Giải pháp cụ thể tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã từ thực tiễn huyện cam lộ, tỉnh quảng trị (Trang 91 - 97)

3.2.2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

- Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị tại huyện Cam Lộ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về công tác cán bộ tại xã trong giai đoạn hiện nay

- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và khả năng vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước vào tình hình thực tiễn cuộc sống; phát huy tinh thần tự giác nghiên cứu học tập, rèn luyện, tu dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã.

- Thực hiện tốt việc đánh giá, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ trong diện quy hoạch của các

phòng, ban ngành cấp huyện về giữ cá chức vụ chủ chốt ở cấp xã và luân chuyển cán bộ, công chức xã lên huyện khi cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu cán bộ lãnh đạo ở cơ sở, vừa rèn luyện, đào tạo cán bộ lâu dài. Trong điều động, luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã phải kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức với công tác tư tưởng, vừa động viên, vừa khuyến khích tinh thần tự giác, vừa yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh quyết định điều động, luân chuyển của tổ chức.

- Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác tổ chức cán bộ, trong đó tập trung làm tốt khâu đánh giá, quy hoạch ĐTBD cán bộ cấp xã để bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường. Đồng thời kiên quyết thay thế những cán bộ, công chức cấp xã sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và yếu kém về năng lực chuyên môn ra khỏi hệ thống chính trị.

- Ban hành các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác tổ chức cán bộ và công tác ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá cán bộ, công chức để kịp chấn chỉnh những sai sót, khắc phục những hạn chế trong công tác ĐTBD.

- Xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức, quản lý ĐTBD cán bộ công chức cấp xã giữa các xã, thị trấn trên địa bàn, các cơ quan hữu quan, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, liên kết giữa Trung tâm chính trị tỉnh và các đơn vị ĐTBD khác. Một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các Trung tâm chính trị tỉnh là ĐTBD cho cán bộ, công chức cấp xã, nhưng theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức cấp xã không thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của tỉnh ủy mà việc quản lý cán bộ, công chức cấp xã là do UBND tỉnh thực hiện. Trong khi đó, ĐTBD là nội dung không thể tách rời công tác quản lý cán bộ. Thật khó phối hợp và gây nên sự chồng chéo khi tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã hằng năm của Trường chính trị tỉnh, trong khi đó UBND tỉnh quản lý đội ngũ cán bộ này theo quy hoạch, kế hoạch ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã theo định kỳ năm.

3.2.2.2. Đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã tại huyện Cam Lộ

Cấp ủy đảng và chính quyền huyện Cam Lộ cần nhận thức rõ về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong hệ thống chính trị, đồng thời thấy rõ tầm quan trọng của công tác ĐTBD đối với đội ngũ này. Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức cấp xã tham gia ĐTBD nhằm không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt cũng như năng lực thực tiễn, đáp ứng các tiêu chuẩn chức danh công tác của mỗi cán bộ, công chức cấp xã.

Đối với lãnh đạo, quản lý các cấp tại huyện Cam Lộ

- Đổi mới nhận thức của lãnh đạo, quản lý các cấp để cán bộ lãnh đạo, quản lý có cái nhìn khách quan, khoa học và đánh giá đúng về vai trò, vị trí của chính quyền cơ sở và vai trò vị trí của bản thân mỗi cán bộ công chức cấp xã, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể tác động đến các yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

- Đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp phải xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã, trên cơ sở đó đề ra được kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện. Đặc biệt là phân công, bố trí khoa học, hợp lý để cán bộ công chức tham gia các chương trình ĐTBD và để phát huy chuyên môn đào tạo

- Đội ngũ lãnh đạo, quản lý huyện Cam Lộ cần có quan điểm chính trị sắc sảo, tinh tế, có tầm nhìn chiến lược, biết phát huy vai trò của tập thể và cá nhân trong tổ chức; đề ra các chính sách khuyến khích học tập; biết khơi dậy và phát huy tinh thần học tập suốt đời; đồng thời làm cho mỗi cán bộ, công chức cấp xã nhận thấy việc tham gia các chương trình ĐTBD là sự nghiệp phát triển chung của cơ quan, cũng chính là lý tưởng phấn đấu của mình từ

chủ động xây dựng kế hoạch, tự giác học tập, tu dưỡng rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực công tác, xây dựng những giá trị về chuẩn mực cho công chức, cán bộ cấp xã.

- Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đơn vị phải thực sự làm gương và nêu gương, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm. Phải thực sự công tâm, khách quan trong việc đánh giá, sử dụng cán bộ công chức cấp xã; thường xuyên phát động các phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ; có chính sách khen thưởng, động viên về vật chất, tinh thần đối với những cán bộ, công chức đạt thành tích cao trong học tập; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nghĩa vụ.

Đối với bản thân cán bộ, công chức cấp xã

- Nhận thức của cán bộ, công chức cấp xã chính là yếu tố bên trong quyết định ý thức và hành động tự giác trong việc học tập, rèn luyện và nâng cao năng lực thực thi công vụ. Hơn ai hết, cán bộ công chức là người hiểu rõ trình độ năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của mình

- Cán bộ, công chức cấp xã phải chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; có nhận thức đúng đắn về yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ công chức để từ đó tự giác học tập, tu dưỡng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức.

- Cán bộ công chức cấp xã phải tự nỗ lực, phấn đấu, chủ động học tập nâng cao trình độ, không những chỉ học tập tại cơ sở đào tạo mà phải học tập ngay tại nơi làm việc, học tập ngay trong các hoạt động thực thi công vụ hàng ngày.

- Cán bộ, công chức cấp xã phải ý thức được việc không ngừng nỗ lực, học hỏi trao đổi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công việc, tích cực tự tu dưỡng và rèn luyện bản thân để hoàn thiện mình.

- Và cán bộ, công chức cấp xã không chỉ đơn thuần là chủ thể thực thi công vụ mà còn có nhiều vai trò khác nhau trong hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của công dân, vì vậy càng đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ công chức không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Ngoài ra, cần phải đổi mới nhận thức về chức năng ĐTBD cán bộ công chức nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng, chuyển từ “vì mục tiêu quản lý con người” sang “vì công việc và chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ”. ĐTBD không phải chỉ vì để người cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng những tiêu chuẩn do nhà quản lý đặt ra (dù những tiêu chuẩn đó cũng một phần vì công việc) mà là để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Theo đó, cần tách biệt chức năng “đào tạo” và chức năng “bồi dưỡng” như Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 01-09-2017 của Chính phủ đã thể hiện. Đào tạo để đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bằng cấp hoặc có bằng cấp cao hơn dành cho cán bộ, công chức có năng lực cao và theo quy hoạch phát triển nhân lực. Bồi dưỡng là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức và việc tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ là quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, công chức. Hoạt động bồi dưỡng tập trung vào việc cập nhật kiến thức mới, trang bị kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Và vì vậy, đó thường là những khóa bồi dưỡng ngắn ngày, thực hiện theo phương pháp tích cực, lấy người học và công việc của họ làm trung tâm.

3.2.2.3. Thực hiện đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã tại địa phương

Chất lượng ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sử dụng cán bộ. Nếu chất lượng ĐTBD tốt thì sẽ có những cán bộ,

công chức cấp xã vừa có trình độ chuyên môn, vừa có phẩm chất, tức là “vừa hồng, vừa chuyên”. Ngược lại, nếu chất lượng ĐTBD không tốt, cơ cấu không hợp lý, số lượng không bảo đảm thì sẽ dẫn đến tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đông, nhưng không tinh, không mạnh, vừa thừa, vừa thiếu trong việc thực thi công vụ.

Vì vậy, đánh giá hiệu quả sau ĐTBD, gắn ĐTBD với sử dụng cán bộ, công chức cấp xã là rất quan trọng để xác định mức độ thiết thực, hiệu quả của các khóa học bằng nguồn ngân sách nhà nước. Đây là là quá trình kiểm tra lại xem người học đạt được những gì, những kiến thức, thông tin, kỹ năng nào đã được chuyển tải vào quá trình thực thi công vụ của họ và tạo ra kết quả.

Thực tiễn cho thấy, hằng năm, một khoản ngân sách khá lớn được dành cho ĐTBD nhưng trên thực tế, chất lượng hoạt động của cán bộ công chức nói chung và cán bộ công chức cấp xã nói riêng tại huyện Cam Lộ không được nâng cao tương ứng với ngân sách đã cung cấp. Nguyên nhân cơ bản cũng vì chúng ta không thực hiện hoạt động đánh giá này. Vì vậy, đánh giá đối với ĐTBD cần được thực hiện thường xuyên và bởi nhiều chủ thể.

Đánh giá không chỉ được thực hiện tại các cơ sở ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã trong quá trình học và được đánh giá bởi người học, giảng viên hay cán bộ quản lý lớp học mà cần được thực hiện bởi cơ quan sử dụng cán bộ, công chức đó. Các cơ sở ĐTBD do Nhà nước quy định như Học viện Hành chính Quốc gia; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các trường bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành; các trường chính trị địa phương phải thực hiện các hoạt động đánh giá bắt buộc đối với các khóa học ĐTBD. Đồng thời phải có ngân sách dành cho hoạt động này một cách thỏa đáng.

Cơ quan quản lý nguồn nhân lực của các bộ, ngành, địa phương, như vụ Tổ chức cán bộ, sở Nội vụ mà ở đây trực tiếp là huyện Cam Lộ cần kết hợp với các cơ sở ĐTBD để tiến hành đánh giá kết quả tác động của khóa học trong việc

hoàn thiện thực thi công việc của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn. Có như vậy mới gắn kết được ĐTBD với sử dụng cán bộ, công chức, làm cho công tác ĐTBD có ý nghĩa và chất lượng ĐTBD đồng thời được nâng cao.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã từ thực tiễn huyện cam lộ, tỉnh quảng trị (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)