So với Nghị định 41 trước đây, Nghị định 55 có nhiều điểm mới thông thoáng hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Các cá nhân, gia đình, chủ trang trại nếu không có tài sản thế chấp vẫn vay được vốn. Các hộ dân không có tài sản bảo đảm có thể vay tối đa 100 triệu đồng, chủ trang trại không có tài sản thế chấp được vay tới 500 triệu đồng... Chính sự thông thoáng này đã gỡ khó và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân ở huyện Tứ Kỳ mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Năm 2004, sau khi mua được 5 mẫu ruộng trũng của hơn 30 hộ dân tại khu Đồng Táo, anh Nguyễn Thiên Thủy ở thôn Làng Vực, xã Tứ Xuyên dự định sẽ xây dựng một trang trại chăn nuôi tổng hợp theo mô hình vườn - ao - chuồng. Tuy nhiên, kế hoạch của anh đã không thể thực hiện do số vốn tự có chỉ đủ để đào đắp bờ vùng và đào 2 ao thả cá. Tìm đến ngân hàng vay vốn, anh Thủy chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nguyên nhân do gia đình anh không có sổ đỏ hoặc tài sản có giá trị để thế chấp. Thiếu vốn đầu tư nên việc sản xuất của gia đình anh manh mún, hiệu quả thấp. Năm 2015, Nghị định 55 của Chính phủ có hiệu lực, anh Thủy đã được Agribank Tứ Kỳ cho vay 500 triệu đồng. Có vốn trong tay, anh đầu tư mở rộng 2 ao nuôi cá, xây một số dãy chuồng nuôi 70 con lợn, 7 con bò
sinh sản, 400 con vịt đẻ. Bên cạnh đó, anh còn mở thêm nghề nấu rượu và mua máy gặt đập liên hợp để phục vụ nhân dân địa phương. Ngay trong năm đầu, sau khi trừ chi phí, anh Thủy thu lãi hơn 200 triệu đồng. Anh ví von: “Nghị định 55 của Chính phủ chẳng khác nào chiếc phao bơi giúp tôi lúc đang bị đuối nước. Có nghị định này thì tôi mới có cơ ngơi như bây giờ”.
Nghị định 55 cũng trở thành cứu cánh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của ông Trần Quang Biên ở thôn An Lại, xã Dân Chủ. Nhận thấy kinh doanh đồ gỗ dân dụng không còn hiệu quả như trước, năm 2012, ông Biên chuyển sang sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Việc đầu tư cải tạo, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, nguyên liệu rất tốn kém trong khi số vốn của gia đình hạn chế nên cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng. Đúng lúc khó khăn ông Biên được Agribank Tứ Kỳ cho vay 800 triệu đồng theo Nghị định 55 để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng vốn quan trọng này đã tiếp sức rất lớn để ông Biên mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm thêm phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó cơ sở của ông ngày càng có nhiều khách hàng ở cả trong và ngoài tỉnh biết tiếng. Hiện cơ sở của ông Biên thu lãi 30- 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm
ổn định cho 7 lao động địa phương. Đồng chí Nguyễn Thế Đậu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên cho biết Nghị định 55 đã giúp người dân trong xã mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng khai thác rươi, cáy, nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò lấy thịt, phát triển trang trại chăn nuôi thủy sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... 6 tháng đầu năm nay, kinh tế của xã Tứ Xuyên tăng trưởng 8,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng, tăng gần 4 triệu đồng so với năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm chỉ còn 2,9%. Tính đến hết tháng 6-2016, Agribank Tứ Kỳ đã cho 5.384 khách hàng vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ với tổng dư nợ đạt trên 995 tỷ đồng, tăng 36% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Ngọc Thăng, Phó Giám đốc Agribank Tứ Kỳ cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục để khách hàng được vay vốn ở mức cao nhất. Cán bộ tín dụng của ngân hàng thường xuyên bám sát cơ sở, giám sát, tư vấn cho các hộ dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích”.
Nghị định 55 không chỉ là “luồng gió mới” giúp hàng trăm hộ dân ở huyện Tứ Kỳ được vay vốn thuận tiện, dễ dàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế ở các địa phương ngày càng phát triển.