Nhìn những mô hình kinh tế đang trên đà “ăn nên làm ra” này, có lẽ chẳng mấy người biết rằng kinh tế của huyện Giao Thuỷ mới thực sự phát triển trong khoảng hơn chục năm trở lại đây.
Ông Lê Nam Thanh, Giám đốc Agribank chi nhánh Giao Thuỷ cho biết, cách đây khoảng 13 năm, nguồn vốn huy động tại địa phương chỉ vào khoảng 22 tỷ đồng, đủ biết đời sống bà con trong vùng khó khăn đến mức nào. Họ làm còn không đủ ăn thì nói gì tới dư dả để gửi NH. Cũng chẳng mấy ai nghĩ tới việc bung ra làm kinh tế, bám vào nông nghiệp mà giàu lên… Nhưng nay mọi chuyện đã khác. Huy động vốn trên địa bàn lên tới 900 tỷ đồng; dư nợ cả huyện khoảng 1.200 tỷ đồng. Agribank Giao Thuỷ phải vay vốn từ Trung ương để kịp phục vụ cho nhu cầu sản xuất của bà con. “Có thời điểm, vốn vay Trung ương của chúng tôi lên tới hơn 300 tỷ đồng, cho bà con vay lại với lãi suất ưu đãi chính sách, trừ chi phí xong không còn đồng lời nào, nhưng chúng tôi xác định vẫn phải làm để đảm bảo sản xuất thông suốt, giữ chân khách hàng”, ông Thanh nói.
Nếu chỉ dựa vào sự linh hoạt, năng nổ của cán bộ thôi thì chưa đủ để đồng vốn NH chảy đều xuống hàng nghìn hộ vay vốn như vậy. Ban Lãnh đạo Agribank Nam Định quả quyết, các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành trong năm vừa qua chính là “kim chỉ nam” cho hoạt động của NH được mệnh danh là “bạn của nhà nông” này.
Tiêu biểu là Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã nâng dư nợ và hạn mức của mỗi món vay, rất phù hợp với hoạt động của các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bởi cho vay theo Nghị định 55 không phải có tài sản đảm bảo, NH chỉ giữ sổ đỏ để khách hàng không vay các đối tượng, tổ chức khác. Bên cạnh đó, với các thủ tục đơn
giản hơn, cường độ lao động của cán bộ, nhân viên cũng được tiết giảm, các loại giấy tờ cũng giảm đáng kể... Trước kia cho vay thời hạn ngắn có 1 năm, mỗi cán bộ tín dụng phụ trách 800 - 1.000 khách hàng thì “quay ra làm” không kịp. Đến nay, thời hạn món vay kéo dài 3 năm, điều kiện đã thuận lợi hơn nhiều. “Nghị định này tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho khách hàng và NH”, ông Tuấn khẳng định.
Thế nhưng, chính sách đã ít nhiều “cởi trói” này có vẻ vẫn chưa đủ với cán bộ NH - những người luôn đau đáu với việc làm thế nào để đồng vốn NH giúp bà con nông dân thực sự phát huy hết thế mạnh, tận dụng lợi thế địa phương để làm giàu cho bản thân.
Ông Lê Nam Thanh trăn trở, vừa qua Nghị định 55 đã nâng hạn mức cho vay nông nghiệp, hỗ trợ rất nhiều cho cả NH và khách hàng. Tuy nhiên là người trực tiếp hàng ngày xuống nắm nhu cầu của từng hộ nông dân, ông Thanh kiến nghị sắp tới nâng hạn mức vay lên 500 triệu đồng.
Ông phân tích, do đặc điểm kinh tế nông nghiệp của các hộ ở Giao Thuỷ nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung rất đa dạng, dòng tiền được chi tiêu vào nhiều mục đích nhằm đa dạng sản xuất. Do đó, hạn mức vay như hiện nay vẫn chưa đủ để người nông dân tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, trong khi tiềm năng phát triển còn rất lớn.
“Vài năm trở lại đây, kinh tế hộ gia đình vẫn là một trong những khu vực phát triển nhất và tạo ra nhiều lợi ích cho quốc gia. Khi các DN khó khăn, lao động tràn về nông thôn mà không thấy nông thôn kêu khó. Chỉ hiềm một nỗi là với khả năng cho vay có hạn, chúng tôi trăn trở không thể cho vay nhiều hơn để kinh tế hộ bứt phá lên. Do đó, tôi mong NH cấp trên có cơ chế để ở dưới yên tâm làm theo, không sai chính sách, lại thuận tiện cho khách hàng và chính NH”, ông Thanh chia sẻ.