BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT

Một phần của tài liệu Tham gia góp ý xây dựng VB QPPL-đã chuyển đổi (Trang 152 - 156)

1. Về bố cục

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 05 chương, 35 điều, cụ thể như sau:

- Chương I (Quy định chung) gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm.

- Chương II (Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) gồm 08 điều (từ Điều 8 đến Điều 15), quy định về: Thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn; tham gia vận động, thuyết phục, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù; tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ an ninh, trật tự.

Chương III (Xây dựng lực lượng; bảo đảm điều kiện hoạt động; bồi dưỡng, hỗ trợ; giải quyết một số trường hợp khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ) gồm 11 điều (tư Điều 16 và Điều 26), quy định về: Bố trí lực lượng, thành lập, công nhận chức danh, báo cáo hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bổ sung số lượng, cho thôi chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhiệm vụ chi của Bộ Công an; nhiệm vụ chi của địa phương; bố trí địa điểm, nơi làm việc và trang bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; giải quyết trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.

Chương IV (Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) gồm 05 điều (từ Điều 27 đến Điều 31), quy định về: Trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 04 điều (từ Điều 32 đến Điều 35), quy định về: Hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

2. Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định nội dung cơ bản sau:

2.1. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về: Vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2.2. Về đối tượng áp dụng: Luật này áp dụng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.3. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã; có chức năng tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự.

2.4. Về tiêu chuẩn tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ học vấn, sức khỏe của người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền.

2.5. Về quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã và đối với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.

2.6. Về các hành vi bị nghiêm cấm: Dự thảo Luật quy định bao quát về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ chức, hoạt động, xây dựng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2.7. Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn và chính quyền cơ sở. Cụ thể, dự thảo Luật quy định lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ sau đây:

(1) Thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.

(2) Tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

(3) Thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

(4) Tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn. (5) Tham gia vận động, thuyết phục, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng.

(6) Bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù. (7) Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

2.8. Về sắp xếp, bố trí lực lượng: Dự thảo Luật quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được sắp xếp, bố trí thống nhất thành 01 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí thành Tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn.

2.9. Về bảo đảm điều kiện hoạt động, bồi dưỡng, hỗ trợ và giải quyết một số trường hợp khi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ:

(1)Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ (pháp luật hiện hành đang quy định bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng và hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ; Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được hưởng phụ cấp hàng tháng và mức bồi dưỡng, hỗ trợ). Việc xác định cụ thể, thống nhất việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời, là để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm chi từ ngân sách nhà nước để chi trả phụ cấp và tiến tới giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách.

(2) Ngoài nội dung nêu trên, dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và vận dụng quy định của Luật Dân quân tự vệ để quy định bao quát hơn các điều kiện bảo đảm hoạt động và và giải quyết một số trường hợp khi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ, bao gồm:

- Bố trí địa điểm, nơi làm việc và trang bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Giải quyết trường hợp lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.

2.10. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo luật quy định: Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc quản lý, giám sát hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2.11. Về điều khoản thi hành

Dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp quy định đối với các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xem xét, tuyển chọn người đang hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng để tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của các luật có liên quan.

Trên đây là Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

Nơi nhận:

Một phần của tài liệu Tham gia góp ý xây dựng VB QPPL-đã chuyển đổi (Trang 152 - 156)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)