7. Kết cấu của Luận án
2.3.3. Biện pháp pháp lý
Thứ nhất, nhà nước ghi nhận đầy đủ, hợp lý quyền của NKT trong lĩnh vực an sinh xã hội bằng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.
Nhà nước ghi nhận quyền của NKT trong các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với NKT – nhóm người dễ bị tổn thương. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy quyền của NKT.
NKT thuộc nhóm đối tượng người đặc thù nên quyền của NKT cần được nhà nước ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật. Sự ghi nhận của nhà nước sẽ là cơ sở để nhà nước thực hiện và bảo vệ quyền của NKT.
Quyền của NKT được ghi nhận đầy đủ, hợp lý trong văn bản quy phạm pháp luật. Nhà nước ghi nhận NKT được hưởng đầy đủ các quyền con người. Bên cạnh đó, NKT còn có thêm một số quyền riêng như quyền được đảm bảo điều kiện tiếp cận, quyền được phục hồi chức năng, quyền được công nhận ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi... NKT còn có những quyền ưu tiên hơn chủ thể khác như quyền được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, quyền được miễn giảm học phí, quyền được miễn giảm vé xe... nhưng để đảm bảo tính khả thi và nguyên tắc bình đẳng thì quyền của NKT phải hài hoà với quyền con người của những chủ thể khác.
Quyền của NKT trong lĩnh vực an sinh xã hội được nhà nước ghi nhận trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp và được ghi nhận đầy đủ, cụ thể trong văn bản pháp luật chuyên ngành. Văn bản pháp luật chuyên ngành về NKT có tên gọi khác nhau ở mỗi quốc gia như Luật NKT (Việt Nam); Luật Bảo vệ NKT (Trung Quốc) 49; Luật Cơ bản về NKT (Nhật Bản) 50 ; Đạo luật Thúc đẩy và phát triển chất lượng cuộc sống của người khuyết tật (Thái Lan)51; Luật về cơ hội bình đẳng của Người khuyết tật (Đức) 52 ; Luật Bảo đảm thực hiện quyền của người khuyết tật (Pháp) 53... Riêng ở Nhật Bản, nhà nước còn ban hành thêm nhiều văn bản thúc đẩy quyền NKT như Luật phúc lợi cho NKT, Luật thúc đẩy di chuyển thuận lợi của người cao tuổi và NKT , Luật khuyến khích tuyển sinh vào các trường chuyên biệt, Luật khuyến khích việc làm của NKT (Nhật Bản)54... Ngoài ra, quyền
49http://www.npc.gov.cn/zgrdw/npc/xinwen/2018-11/05/content_2065632.htm, truy cập ngày 25/03/2021
50https://www.dinf.ne.jp/doc/japanese/law/archives.html, truy cập ngày 25/03/2021 51
http://web1.dep.go.th/sites/default/files/files/law/178.pdf, truy cập ngày 21/03/2021 52
https://www.gesetze-im-internet.de/bgg/ 3.html, truy cập ngày 25/03/2021
53http://legisquebec.gouv.qc.ca/fr/ShowDoc/cs/E-20.
của NKT được tiếp tục ghi nhận trong các văn bản pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ASXH.
Thứ hai, pháp luật quy định trách nhiệm của chủ thể liên quan.
Bảo đảm quyền NKT được thực hiện trên thực tế cần sự chung tay của tất cả mọi người trong xã hội. Thái độ, cử chỉ, hành động đối với NKT không chỉ xuất phát từ lòng cảm thông, chia sẻ mà còn phải được ghi nhận trong luật.
Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm chính bảo đảm quyền cho NKT. Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cán bộ công chức, viên chức có trách nhiệm bảo đảm chính sách, pháp luật về quyền của NKT phải đầy đủ và được thực hiện hiệu quả.
Các chủ thể khác bao gồm cá nhân/ tổ chức cung cấp hàng hóa và dịch vụ, quản lý kinh doanh dịch vụ thể thao, giải trí; xây dựng công trình công cộng; kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách... có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện tiếp cận, giúp đỡ NKT thực hiện quyền.
Gia đình NKT, cộng đồng xã hội nơi NKT sinh sống, học tập, làm việc... cũng phải có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền của NKT. Bản thân NKT cũng phảí có trách nhiệm với chính mình bởi quyền NKT chỉ được thực hiện khi NKT nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, học tập, lao động.
Trách nhiệm của các chủ thể đối với công tác NKT được ghi nhận đầy đủ, rõ ràng, chi tiết trong luật sẽ giúp các chủ thể nâng cao ý thức trách nhiệm và hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức.
Thứ ba, quy định chế tài đối với hành vi vi phạm về quyền của NKT.
Quy định chế tài có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể đối với việc thực hiện quyền của NKT. Chế tài sẽ được áp dụng đối với những chủ thể không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ nhà nước đã quy định. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo thực hiện quyền của NKT.
Tuỳ tính chất của hành vi vi phạm quyền của NKT có thể bị áp dụng chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài dân sự hay chế tài kỷ luật. Trong đó, chế tài hành chính là chế tài phổ biến nhất được pháp luật các quốc gia quy định áp dụng. Tuỳ thuộc vào truyền thống lập pháp, các chế tài có thể nằm trong 1 chế định trong văn bản chuyên ngành về NKT (ví dụ chương 8- Trách nhiệm pháp lý trong Luật Bảo vệ NKT Trung Quốc năm 1990 sửa đổi năm 2008,201855; Chương V – Điều khoản phạt Luật Bảo đảm thực hiện quyền của người khuyết tật nhằm mục đích hòa
nhập xã hội, nghề nghiệp và giáo dục của Pháp năm 200456) hoặc nằm rải rác ở nhiều văn bản về xử lý vi phạm hành chính như Việt Nam.
Thứ tư, nhà nước quy định cơ chế khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quyền của NKT.
Quy định cơ chế khen thưởng liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quyền của NKT sẽ góp phần ghi nhận thành tích của chủ thể có vai trò bảo vệ và thúc đẩy quyền của NKT. Đồng thời khuyến khích các chủ thể trong xã hội tích cực thực hiện công tác NKT.
Quy định về khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật NKT góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của NKT. Khi có căn cứ pháp lý cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của NKT thì NKT hoặc đại diện của NKT (đối với NKT chưa thành niên, NKT nhận thức) có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định đó. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật NKT thì công dân có quyền báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của NKT.
Quy định cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quyền của NKT là những quy định về chủ thể có thẩm quyền, phương thức giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa cá nhân, tổ chức với NKT hoặc thân nhân NKT, người chăm sóc NKT trong quá trình thực hiện pháp luật về quyền của NKT. NKT, thân nhân NKT, người chăm sóc NKT có quyền yêu cầu chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo trình tự thủ tục luật định khi cho rằng cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về quyền NKT và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Kết luận chương 2
Chương 2 của Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận về NKT và quyền của NKT trong pháp luật ASXH.
Khái niệm NKT tiếp cận theo hướng hiện đại phù hợp với quan điểm của Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Định nghĩa NKT được tiếp cận dưới cả hai góc độ y tế và xã hội. NKT có 2 đặc điểm là người bị khiếm khuyết về
thể chất, tinh thần và NKT bị mất hoặc hạn chế cơ hội tham gia bình đẳng trong cuộc sống.
Quyền của NKT là tất cả các quyền tự nhiên, vốn có của con người được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo vệ. Bên cạnh những đặc điểm chung của quyền con người thì quyền của NKT có những đặc điểm riêng như quyền của NKT phụ thuộc vào dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật; quyền của NKT được thực hiện bằng việc hạn chế hoặc xoá bỏ những rào cản xã hội; đảm bảo quyền của NKT phụ thuộc vào nhận thức của nhà nước và xã hội.
Quyền của NKT trong pháp luật ASXH được xác định gồm quyền được bảo vệ thu nhập; quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ; quyền được trợ giúp xã hội và quyền được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm quyền được bình đẳng tiếp cận giáo dục; quyền được bình đẳng tiếp cận giao thông; quyền được bình đẳng tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; quyền được bình đẳng tiếp cận văn hoá, vui chơi, giải trí và thể dục thể thao; quyền được bình đẳng tiếp cận nhà chung cư, công trình công cộng).
Quyền của NKT được bảo đảm thực hiện trên thực tế bằng những biện pháp cụ thể. Các biện pháp xã hội, biện pháp kinh tế, biện pháp pháp lý có vai trò bảo vệ và thúc đẩy quyền của NKT. Biện pháp xã hội bao gồm tăng cường nhận thức tích cực về NKT; bảo đảm về cơ sở vật chất, nguồn nhân sự; tăng cường khả năng tiếp cận đối với NKT; xã hội hoá hoạt động ASXH đối với NKT. Biện pháp kinh tế nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT, bảo vệ nguồn thu nhập cho NKT, nhà nước đầu tư tài chính cho việc triển khai các dự án, đề án, chính sách, kế hoạch về an sinh xã hội cho NKT và hỗ trợ về mặt tài chính cho NKT. Biện pháp pháp lý bao gồm nhà nước ghi nhận đầy đủ, hợp lý quyền của NKT trong pháp luật an sinh xã hội, quy định trách nhiệm của chủ thể liên quan và quy định chế tài đối với hành vi vi phạm về quyền NKT cũng như nhà nước quy định cơ chế khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quyền của NKT.
Chương 3
THỰC TRẠNG QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG PHÁP LUẬT AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM