5. Bố cục đề tài
2.3. Nghệ thuật miêu tả với lối văn kể chuyện đầy chất thơ
Với tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ kết hợp với bút pháp miêu tả điêu luyện là một trong những biện pháp chủ yếu mà Huy-gô sử dụng trong những
sáng tác của mình. Bằng những đường nét miêu tả độc đáo, tác giả đã tạo nên một không gian Pari trung cổ đầy góc cạnh.
Với nghệ thuật miêu tả và lối văn kể chuyện đầy chất thơ, Huy-gô đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên Pari đa chiều. Ông như đưa người đọc trở về với không khí xa xưa của một thời đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Nếu như Những người khốn khổ cho người đọc thấy được một khung cảnh thiên
nhiên đầy sức quyến rũ thì ở Nhà thờ Đức bà Pari thiên nhiên hiện lên với
nhiều kiểu soi rọi khác nhau.
Cũng có khi đô thành Pari hiện lên với toàn cảnh hiền hòa, kiều diễm như trào dâng tựa nước lũ. “Đó là mãnh đất lòng chảo, nơi tụ hội của mọi dốc núi địa lý, chính trị, đạo đức, tinh thần của một nước, mọi sườn dốc tự nhiên của một dân tộc; có thể nói đó là những giếng của văn minh và còn là những ống máng nữa, nơi cả thương mại, kỹ nghệ lẫn trí tuệ, dân cư, tất cả những gì là nhựa, sức sống, tâm hồn của một quốc gia, không ngừng tẩm lậu và tích tụ từng giọt, từng giọt từ thế kỷ này qua thế kỷ khác” [3; 114]. Nó chính là trung tâm văn hóa, kinh tế xã hội của một quốc gia đã được Huy-gô giới thiệu như một nhà “hướng dẫn viên” chuyên nghiệp. Cũng có khi thiên nhiên Pari hiện lên với vẻ hùng vĩ cùng “Một con hào rộng, sâu, chảy xiết vào mùa đông nước lũ, tắm chân dãy trường thành vây quanh khắp Pari, được sông Xen cung cấp nước. Ban đên các cống khép lại, người ta ngăn con sông ở hai đầu phố bằng xích sắt to tướng, thế là Pari ngủ yên” [3; 117]. Đó là một Pari về đêm với sự thanh bình nhưng vẫn mang nét uyển chuyển, trong sáng của những dòng nước. Đô thành Pari về đêm như một nàng thiếu nữ duyên dáng, kín đáo mà thâm trầm sâu sắc.
Nhưng cũng có khi thiên nhiên hiện lên thật lãng mạn với “Nền phía trời sau lấp lánh sao. Vành trăng lưỡi liềm, vừa bay lên khỏi chân trời, lúc đó dừng lại trên đỉnh tháp bên phải, và tựa con chim chói sáng, nó tới đậu lên thành dãy lan can nổi hình lá tam điệp đen”. Đó là một thiên nhiên Pari đang rung động, đang xốn xang bởi đức cha Phrôlô đang yêu, đang mơ mộng tương
lai và cuộc sống. Và cũng có khi thiên nhiên trở nên buồn vắng khi con người cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời. Nhưng cũng có khi đô thành Pari hiện lên với những phố hẻm tối tăm, những cảnh hoang tàn đến cô độc.
Vích-to Huy-gô không chỉ vẽ lên bức tranh thiên nhiên buồn vắng mà ông còn cho người đọc thấy được một thiên huy hoàng và quyến rũ nó“chói chang nắng mới của một sớm mai hè… Bầu trời hoàn toàn êm ả. Đây đó vài ngôi sao muộn tắt dần, có một ngôi sao sáng chói trên bầu trời trong vắt phía đông. Mặt trời đang mọc, Pari bắt đầu hoạt động. Ánh sáng rất trắng và rất trong làm nổi bật chói ngời trước mặt mọi bình diện của hàng nghìn ngôi nhà bày ra ở phương Đông. Bóng râm đồ sộ các tháp chuông trải từ nóc nhà này sang nóc nhà khác, từ đầu tới cuối đô thành lớn… vài làn khói lan tỏa trên khắp mặt nhà… Dòng sông gợn sóng… đám sương mù dày xốp, qua đó mơ hồ hiện lên đường nét nhòe nhoẹt các cánh đồng và nếp cong duyên dáng các gò đồi… Về hướng đông, gió sớm ban mai xua đuổi qua bầu trời vài cụm bông trắng được đứt ra khỏi lớp lông sương mù trên đồi” [3; 445]. Đó là toàn cảnh Pari được thu vào tầm mắt của một “thi nhân”, để ông tạo nên những đường nét hài hòa, điêu luyện, sắc nét. Dường như, thiên nhiên Pari đang hiện ra rất thực với những đường nét tinh xảo, nhẹ nhàng. Người đọc như được đắm mình trong khung cảnh diễm lệ, đắm say để cùng lắng nghe những âm thanh của cảm xúc.
Bằng ngòi bút lãng mạn của một nhà thơ, Vích-to Huy-gô đã làm nổi bật được một khung cảnh thiên nhiên đa chiều với đầy đủ sắc màu trong một xã hội đau thương. Dường như, ông đã dùng hết sức mạnh của ngòi bút để tạo nên những khung cảnh thiên nhiên diễm lệ, đẹp và man mác buồn. Ngòi bút miêu tả của Huy-gô đã có sự đan quyện của tính trữ tình trong thơ ca và đã để lại cho con người những ấn tượng không thể nào quên.
Bằng con mắt tinh tế và một cảm xúc say đắm, Huy-gô đã làm bừng sáng đô thành Pari thời Trung cổ bằng những đường nét miêu tả khéo léo kết
hợp với chất hiện thực cùng với chất thơ của trí tưởng tượng nhà văn. Tạo nên một sức hấp dẫn, một đường nét duyên dáng đắm say.
Không những ưu ái cho thiên nhiên, Vích- to Huy-gô còn dành những trang miêu tả hết sức đặc sắc cho công trình kiến trúc của thế kỷ- Nhà thờ Đức bà Pari. Ngôi nhà thờ với một phong cách kiến trúc mới theo kiểu gôthíc
với những đường nét miêu tả hết sức tinh tế kết hợp với một chất thơ lãng mạn đã tạo cho ngôi nhà thờ sừng sững, uy nghiêm trong đêm trường Trung cổ. Dưới ngòi bút lãng mạn của Vích-to Huy-gô, Nhà thờ Đức bà Pari hiện lên thật uy nghiêm và sừng sững, trầm lắng và đắm say. Nhà văn đã mô tả tòa kiến trúc với những tinh tế, bí mật, sức sống và cả đức tin để tạo nên nhiều dáng dấp cho tòa nhà: lúc thì uy nghi, lúc lại quái dị, khi thì tinh tế, lúc lại hoang đường... tất cả như hòa quyện vào nhau tạo thành một sức mạnh bền vững.
Nhưng nếu một lần ngắm nhìn nét duyên dáng của nhà thờ, người đọc sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng và hùng vĩ của nó. Chính vì nét đẹp cổ xưa của mình nó đã là nơi lắng đọng nhất của lòng người khi chiêm ngưỡng những đường nét tinh vi. Bởi thế, Huy-gô đã từng khẳng định rằng “chắc chắn hiếm có những trang kiến trúc nào đẹp đẽ hơn mặt trước nhà thờ”. Rồi cũng từ đó, ông đã dành những suy ngẫm của mình để tạo nên những đường nét miêu tả độc đáo. Nhà thờ Đức bà là “những bộ phận hài hòa của một chỉnh thể tuyệt mỹ, chồng lên nhau thành năm tầng gác đồ sộ, tất cả khai rành rành trước mắt, xô bồ mà ổn định, với vô vàn chi tiết về tạc tượng, điêu khắc và chạm trổ, mạnh mẽ hòa hợp cùng vẻ hùng vĩ bình thản của toàn thể. Có thể nói đây là bản giao hưởng đá dày đặc; là tác phẩm khổng lồ của một người và một dân tộc, một chỉnh thể hoàn tất thống nhất và phức tạp,.. là sản phẩm kỳ diệu của một sự chung đúc tất cả sức lực một thời đại,.. tóm lại đây là một thứ sáng tạo của nhân loại” [3; 106]. Chính nét vẽ tinh tế của tác giả kết hợp với sự tinh xảo của ngôn từ nghệ thuật đã làm nổi bật được nét tuyệt diệu của công trình kiến trúc.
Có khi ngòi bút miêu tả còn chú ý đến những công trình kiến trúc góp nên sự vĩ đại cho nhà thờ. Đó là những đường nét chạm trổ với “vẻ hồn nhiên, dịu dàng của những khuôn mặt, sự vui tươi trong dáng điệu cùng nếp áo, và tính hoa mỹ không thể giải thích quyện vào mọi khuyết điểm, làm các pho tượng nhỏ trở nên rất vui tươi và tinh tế” [3; 349]. Chính những đường nét miêu tả đặc sắc đó đã cho người đọc thấy được nét sáng tạo trong ngòi bút của tác giả và sự điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ.
Nhưng cũng có lúc, tòa nhà thờ hiện lên với những đường nét quái dị ngự trị khắp nơi. Nó cũng như đang chuyển động, đang sống, trong một không khí u ám, tối tăm. Nó hoang đường dữ dội dưới ánh lửa mà Cadimôđô dùng để đốt nóng chì khi cứu Exmêranđa. “Vô vàn điêu khắc hình quỷ sứ và rồng càng có vẻ rùng rợn. Ánh lửa bập bùng khiến chúng ngọ nguậy trước mặt. Có mãng xà như đang cười, ống máng tựa hồ văng vẳng tiếng sủa, con kỳ nhông đang thổi lửa, quái vật hắt hơi trong đám khói” [3; 376]. Đó là những đường nét miêu tả tinh vi đã góp phần làm nổi bật chân dung nhà thờ. Ẩn sâu trong đó còn như một lời kể, một sự tưởng tượng phong phú làm nổi bật những chi tiết tưởng chừng như khô khan cũng đã sống dậy.
Như tạo nên những góc chiều khác nhau, Vích-to Huy-gô đã cho người đọc thấy được những đường nét miêu tả của những sự điêu khắc tinh tế. Nhà
thờ Đức bà Pari được hiện lên với đầy đủ những nét đặc sắc của một công
trình tuyệt thế. Cùng với ngòi bút miêu tả, Huy-gô đã sử dụng tài năng của một nhà thơ để tạo nên những trang văn hài hòa. Công trình thế kỷ đã hiện lên thật đẹp, thật uy nghi giữa một thế kỷ bạo tàn. Có được những trang văn như thế là cả một quá trình chiêm nghiệm với sự kết hợp của ngòi bút kể chuyện tài ba đã tạo nên một công trình hùng vĩ, kiên cường và tráng lệ. Nó chính là một Pari thu nhỏ trong đêm trường Trung cổ, là nghệ thuật của một người và của tất cả, là niềm tin, là tấm lòng, là Đức tin của nhân dân Pari và cũng là sự trân trọng của chính tác giả. Đồng thời qua đó, người đọc thấy được tài năng miêu tả của tác giả trong sáng tạo nghệ thuật.
Không những ưu ái cho thiên nhiên và điêu khắc, Vích-to Huy-gô đã có những trang miêu tả nhân vật xúc động lòng người. Kết hợp hài hòa giữa miêu tả và lối văn kể chuyện đầy chất trữ tình, Huy-gô đã cho người đọc thấy được những cảnh sống đông đúc của con người Pari Trung cổ. Nếu như ông đã từng khắc họa thành công hình ảnh những nhân vật như Exmêranđa- một bóng dáng rực rỡ, ngây thơ gần như man dại; Cadimôđô- một gã gù xấu xí, thô kệch, Phrôlô một con người tài ba nhưng tâm hồn quỷ sứ; Phêbuýt- một gã điển trai với tâm hồn dâm dục; Gringoa một gã trí thức mơ mộng;… thì hình ảnh đám đông nhân dân Pari cũng hiện lên với giọng điệu kể chuyện mang nặng tình người với những đường nét miêu tả đặc sắc.
Kết hợp với ngòi bút kể chuyện đầy chất thơ, Huy-gô đã làm sống dậy đêm trường Trung cổ khủng khiếp của phương Tây. Pari với một thành phố thần kỳ cùng những đêm hội rước Giáo hoàng cuồng đãng, những tên trộm cướp, những thầy tu phá giới, những phế binh, những hành khất què cụt vang động những tiếng gào thét, rền rĩ, những tiếng gầm gừ với những căn nhà mốc meo, triều đình kỳ quái của vương quốc tiếng lóng. Có khi đám đông dân chúng hiện lên trong những phố hẻm tối tăm, những cảnh hoang tàn. Nhưng cũng có khi đám đông ấy hiện lên trong những giây phút rạng rỡ với những buổi sáng của ngày lễ lớn với muôn ngàn tiếng chuông như một bản âm thanh say đắm.
Bằng tài năng miêu tả kết hợp với khả năng kể chuyện đầy chất thơ, Vích-to Huy-gô đã làm sống dậy không khí Pari trong nhiều góc cạnh khác nhau. Có khi quần chúng hiện lên sinh động trong những lễ hội như “một nhóm quỷ sứ vui nhộn đã đập vỡ kính cửa sổ, táo tợn leo ngồi lên bờ tường, từ đó chúng hết nhòm ngó lại chế giễu cả phía trong lẫn phía ngoài, cả đám đông trong gian đại sảnh lẫn đám đông ngoài quãng trường. Qua cử chỉ nhạo báng, tiếng cười ha hả, tiếng bạn bè giễu cợt gọi nhau từ đầu đến cuối phòng” [3; 23]. Những nét miêu tả đó đã làm nổi bật được bức tranh cuộc sống sinh động của những con người Pari bằng những đường nét cực kỳ tinh xảo.
Xuyên suốt tác phẩm là đường nét miêu tả đám đông hết sức rõ nét. Họ hiện lên trong những ngày có người bị giết ở đài treo cổ, nhưng dường như có gì đó vô tâm. Họ chỉ biết dõi theo và hò reo khi có chuyện lạ, họ không hề đấu tranh cho bản thân mình mà sống bình lặng như chính thành phố Pari về đêm. Bằng chính chất trữ tình của thơ ca, Huy-gô đã tạo nên những nhịp sống của nhân dân Pari ở thế kỷ XV, một nhịp sống nhạt nhẽo, vô vị. Ở trong đó, tác giả đã phát huy tận độ khả năng miêu tả với những đường nét sắc sảo và ngôn từ trữ tình.
Cũng có khi, Huy-gô đã vận dụng hết tài năng của mình để làm sống dậy đám đông người ăn mày qua con mắt của Cadimôđô “nhấp nhô một bầy khủng khiếp đàn ông đàn bà áo quần rách rưới, tay mang liềm hái, giáo mác, dao quắm, lấp loáng muôn ngàn mũi nhọn… mặt mũi gớm ghiếc” [3; 368]. Chỉ vài câu ngắn gọn thôi nhưng Huy-gô đã làm nổi bật được một không khí “chiến trận” hoành tráng, một “đội quân” dũng mãnh sắp bước vào một trận chiến quyết liệt. Nhưng thấm sâu trong đó, người đọc vẫn cảm nhận được những lời kể chuyện tâm tình, nhẹ nhàng sâu lắng. Chính ông đã làm sống dậy không khí của một thời khắc đáng nhớ trong lịch sử dân tộc Pháp. Đồng thời cho người đọc thấy được những chuyển biến trong tâm hồn của nhân vật. Miêu tả đám đông chính là một trong những thành công của tác giả trong việc xây dựng nên nhân vật lãng mạn. Ông đã kết hợp với chất thơ hùng tráng cùng những đường nét miêu tả tinh tế đã làm sống dậy một không khí Pari Trung cổ với những giáo điều, lễ hội và cả sự cuồng đãng của con người.
Đồng thời trong tác phẩm của mình, Huy-gô còn sử dụng nghệ thuật kể chuyện kết hợp hài hòa với những đường nét nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn để tạo nên những bức tranh sinh hoạt hết sức chân thực của con người. Đồng thời, tác giả còn sử dụng những trang miêu tả trữ tình ngoại đề đặc sắc để tạo nên một bức tranh cuộc sống sinh động. Ở đó, dân chúng hiện lên với nhiều những góc cạnh khác nhau, nhưng hơn hết trong tâm hồn họ là sự phản
kháng đối với trật tự xã hội. Qua đó, tài năng của tác giả được thể hiện và tấm lòng thương yêu con người cũng thấm sâu trong từng câu chữ.