5. Dinh dưỡng dự phòng loãng xương
5.3. Các biện pháp dự phòng và kiểm soát loãng xương
loãng xương
- Các mức độ dự phòng
+ Dự phòng trước khi loãng xương xảy ra: nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe. Tăng khoáng chất cho xương, thông qua xây dựng chế độ ăn hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin (đặc biệt là D3) và khoáng chất (calci), đa dạng hóa bữa ăn. Tăng cường vận động giúp kích hoạt quá trình tạo xương trong cơ thể.
+ Hạn chế các yếu tố nguy cơ cao gây loãng xương: không hút thuốc lá, không sử dụng nhiều rượu, bia, hạn chế chấn thương gây gãy xương, phụ
nữ không nên mang thai nhiều lần và giữa các lần quá gần...
+ Giảm mức độ trầm trọng của bệnh khi đã bị loãng xương: thông qua vận động vừa sức, chế độ ăn hợp lý, kết hợp với bổ sung calci bằng dược phẩm và thực phẩm chức năng để bảo đảm bổ sung đủ calci cho nhu cầu của cơ thể đang trong tình trạng thiếu hụt.
+ Giảm mức độ tàn tật, nâng cao chất lượng sống khi đã bị loãng xương nặng: tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho người loãng xương nặng, bảo đảm hấp thụ hiệu quả. Đối với các trường hợp đã gãy xương do loãng xương, nên điều trị tập trung và sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi khả năng đi lại, duy trì chất lượng cuộc sống.
- Dinh dưỡng hợp lý
+ Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cho bà mẹ từ khi mang thai và cho con bú để trẻ có bộ xương tốt nhất. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và vận động cho trẻ để đạt mức phát triển bộ xương tốt nhất.
+ Biết cách tắm nắng hợp lý để tăng cường vitamin D, nhằm tăng hấp thu calci cho cơ thể: tắm nắng vào buổi sáng trước 9 h, từ 10-15 phút, cho ánh nắng tiếp xúc trực tiếp vào vùng da hở.
+ Có chế độ ăn hợp lý để tăng cường calci và vitamin D như:
Ăn thực phẩm giàu calci1 như các loại hải sản (tôm, tép, cua, các loại ốc, cá loại nhỏ ăn được cả xương, các loại cá dầu, cá biển), nên ăn 3-4 lần/tuần; vừng đen/trắng; sữa bột tách béo, phomai.
Ăn những loại thực phẩm có nhiều vitamin D như sữa, trứng, dầu cá, gan động vật, cá mòi, cá thu, đậu phụ.
Tăng mức tiêu thụ rau và trái cây: bảo đảm 500 g/ngày, chú ý các loại rau: rau cần, rau dền cơm, dền đỏ, rau dền trắng, rau đay, mộc nhĩ,...
Ăn vừa phải các thực phẩm nhiều acid và đạm cao như thịt đỏ (thịt chó, thịt trâu, thịt bò, thịt dê,...) và hoa quả có vị chua.
Giảm ăn muối và các thực phẩm có nhiều muối như đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn (giò, chả, pate, xúc xích, lạp xường,...), dưa muối, cà muối.
+ Từ 40 tuổi trở lên cần bổ sung calci vào chế độ ăn uống hằng ngày và tăng cường các hoạt động thể lực ngoài trời.