5. Dinh dưỡng dự phòng loãng xương
5.1. Thế nào là loãng xương?
Trong y văn, loãng xương được định nghĩa là tình trạng rối loạn chuyển hoá xương, được đặc trưng bởi khối lượng xương thấp và hư hỏng vi kiến trúc của mô xương, dẫn đến tổn thương sức mạnh
của xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Hiểu một cách thông thường, bệnh loãng xương hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Hình 3.2: So sánh hình ảnh xương bình thường và loãng xương
Loãng xương đứng hàng thứ hai gây nên bệnh tật, chỉ sau bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông Việt Nam trên 50 tuổi. Trên thế giới, cứ 30 giây thì có một người bị gãy xương do loãng xương. Dự đoán đến năm 2050 các nước châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ có 50% các trường hợp bị tàn phế hoặc đe dọa tính mạng do gãy khớp háng
vì bệnh loãng xương. Gãy xương do loãng xương là nguyên nhân chính của bệnh tật và tàn tật ở người cao tuổi.
Loãng xương thường tiến triển âm thầm, ít có triệu chứng đến khi cơ thể đã mất khoảng 30% khối lượng xương thì bắt đầu bị bệnh loãng xương. Khi đó, dấu hiệu đầu tiên có thể thấy là gãy xương do một tác động đột ngột hoặc một cú ngã nhẹ như gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể quan sát thấy khi xương đã bị suy yếu do loãng xương là:
- Sụt cân, vã mồ hôi, buồn bã chân tay, chuột rút... là những dấu hiệu do thiếu calci trong máu gây ra.
- Đau nhức đầu xương, mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim châm.
- Đau vùng xương chịu gánh nặng cơ thể như cột sống, thắt lưng, xương chậu, hông, đầu gối. Đau âm ỉ, kéo dài, tăng dần khi vận động, đi lại, đứng lên sau khi ngồi lâu, đau thuyên giảm khi nằm nghỉ.
- Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng
xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người.