TUỔI VỚI THÔNG SỐ ĐÀN HỒ

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự đàn hồi của động mạch chủ bằng siêu âm trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát (Trang 51 - 53)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.3.TUỔI VỚI THÔNG SỐ ĐÀN HỒ

Các đối tượng tham gia vào nghiên cứu có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên, tuổi trung bình của nhóm bệnh là 65,10 ± 10,55 của nhóm chứng là 61,97 ± 10,19. Tuổi trung bình của nam giới ở nhóm bệnh là 61,85 ± 10,44 của nữ là 68,60 ± 9,68, ở nhóm chứng lần lượt là 62,06 ± 10,87 và 62,62 ± 10,33. Theo kết quả bảng 3.1 và 3.2 thì tuổi trung bình và tỷ lệ các đối tượng trong từng nhóm tuổi giữa nhóm bệnh và nhóm chứng không có sự khác biệt. Trong nghiên cứu của chúng tôi phân bố về tuổi có sự tương đồng với một số tác giả nước ngoài khi nghiên cứu các vấn đề liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Tuổi có vai trò quan trọng trong bệnh sinh THA và cũng có vai trò trong quá trình lão hóa cấu trúc đàn hồi của động mạch chính vì vậy mà sự đàn hồi của động mạch nói chung và động mạch chủ nói riêng cũng tăng theo tuổi [45], [49], [62]. Theo Sven Kurbel tuổi càng cao thì thành động mạch càng dày và sự giãn nở của động mạch càng giảm do đó làm giảm tính đàn hồi của động mạch [36]. Theo một số tác giả khác khi tuổi càng cao thì kích thước động mạch chủ càng tăng cả thời kỳ tâm thu lẫn tâm trương [32], [38], [41].

Khi so sánh các thông số đàn hồi giữa các độ tuổi của các đối tượng thuộc nhóm bệnh và nhóm chứng chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Chỉ số giãn nở tương đối và chỉ số giãn nở ở các độ tuổi của nhóm bệnh luôn thấp hơn nhóm chứng, ngược lại Modul đàn hồi và chỉ số cứng mạch ở nhóm chứng lại thấp hơn nhóm bệnh. Trong nhóm bệnh nhân tăng huyết áp cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các thông số đàn hồi, ở độ tuổi càng cao thì chỉ số giãn nở tương đối và chỉ số giãn nở càng giảm, modul đàn hồi và chỉ số cứng mạch chủ càng cao. Chúng tôi nhận thấy các thông số đàn hồi có các mối tương quan khác nhau với tuổi của các đối

tượng, trong khi chỉ số giãn nỡ tương đối và chỉ số giãn nở có mối tương quan nghịch với tuổi (r = - 0,256 và r = - 0,232; p < 0,05) ngược lại Modul đàn hồi và chỉ số cứng mạch lại có mối tương quan thuận với tuổi (r = 0,228 và r = 0,215; p < 0,05). Sự cứng mạch máu lớn như động mạch chủ, động mạch cảnh đã được Charles Roy nói đến từ năm 1881, khi so sánh ở những người bình thường các tác giả thấy có sự khác biệt từ 40 -50% tính đàn hồi của động mạch lớn ở các độ tuổi từ 25 đến 75 [45]. Tương tự Hermann Bader năm 1967 nhận thấy modul đàn hồi tương quan với tuổi theo công thức Ep = 1.41 + 3.15 tuổi với r = 0,76 ; p < 0,05 [17], như vậy so với tác giả này kết quả của chúng tôi thấp hơn có thể do cỡ mẫu trong nghiên cứu chúng tôi nhỏ hơn và chúng tôi sử dụng siêu âm để nghiên cứu còn tác giả này sử dụng phương pháp xâm nhập.

Ở tuổi trung niên quá trình xơ cứng động mạch lớn diễn ra nhanh chóng hơn các động mạch ngoại vi [20], [24], [29]. Theo Trần Công Đoàn thì tuổi càng tăng thì chỉ số giãn nở của động mạch chủ càng giảm, những thay đổi tính đàn hồi của động mach thường bắt đầu vào tuổi trung niên và tăng lên nhanh chóng khi tuổi già, quá trình này bị thúc đẩy nhanh chóng bởi bệnh tăng huyết áp [4], [6]. Theo MichaelF.O’Rourke modul đàn hồi động mạch chủ ở những người tuổi 80 gấp 4 lần những người tuổi 20 [57]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định trên. Kết quả so sánh trong từng độ tuổi giữa nhóm bệnh và nhóm chứng cho thấy rằng ngoài yếu tố tuổi tính đàn hồi của động mạch chủ còn chịu ảnh hưởng của tăng huyết áp. Có thể nói tuổi và huyết áp là hai yếu tố quan trọng trong sự gia tăng cứng mạch máu, đều gây nên sự biến đổi thành phần cấu trúc các sợi đàn hồi sợi collagen của thành mạch [16], [20], [25], [32], [63]. Tính đàn hồi của các mạch máu lớn như động mạch chủ và động mạch cảnh do lớp giữa có nhiều cấu trúc đàn hồi là các sợi elastin. Sự giảm tính đàn hồi ở động mạch thường

liên quan đến thành mạch trong một khoảng thời gian lâu dài bao gồm tuổi, THA… sự thay đổi này quan trọng nhất ở lớp giữa của động mạch chủ bởi sự hủy hoại lớp lá chun và được tái tạo bằng colagen và mucopolysaccharid làm cho lớp này dày lên làm giảm tính đàn hồi vì collagen ở động mạch chủ người cứng hơn rất nhiều so với elastin (500 lần) và tỷ lệ collagen tăng lên gấp đôi từ năm 20 tuổi cho đến 70 tuổi [7], [32].

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự đàn hồi của động mạch chủ bằng siêu âm trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát (Trang 51 - 53)