- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật. Các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập gồm đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan.
- Dự án Luật đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương và gửi lấy ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật được
đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình. Đồng thời, hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ cho ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
- Do đây là một dự án Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song song với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo nên quá trình xây dựng, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan; đã tiến hành làm việc ở nhiều cấp (Bộ trưởng, Thứ trưởng, cơ quan tham mưu) để thống nhất phạm vi điều chỉnh của 02 dự án Luật, bảo đảm không trùng chéo, trùng lắp, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chính phủ đã có nhiều cuộc họp (họp thường kỳ, họp chuyên đề…) với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ để cho ý kiến về 02 dự án Luật trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2020, dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 07 chính sách là: (1) Hệ thống báo hiệu đường bộ; (2) Quy tắc giao thông đường bộ; (3) Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (4) Tổ chức giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; (5) Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; (6) Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; (7) Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2020, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện, theo đó dự án Luật còn 06 chính sách là: (1) Quy tắc
giao thông đường bộ; (2) Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (3) Tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; (4) Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; (5) Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; (6) Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong các chính sách cũng có sự điều chỉnh về nội dung để bảo đảm không trùng chéo với nội dung cụ thể trong các chính sách của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và các Luật, dự án Luật khác có liên quan (như Luật xử lý vi phạm hành chính). Cụ thể: Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ quy định về điều kiện tham gia giao thông, về đăng ký xe, không quy định về quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới; về tổ chức an toàn giao thông “động” tách bạch với tổ
chức giao thông gắn với kết cấu hạ tầng; về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không quy định về xử lý vi phạm hành chính.