Đánh giá khách quan DNNN đã và đang tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng có tiềm lực mạnh về tài chính, thương hiệu, trình độ khoa học - kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế, bình ổn thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
Hiệu quả kinh doanh của DNNN xét trên các tiêu chí như lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, bảo toàn và tăng trưởng vốn đạt kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tổng tài sản của khối này là 3.015.478 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Vốn chủ sở hữu là 1.371.561 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016. Tổng
doanh thu của các DNNN đạt 1.605.050 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016.
Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 167.579 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/Vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) bình quân chung của các DNNN năm 2017 là 10,2% (năm 2016 là 7,6%). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản (ROA) bình quân chung năm 2017 là 7,4% (năm 2016 là 5,7%). Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện 2016.
Theo kết quả tổng hợp thì các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017, 2018 của các DNNN đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên so với khu vực doanh nghiệp (DN) khác và so với các DN khác cùng ngành nghề kinh doanh thì chưa tương xứng với nguồn lực vốn, tài sản đã giao cho các DNNN (trừ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên) - Chính phủ nhận định.
Theo báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến cuối năm 2018, cả nước có 490 doanh nghiệp Nhà nước với tổng tài sản ước đạt 1.843,3 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.040,5 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 đạt 193.510 tỷ đồng, tổng số lãi đạt 26.425 tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước vẫn duy trì đóng góp từ 26 - 28% tăng trưởng GDP, chiếm 24,82% ngân sách năm 2018.
Tuy nhiên có không ít DNNN hoạt động kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, thậm chí mất vốn, đặc biệt là 12 đại dự án ngàn tỷ. Và một số cán bộ quản lý DNNN vi phạm pháp luật, tham nhũng, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước, làm giảm uy tín, tạo hình ảnh xấu về mô hình kinh tế này.
Tuy nhiên, các tồn tại hạn chế và một số vụ việc vi phạm trong thời gian qua
đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận, xử lý. Nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh thua lỗ, đứng trên bờ vực giải thể, phá sản đã hoạt động trở lại, một số đơn vị đã kinh doanh có lãi, khắc phục được hạn chế, yếu kém, trong đó có một số dự án trong 12 đại dự án ngàn tỷ. Vì vậy, tại Hội nghị lần này tiếp tục đánh giá toàn diện, sát thực hơn về vị trí, vai trò của DNNN, giữ vững và phát huy mặt tích cực, khắc phục hạn chế, yếu kém, khẳng định đây là lực lượng quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội...
Dù sao thì cũng không thể phủ nhận hiệu quả hoạt động của DNNN thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
Đây cũng là lý do khiến dư luận xã hội và nhiều chuyên gia kinh tế hoài nghi về mô hình DNNN. Nhưng đánh giá, nhận xét phải dựa trên số liệu thống kê khách quan, trung thực.
Theo số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thì hiệu suất sinh lời/tài sản của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,9%; DNNN đạt 2,6%; doanh nghiệp tư nhân đạt 1,4%. Hiệu suất sinh lời/doanh thu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 6,7%; DNNN đạt 6,6% (tăng đáng kể so với mức 5,1% của năm 2011); doanh nghiệp tư nhân đạt 1,9%. Bình quân một DNNN nộp ngân sách Nhà nước 104 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 18 tỷ đồng và gấp tới 104 lần doanh nghiệp tư nhân.
Hoạt động của DNNN chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chỉ riêng về vốn, mặc dù chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng số doanh nghiệp, nhưng DNNN chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp, nhưng chỉ nắm giữ 53,5% tổng nguồn vốn.