, từng làm việc cho một ngân hàng lớn trên Phố Wall năm 2009, nói, “khi anh ta bị bắt, chúng tôi đã có một cuộc họp với tất cả các nhân sự làm giao dịch điện tử, để bàn về hồ sơ một trang mà ngân hàng đã thảo ra để trình bày với các khách hàng về chủ đề mới có tên ‘giao dịch cao tần’.”
Nhà hàng này là một trong những chốn theo trường phái cũ trên Phố Wall, nơi sẽ tính bạn cả ngàn đô nếu bạn sử dụng phòng riêng và sau đó sẽ thách bạn ăn cho đến khi bạn hòa vốn thì thôi. Đồ ăn và đồ uống xuất hiện với số lượng lớn: những đĩa tôm hùm và cua đại bự, những miếng bít-tết với kích cỡ bằng màn hình máy tính để bàn, những núi khoai tây và rau chân vịt bốc khói. Đó là bữa ăn được nấu theo kiểu cách đây hàng chục năm, cho những nhà giao dịch dành cả ngày tin tưởng trực giác của mình và đêm đến thì tưởng thưởng cho nó; nhưng bữa đại yến lúc này đây lại đang được phục vụ cho một nhóm các nhà công nghệ còm nhom, những người điều khiển những chiếc máy hiện đang điều khiển thị trường và cũng là những người đã đẩy trường phái cũ đến chỗ tiêu tùng. Họ ngồi quanh bàn nhìn chằm chằm vào núi thức ăn, giống như một đội quân chinh phạt gồm toàn các thái giám đột nhiên lọt
vào hậu cung của kẻ thù. Họ gần như không hề động đũa. Về phần mình, Serge ăn rất ít và có vẻ lãnh đạm.
Điều thú vị là, các vị bồi thẩm viên mới bắt đầu bằng việc hỏi Serge nhiều câu hỏi cá nhân. Họ muốn biết người đàn ông này là kiểu người nào. Chẳng hạn, họ quan tâm đến lịch sử làm việc của anh trên thị trường và để ý thấy hành vi của anh khá nhất quán với hành vi của một chuyên gia công nghệ quan tâm đến công việc của mình, hơn là quan tâm đến số tiền mà công việc đó tạo ra. Khá nhanh chóng, bằng một cách nào đó mà tôi không biết, họ xác định anh không chỉ thông minh, mà còn rất tài năng. “Những tay kiểu này thường thông minh trong một lĩnh vực rất hẹp,” một người trong bọn sau đó giải thích lại cho tôi hiểu. “Việc một nhà công nghệ có ưu thế hoàn toàn vượt trội ở nhiều lĩnh vực quả thật rất lạ.”
Sau đó, họ bắt đầu thăm dò sự nghiệp của anh ở Goldman Sachs. Họ ngạc nhiên khi biết anh đã đạt đến “cấp siêu người dùng” ở Goldman, nói cách khác anh là một trong số ít người (khoảng 35 người, ở một hãng mà khi đó có hơn 31.000 nhân viên) có thể đăng nhập vào hệ thống với tư cách quản trị viên. Quyền tiếp cận đặc biệt này cho phép anh, bất kỳ lúc nào, cũng có thể mua một ổ cứng di động giá rẻ, cắm nó vào máy tính và lấy toàn bộ mã máy tính của Goldman mà không ai hay biết. Tuy nhiên, chỉ thực tế đó không thôi không chứng minh được điều gì đối với họ. Như một người nói thẳng với Serge, nhiều tên trộm cẩu thả và bất cẩn; chỉ vì anh ta cẩu thả và bất cẩn không có nghĩa anh ta không phải là trộm. Mặt khác, tất cả họ đều đồng ý rằng, chẳng có gì ít khả nghi và ít kinh khủng hơn cái cách mà Serge lấy thứ anh đã lấy. Sử dụng một kho dữ liệu phiên bản phụ để lưu trữ mã và xóa lịch sử làm việc là những việc hết sức bình thường. Hành động sau còn cực hợp lý nếu ta đã gõ mật khẩu vào dòng lệnh. Nói tóm lại, Serge không hành xử như một người đang cố xóa dấu vết. Một thành viên bồi thẩm đoàn mới nói ra điều mà ai cũng thấy rõ: “Nếu việc xóa lịch sử làm việc khéo léo và xảo quyệt thế thì tại sao Goldman lại phát hiện ra anh ta lấy bất cứ thứ gì?” Đối với bồi thẩm đoàn mới này, câu chuyện mà FBI thấy rất thiếu thuyết phục − rằng Serge lấy các file vì anh nghĩ rằng sau đó mình có thể muốn phân tích mã nguồn mở có trong đó − lại vô cùng hợp lý. Vì Goldman không cho phép anh tung ra bản mã đã cải thiện hoặc bản gỡ lỗi ra công chúng − dù giấy phép truy cập tự do ban đầu quy định các cải tiến phải được chia sẻ công khai − nên cách duy nhất để anh có thể sờ vào các file này là lấy mã của Goldman. Việc anh cũng lấy đi một số mã không phải là nguồn mở, tình cờ lại nằm trong cùng file với các mã nguồn mở, không làm ai ngạc nhiên. Lấy một tập file chứa cả mã nguồn mở và mã nguồn không mở là một cách hiệu quả để tập hợp mã nguồn mở, ngay cả khi mã nguồn mở là mã duy nhất mà anh ta quan tâm. Đối với anh ta, việc đi tìm mã nguồn mở mà anh ta cần trên mạng mới là bất hợp lý, bởi các mã này nằm rải rác khắp nơi trên mạng. Đối với bồi thẩm đoàn này, việc mối quan tâm của Serge chỉ giới hạn ở mã nguồn mở cũng hoàn toàn có khả năng, bởi đó là mã có mục đích chung chung, người ta có thể điều chỉnh lại mục đích của nó sau này, nếu muốn. Mã độc quyền của Goldman được viết riêng cho nền tảng của Goldman; nó không có giá trị sử dụng cho bất kỳ hệ thống mới nào mà anh ta muốn xây dựng. (Hai đoạn mã nhỏ mà Serge gửi đến máy tính của Teza trước khi bị bắt đều có giấy phép mã nguồn mở).
“Ngay cả nếu anh ta lấy đi toàn bộ nền tảng của Goldman, thì với anh ta, việc tự viết nền tảng mới còn nhanh và hiệu quả hơn,” một thành viên bồi thẩm đoàn nói.
Một vài lần Serge đã khiến bồi thẩm đoàn phải ngạc nhiên vì các câu trả lời của mình. Chẳng hạn, tất cả đều choáng váng khi biết từ ngày đầu tiên Serge đến Goldman làm, anh đã có thể tự gửi mã nguồn của Goldman cho mình mỗi tuần mà chẳng ai ở đó nói một lời về chuyện đó. “Ở Citadel, nếu anh cắm ổ usb vào máy trạm, trong vòng 5 phút sẽ có người xuất hiện ngay cạnh anh và hỏi anh đang làm cái quái gì vậy,” một thành viên bồi thẩm đoàn từng làm việc ở hãng này nói. Hầu hết họ đều ngạc nhiên với con số ít ỏi mà Serge đã lấy đi so với toàn bộ khối mã: 8 megabyte, trong một nền tảng gồm gần 1.500 megabyte mã. Người hoài nghi nhất trong số họ cũng phải ngạc nhiên với những gì mà anh không lấy.
“Anh có lấy các chiến lược không?” một người hỏi, ngụ ý nói đến các chiến lược giao dịch cao tần của Goldman.
“Không,” Serge đáp. Đó là thứ mà các công tố viên không buộc tội anh.
“Nhưng đó mới là thứ nước xốt bí mật, nếu có cái gọi là nước xốt bí mật,” một thành viên bồi thẩm đoàn nói. “Nếu anh định lấy thứ gì, thì hãy lấy chiến lược ấy.”
“Tôi không hứng thú với chiến lược,” Serge nói.
“Nhưng thế thì chẳng khác nào trộm chiếc hộp nữ trang rỗng không,” một thành viên khác nói.
“Anh có vị thế siêu người dùng kia mà!” người đầu tiên nói. “Anh có thể dễ dàng lấy được các chiến lược. Tại sao anh lại không làm thế?”
“Đối với tôi, công nghệ lý thú hơn chiến lược,” Serge nói.
“Anh không hứng thú xem họ đã kiếm được hàng trăm triệu đô-la như thế nào sao?” ai đó hỏi.
“Không hứng thú lắm,” Serge nói. “Dù thế nào thì tất cả cũng chỉ là một canh bác lớn thôi.” Vì từng thấy điều này ở nhiều lập trình viên khác, nên họ không choáng váng khi thấy anh thờ ơ đối với các hoạt động giao dịch của Goldman, hay Goldman đã giữ anh “Dù thế nào thì tất cả cũng chỉ là một canh bác lớn thôi.”
Nói chuyện với một lập trình viên về hoạt động giao dịch khá giống việc nói chuyện với một anh thợ sửa ống nước dưới tầng hầm về trò bài bạc mà một tay mafia cỡ bự đang điều hành ở tầng trên. “Anh ta biết quá ít về bối cảnh kinh doanh,” một thành viên bồi thẩm đoàn nói sau khi tham dự hai bữa tối. “Ta phải cố thì mới biết ít như anh ta.” Một người khác nói, “Anh ta biết như những gì người ta muốn anh ta biết về cách họ kiếm tiền, mà gần như là chẳng gì cả. Anh ta chưa làm ở đó lâu. Anh ta xuất hiện với hiểu biết bối cảnh bằng 0. Và anh ta dành toàn bộ thời gian của mình để đi khắc phục lỗi.” Một người khác cho biết anh ta thấy Serge là ví dụ điển hình của một lập trình viên có giá trị bị các ngân hàng lớn trên Phố
Wall cố tìm cách giảm thiểu giá trị hết mức có thể − bằng cách dùng kỹ năng của họ mà không cho họ tham gia hẳn vào công việc kinh doanh. “Ta thấy có hai dạng sơ yếu lý lịch từ [những người làm ở] các ngân hàng này,” anh này nói. “Ta in ra giấy và thấy có lẽ sự khác biệt giữa chúng là 10%. Nhưng một người được trả 300.000 đô-la một năm còn người kia được trả 1,5 triệu đô-la. Sự khác biệt là một người được cho thấy bức tranh toàn cảnh, còn