5. Bố cục đề tài
2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật mang đậm tính chất lãng mạn
Huy-gô đã từng nói “cần trộn lẫn cái Thô kệch với cái Cao cả trong nghệ thuật chính kịch cũng như trong tự nhiên vậy”. Và tuyên ngôn ấy đã mang lại cho ông nhiều thành công trong việc xây dựng tác phẩm đặc biệt là khắc họa nhân vật. Đó chính là nghệ thuật tương phản- một nét nghệ thuật đặc sắc của tiểu thuyết lãng mạn. Tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà Pari là một trong những minh chứng khẳng định sức sáng tạo đó của tác giả. Vích-to Huy-gô sử dụng thủ pháp tương phản để hình thành tính cách nhân vật, tô đậm tình huống, làm nổi rõ khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm. Nó chính là một đặc trưng trong thủ pháp tiểu thuyết của Huy-gô, nhằm làm nổi bật cái lớn lao; cái cao cả; cái bản chất tốt đẹp bị che lấp, ẩn náu trong bản thân những con người khi bị xã hội vô hiệu hóa. Để rồi họ trở nên xấu xa, tha hóa, kệch cỡm bị xã hội ruồng bỏ phải sống cô đơn, bơ vơ.
Ông đã sử dụng thủ pháp tương phản như một kỹ thuật sở trường để tạo sự đối lập mạnh mẽ, đập vào óc người đọc những ký ức không quên. Đó là việc xây dựng nên sự đối lập giữa hình dáng bên ngoài với phẩm chất bên trong của từng nhân vật và sự đối lập giữa các nhân vật với nhau. Chính nghệ thuật đó đã khắc họa rõ nét chân dung của nhân vật và thể hiện được tư tưởng của tác giả.
Với Exmêranđa, cô là một nhân vật mang tính chất dân gian đậm nét. Nàng xuất hiện như một thiên thần trong thế giới rách nát với một điệu múa gần như man dại và một sắc đẹp làm si mê lòng người. “Xung quanh cô mọi người há hốc mồm, chăm chú xem; và quả thực là một con người siêu phàm khi cô cứ thế nhảy múa theo tiếng trống rền trên đôi cánh tay tròn lẳn và thanh tao giơ cao quá đầu, với dáng người mảnh dẻ, lả lướt và nhanh nhẹn như ong vò vẽ, trong chiếc áo nịt kim tuyến phẳng phiu, áo dài sặc sỡ phồng bay, với đôi vai trần, cặp chân thon thỉnh thoảng lộ ra dưới váy, mái tóc huyền, cặp mắt rực lửa” [3; 66]. Sự thanh khiết và trong trắng của lứa tuổi
mười sáu đã tôn thêm sắc đẹp rạng rỡ từ nàng. Chính “tiếng hát cô gái khuấy động tâm hồn mơ mộng của Gringoa, như con thiên nga khuấy động mặt nước” [3; 70]. Và ẩn dấu bên trong thân hình kiều diễm ấy là một tâm hồn cao thượng, nàng đã sẵn sàng cứu Pie Gringoa khi anh bị đám ăn mày bắt, mang nước cho Cadimôđô uống trên đài bêu tù. Mặc dù sau này, người chồng “bất đắc dĩ” của nàng đã tiếp tay cho Phlôrô để hãm hại nàng và trước đó Cadimôđô đã bắt cóc nàng nhưng nàng vẫn không hề hờn trách. Thế nhưng, xã hội đã trả lại cho nàng những thứ quá bạc bẽo. Một con người thanh khiết và cao sang ấy cuối cùng cũng phải ra đi. Nàng ra đi trong sự hờ hững của người tình, ra đi khi tình mẫu tử đang đậm sâu. Sự tương phản ở đây đã được Huy-gô sử dụng rất tinh xảo. Ông đã tạo nên sự đối lập giữa tính ngây thơ, trong sáng của Exmêranđa với cuộc đời đầy đau khổ của cô. Chính nét vẽ đó đã tạo nên những nốt nhạc lòng trong trái tim người đọc, làm cho mọi người cảm thấy xót xa và thương yêu cho số phận của nhân vật.
Là một sở trường trên con đường sáng tạo nghệ thuật tiểu thuyết, bút pháp tương phản còn được Huy-gô phát huy tận độ trong việc xây dựng nhân vật Cadimôđô. Vích-to Huy-gô đã tạo nên sự đối lập gay gắt giữa hình dáng bên ngoài tật nguyền và phẩm chất bên trong cao đẹp của Cadimôđô. Hắn chính là một “nét điêu khắc thô kệch” với “cái mũi bè bè thành ba mặt tam giác, cái mồm vành móng ngựa, con mắt trái ti hí che lấp bởi chùm lông mày đỏ quạch rậm rì trong khi con mắt phải hoàn toàn biến mất dưới cái mụn cóc to tướng, hàm răng khập khiễng, hổng đôi ba chỗ như lỗ châu mai pháo đài, cặp môi sần chai có chiếc răng mọc đâm ra như ngà voi, cái cằm vêu vao… đầu to tướng lởm chởm tóc đỏ quạch, giữa đôi vai là cái bướu kếch xù.. hệ thống đùi và chân vòng kiềng bẻ queo rất kỳ quái… hai bàn chân to bè… hai bàn tay lớn khủng khiếp” [3; 55]. Đó là tất cả những vẻ bề ngoài của con người Cadimôđô.
Trở về với văn học Việt Nam, người đọc sẽ nhận ra được một nhân vật xấu nhất trong lịch sử văn học là “Thị Nở” trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao. Nếu như, Nam Cao đã huy động hết mọi ngôn từ để khắc họa chân dung nhân vật- một con người hội tụ những gì xấu nhất của loài người. Thì khi xây dựng nên nhân vật Cadimôđô, Vích-to Huy-gô cũng đã sử dụng rất nhiều những dụng công để tạo nên một hình tượng nhân vật xấu xí, một “con khỉ” giữa xã hội người. Nhưng đối lập hoàn toàn với vẻ bên ngoài của mình, Cadimôđô có một tâm hồn rất trong sáng và thanh cao. Chàng biết hi sinh bản thân mình để cứu giúp một con người đau khổ đang gần kề với cái chết là Exmêranđa. Và cũng chính chàng đã giết chết người cha nuôi của mình để bảo vệ tình yêu của mình. Tất cả những điều đó có được trong con người chàng là một điều kỳ diệu. Dường như ngòi bút bút tương phản của Huy-gô đã phát huy tận độ. Đã cho người đọc thấy được nét tương phản từ bản chất bên ngoài với tâm hồn bên trong. Qua đó, tác giả đã khắc họa thành công chân dung nhân vật và nâng ngòi bút của mình đến giá trị nhân đạo cao cả.
Trong tác phẩm, một nhân vật nữa được tác giả dụng công xây dựng nên bằng ngòi bút tương phản đó là Phrôlô- vị phó giáo chủ sùng đạo. Sự tương phản trong nhân vật này bắt đầu từ tình yêu ông dành cho cô gái Exmêranđa. Nếu như trước đây ông “là một đứa trẻ u buồn, nghiêm trang, đứng đắn, học rất chăm và mau hiểu biết” [3; 135]. Từ nhỏ ông đã học xong các môn như: thần học huyền bí, thần học giáo quy, thần học kinh viện, pháp lệnh, học xong những môn đó ông lao vào y khoa và văn nghệ. Có thể nói, Phrôlô là một con người tài năng. Ông có một tâm hồn rất đơn giản với ông “chỉ cần có tình cảm máu mủ và gia đình, chỉ cần tình yêu em trai là đủ cho cả cuộc đời” [3; 139]. Ông cũng là một con người đáng thương, mười chín tuổi đã phải làm chủ gia đình và từ đó ông quyết tâm học tập để thay đổi
cuộc đời. Phrôlô đã đạt đước ước mơ, ông trở thành một phó giáo chủ lừng danh và được mọi người yêu mến “kính trọng và khâm phục”. Nhưng tất cả những điều đó đã che đậy một tâm hồn bỉ ổi với những dục vọng thấp hèn bên trong. Phrôlô yêu Exmêranđa nhưng khi không chiếm được trái tim nàng, ông đã dùng những biện pháp tàn nhẫn nhất để ép buộc nàng. Vì những dục vọng thấp hèn mà ông đã đánh đổ đi tất cả những gì mình gây dựng nên. Khi không nhận được tình cảm của cô gái Bôhêmiêng thì ông đã đưa Exmêranđa tới quảng trường Grevơ và nói “chốn này là điểm tột cùng. Định mệnh trao chúng ta cho nhau. Ta sẽ quyết định đời em, còn em sẽ quyết định linh hồn ta” [3; 420]. Chính từ đây, ông hoàn toàn độc ác, tàn nhẫn, mất đi lương tri và nhân tính. Qua đó, tác giả đã cho người đọc thấy được những sự đối lập của bản thân nhân vật.
Ngòi bút tương phản ấy còn cho người đọc thấy được bản chất của Phêbuýt. Nếu như hắn mang vẻ bề ngoài đẹp đẽ với những nhung y của một tên kỵ sĩ, đeo gươm như hình ảnh của một vị anh hùng, và là một “đại úy” nhưng đổi lại bên trong con người hắn lại là một sự đê hèn. Hắn đã đánh cắp trái tim, thân xác của một người con gái yêu hắn đắm say. Hắn lại còn tàn nhẫn đứng nhìn Exmêranđa gần kề với cái chết còn tâm hồn dường như cảm thấy “thanh thản”. Đó phải chăng là một tên lưu manh, đàng điếm, thô bạo.
Như vậy, ở trong tác phẩm Nhà thờ Đức bà Pari, ngòi bút lãng mạn
được sử dụng tận độ trong việc xây dựng nhân vật. Sự đối lập, tương phản đã khắc họa thành công chân dung nhân vật và thể hiện được tính cách của họ. Qua đó, thể hiện tư tưởng của tác giả khi nhìn nhận về xã hội Pháp thế kỷ XV.
Ở trong tác phẩm, Vích-to Huy-gô còn tạo nên sự tương phản giữa các nhân vật mà đặc sắc nhất là ở nhân vật Cadimôđô và Phrôlô. Nếu như con người hình quỷ Cadimôđô đang vận động từ vật lên người thì Phrôlô lại biến
từ người thành vật. Từ một con người thông minh thành một kẻ độc ác, bạo tàn. Còn Cadimôđô chính vì trái tim biết yêu thương của mình đã biến tâm hồn lâu ngày cằn khô thành một dòng suối mát lạnh thấm đẫm tình yêu thương. Hai con người cùng sống trong Đức tin, cùng ở cạnh chúa nhưng hai tâm hồn họ hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn đối lập với nhau.
Chính bằng nghệ thuật tương phản và ngòi bút miêu tả sắc nét, tác giả đã tạo nên được những bản chất rất thật bên trong con người. Đây là đặc điểm thi pháp của nhà văn, một thủ pháp sáng tạo độc đáo gây ấn tượng sâu sắc về tính nhân đạo. Chính thủ pháp này đã xây dựng nên những chân dung nhân vật mang đậm tính chất lãng mạn. Đó chính là những đóng góp lớn lao của Vích-to Huy-gô đối với sự phát triển của nghệ thuật tiểu thuyết Pháp thế kỉ XIX và tạo nên tính thời đại trong những tác phẩm của ông.
Trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà Pari, Vích-to Huy-gô không những
sử dụng ngòi bút tương phản để khắc họa nhân vật mà ở đó ông còn sử dụng biện pháp xây dựng nhân vật bằng tâm lý để thể hiện rõ nét cho ngòi bút lãng mạn của mình. Huy-gô đi sâu vào khai thác tâm lý của từng nhân vật để thấy được sự biến đổi bên trong linh hồn con người. Để thể hiện thành công hình tượng nhân vật, tác giả còn sử dụng hình thức độc thoại nội tâm, bởi nó có khả năng kích thích những rung động thẩm mỹ sâu xa trong lòng người. Tất cả tạo nên một sự vận động không ngừng trong cốt truyện giúp người đọc nhìn nhận được tư tưởng mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm của mình.
Xây dựng nên nhân vật Exmêranđa, Vích-to Huy-gô đã sử dụng ngòi bút xây dựng tâm lý nhân vật đặc sắc. Từ đầu, cô gái Bôhêmiêng xuất hiện mang một vẻ trong sáng trong tâm hồn, nàng có một vẻ đẹp khiến nhiều người phải mê đắm. Từ khi gặp Phêbuýt trong con người nàng xuất hiện nhiều đổi thay. Đó là sự “vui sướng” khi gặp được một hình mẫu mà nàng từng mơ ước. Rồi khi nàng quyết định cưới Grigoa để cứu hắn, trong đêm tân hôn nàng vẫn bình thản như không có chuyện gì xẩy ra. Hay khi nàng mang
nước cho Cadimôđô thì vẫn chỉ “mỉm cười”. Dường như tâm hồn của nhân vật là một thế giới trong sáng, hồn nhiên. Nhưng khi ở gần Phêbuýt, tâm lý của nàng đã có nhiều những sự thay đổi: lúc đầu là “mặt đỏ bừng, ngơ ngác, hổn hển” sau đó như “khiếp hãi” vì những lời nói của chàng. Nhưng rồi vì yêu, nàng đã phá đi lời nguyền “Nhưng cần gì? Bây giờ em cần gì cả bố lẫn mẹ?” [3; 267]. Và khi thực sự say đắm trong tình yêu, cô gái cảm thấy hạnh phúc, thấy hi vọng tràn trề và tương lai sáng lạn. Dường như, Vích-to Huy-gô đã thể hiện thành công nhất tâm lý của nhân vật ở phần “Lợi ích của dãy cửa sổ mở ra sông”. Rồi khi nàng được Cadimôđô cứu thoát nàng đã thấy sợ hãi vì vẻ bề ngoài của chàng, nhưng lại cảm động vì tình yêu của Cadimôđô, nàng đã mở rộng tấm lòng đón nhận nó. Và “tâm hồn Exmêranđa dần dần trở lại bình thản. Nỗi đau quá độ cũng như niềm vui quá độ là những thứ mãnh liệt không thể kéo dài… chỉ còn lại nỗi ngạc nhiên” [3; 333]. Nhưng cũng có lúc nhân vật của chúng ta “cảm thấy sâu xa cả Chúa lẫn loài người đều bỏ rơi mình, đành gục đầu xuống ngực như một vật bất động đã kiệt lực” [3; 283]. Chỉ cần chừng đó thôi cũng đủ cho người đọc thấy được hình ảnh của một con người với thế giới nội tâm đa dạng, sự rung động của nàng chính là sự rung động của trái tim yêu thương.
Tác giả cũng đã dụng công trong việc xây dựng tâm lý nhân vật Cadimôđô. Bằng ngòi bút sáng tạo đặc sắc, Huy-gô đã cho người đọc thấy được một tâm hồn sống động của một nhân vật mang vẻ bề ngoài xấu xí, thô kệch. Nếu như, khi chưa gặp Exmêranđa, tâm hồn Cadimôđô chỉ là một sa mạc khô cằn, không chút rung động. Thế nhưng khi ngụm nước của cô gái Bôhêmiêng xinh đẹp mang đến cho một kẻ khát khô khốc thì “một giọt lệ lớn, từ từ lăn theo khuôn mặt méo mó và bấy lâu răn rúm vì thất vọng. Có lẽ đó là giọt nước mắt đầu tiên của một kẻ bất hạnh chưa lần nào rỏ lệ” [3; 213]. Và cũng chính từ đó, Huy-gô cho người đọc thấy được những thay đổi bên trong tâm hồn Cadimôđô. Lúc cứu thoát Exmêranđa khỏi “giàn bêu tù”, Cadimôđô đã “cười” và “nói oang oang”, đó tâm lý của kẻ chiến thắng. Có thể nói rằng,
Vích-to Huy-gô đã thể hiện thành công tâm lý của nhân vật trong các phần: “Gù, chột, thọt”; “điếc; sành và pha lê”. Ở những đoạn này, nhân vật bắt đầu biết yêu, biết lo lắng, quan tâm, chăm sóc người mình yêu và cũng luôn sợ người mình yêu buồn vì vẻ bề ngoài xấu xí của bản thân. Những câu nói của chàng đã làm cho người đọc phải xúc động, chính Exmêranđa cảm thấy “cảm động”: “Tôi làm cô sợ. Tôi xấu lắm phải không? Cô đừng nhìn tôi nữa”. Câu nói đó làm cho hình ảnh của chàng thêm vĩ đại hơn. Khi “nó” đứng đợi Phêbuýt, “nó nặng trĩu ý nghĩ ưu phiền, thỉnh thoảng lại ngước nhìn trời như kẻ buồn chán” [3; 338] khi không tìm được Phêbuýt, nó đã rất buồn, dường như “nó mong được cô gái hành hạ hơn làm phiền lòng cô. Nó giữ trọn vẹn nỗi đau cho riêng mình” [3; 340]. Thật đáng thương cho một con người như Cadimôđô, trái tim nó đã rung động, đã biết buồn, lo lắng, đã biết yêu thương.
Chân dung nhân vật kỳ vĩ hơn khi tác giả lại một lần nữa đi sâu khai thác tâm lý nhân vật Cadimôđô. Đó là trong phần “Người bạn vụng về”, tâm lý của nhân vật được khai thác ở mọi góc độ. “Trong khi con mắt độc nhỡn thẩn thờ nhìn phía chân trời mù sương… gã kéo chuông bỗng cảm thấy thâm tâm lo ngại một cách khó nói… Nó lấy làm kỳ lạ… Nó phân vân chưa hiểu… Thế là nó đâm lo” [3; 367]. Bởi nó sợ người ta cướp mất cô gái Bôhêmiêng, giết chết người con gái nó yêu. Chính vì vậy, lúc này tâm hồn nó đang rối bời.
Rồi khi Cadimôđô không nhìn thấy cô gái Bôhêmiêng ở nhà thờ nữa “nó liền vò đầu, bứt tai và giậm chân kinh ngạc đau khổ, rồi nó chạy khắp nhà thờ tìm cô Bôhêmiêng, gào lên quái đản ở mọi góc tường, rứt mớ tóc đỏ quạch vứt tung xuống sàn… Nó sục sạo hai mươi lần, một trăm lần khắp nhà thờ… kêu gọi hò hét… ” [3; 442]. Đó chính là nỗi đau khổ lớn nhất khi nó mất đi người thương. Rồi khi nó nhận ra được chính đức cha Clôđơ đã làm việc đó thì “cơn giận bầm gan tím ruột … liền biến thành đau khổ gấp bội” [3; 444]. Nó đã cảm thấy đau đớn quá mức, một nỗi đau không gọi thành tên.
Dường như, Vích-to Huy-gô đã luôn lắng nghe những nhịp đập trong