Đánh giá đất đai của Docutraiev cho rằng để đánh giá đất đai có hiệu quả cần nghiên cứu khả năng tự nhiên của đất. Theo ông, khả năng tự nhiên của đất là yếu tố quyết định giá trị của đất và sự thu thập từ đất. Đánh giá đất đai của Docutraiev dựa vào những luận điểm sau:
Những yếu tố đánh giá đất và chỉ tiêu của chúng ở những vùng khác nhau thì khác nhau.
Những yếu tố đánh giá đất dự đoán chủ yếu là những yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với năng suất cây trồng và được thể hiện giá trị tương đối bằng điểm.
Những yếu tố đánh giá đất chủ yếu có thể là: Loại đất theo phát sinh.
Những số liệu phân tích về tính chất đất (tính chất hóa học, lý học và các dấu hiệu khác).
Việc lựa chọn các yếu tố đánh giá đất cần được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện khí hậu, điều kiện kinh tế - xã hội của vùng.
Tại hội nghị Quốc tế về Đánh giá đất lần thứ X tại Matxcơva (1974), một luận điểm mới về đánh giá đất của Rozop và cộng sự đã dược trình bày và nhất trí cao. Nội dung luận điểm của Rozop bao gồm những điểm sau:
* Đánh giá đất phải dựa vào các vùng địa lý, thổ nhưỡng khác nhau và có các yếu tố đánh giá đất khác nhau.
* Đánh giá đất phải dựa vào đặc điểm cây trồng.
* Cùng một loại cây trồng, cùng một loại đất nhưng không thể áp dụng hoàn toàn những tiêu chuẩn đánh giá đất của vùng này cho vùng khác.
* Đánh giá đất phải dựa vào trình độ thâm canh.
* Có một mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng đất và năng suất cây trồng.
Theo Ruanell, nhà thổ nhưỡng học người Anh thì: “Đánh giá đất theo năng suất cây trồng gặp rất nhiều khó khăn vì năng suất cây trồng biểu hiện cả sự hiểu biết của người sử dụng đất. Bởi vậy đánh giá đất theo năng suất chỉ được sử dụng để sơ bộ đánh giá độ phì của các loại đất khác nhau”.
Năm 1972 tổ chức lương thực thế giới (FAO) đã phác thảo “Đề cương đánh giá đất” và công bố vào năm 1973. Năm 1975, Hội nghị đánh giá đất ở Rome dự thảo đề cương đánh giá đất của FAO, được các nhà khoa học đất hàng đầu bổ sung và công bố năm 1976 (Khung đánh giá đất đai - Frameword for land Evaluation). Tài liệu này đã được nhiều nước nghiên cứu và ứng dụng cho đến ngày nay.
Theo FAO, việc đánh giá đất cho các vùng sinh thái hoặc các vùng lãnh thổ khác nhau là nhằm tạo ra một sức sản xuất mới, ổn định, bền vững và hợp lý. Vì vậy, khi đánh giá, đất được nhìn nhận như là “một vạt đất xác định về mặt địa lý, là một diện tích bề mặt của trái đất với những thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi có tính chất chu kỳ có thể dự đoán được của môi trường xung quanh nó như không khí, loại đất, điều kiện địa chất, thủy văn, động vật, thực vật, những tác động trước đây và hiện nay của con người, ở chừng mực mà những thuộc tính này có ảnh hưởng đáng kể đến việc sử dụng vạt đất đó trong hiện tại và trong tương lai”.
Tổng diện tích bề mặt của toàn thế giới là 510 triệu km2trong đó đại dương chiếm 361 triệu Km2 (71%), còn lại là diện tích lục địa chỉ chiếm 149 triệu Km2 (29%). Bắc bán cầu có diện tích lớn hơn nhiều so với Nam bán cầu. Toàn bộ quỹ đất có khả năng sản xuất nông nghiệp trên thế giới là 3.256 triệu ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích đất liền. Diện tích đất nông nghiệp trên thế giới phân bố không đều: Châu Mỹ chiếm 35%, Châu Âu chiếm 13%, Châu Á chiếm 26%, Châu Phi chiếm 6%. Bình quân đất nông nghiệp trên thế giới là 12.000m2. Đất trồng trọt trên toàn thế giới mới đạt 1,5 tỷ chiếm 10,8% tổng diện tích đất đai, 46% đất có khả năng sản xuất nông nghiệp như vậy còn 54% đất có khả năng sản xuất nhưng chưa được khai thác. Diện tích đất đang canh tác trên thế giới chỉ chiếm 10% tổng diện tích đất tự nhiên (khoảng 1.500 triệu ha), được đánh giá là:
Đất có năng suất trung bình: 28% Đất có năng suất thấp: 53%
Nguồn tài nguyên đất trên thế giới hàng năm luôn bị giảm, đặc biệt là đất nông nghiệp mất đi do chuyển sang mục đích sử dụng khác. Mặt khác dân số ngày càng tăng, theo ước tính mỗi năm dân số thế giới tăng từ 80 - 85 triệu người. Như vậy, với mức tăng này mỗi người cần phải có 0,2 - 0,4 ha đất nông nghiệp mới đủ lương thực, thực phẩm. Đứng trước những khó khăn rất lớn đó thì việc đánh giá hiệu quả sử dụng đất của đất nông nghiệp là hết sức cần thiết.