VẤN ĐỀ CẦN XIN Ý KIẾN

Một phần của tài liệu Tham gia góp ý xây dựng VB QPPL-đã chuyển đổi (Trang 53 - 57)

Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2020, trong đó Chính phủ thống nhất nội dung cơ bản của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ thảo luận và thống nhất Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 02 phương án: Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

1. Phương án 1:

- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham

gia giao thông, bảo vệ quyền con người; còn đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Các thành tố chính để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (sự di chuyển, đi lại của người và phương tiện trên đường giao thông), gồm: (1) Người điều khiển phương tiện giao thông; (2) Phương tiện giao thông; (3) Người và phương tiện kết nối với hạ tầng giao thông (thông qua quy tắc giao thông).

Trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe; mục tiêu lớn nhất của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao

thông đường bộ là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, người tham gia giao thông phải có đủ kiến thức, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật là chính sách trọng tâm được điều chỉnh trong Luật.

Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm khái niệm “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334 nghìn vụ, làm chết trên 101 nghìn người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336 nghìn người, trong đó nhiều người bị thương tật suốt đời. Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, sử dụng giấy phép lái xe giả… đây là những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận xã hội và rất đáng báo động. Tình trạng coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ, gây tai nạn giao thông bỏ chạy, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, ma túy…diễn biến rất phức tạp.

- Điều khoản về quản lý hành vi của người tham gia giao thông liên quan đến các khâu như: Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều nước trên thế giới (mô hình thành công nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc).

- Trước khi ban hành Luật Giao thông đường bộ năm 2001, các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt, tách bạch với các văn bản pháp luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể là: Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1962; Nghị định số 348 ngày 03/12/1955 ban hành luật đi đường bộ; Quyết định liên bộ số 176 ngày 09/12/1989 ban hành điều lệ trật tự, an toàn giao thông vận tải đường bộ; Nghị định 36 ngày 29/5/1995 về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, trong đó có nhiệm vụ đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

- Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái

xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Như vậy, việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; lập lại trật tự, nề nếp, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật; quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông; phù hợp với Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và luật của nhiều nước trên thế giới. Đa số Thành viên Chính phủ đồng ý với Phương án 1.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người.

2. Phương án 2 (Do có ý kiến khác nên Chính phủ đưa ra Phương án 2 để Quốc hội tham khảo)

Từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định; công tác này đã được xã hội hóa mạnh mẽ.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động này đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ; chương trình đào tạo, quy trình sát hạch được xây dựng trên cơ sở phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy tắc giao thông, yêu cầu về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải đường bộ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…

Phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu

quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Trên đây là Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến./.

(Xin gửi kèm theo: (1) Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (2) Báo cáo thẩm định dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Tư pháp; (3) Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (4) Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Văn phòng Chính phủ; (5) Bản tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kèm theo bản chụp ý kiến góp ý); (6) Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 của lực lượng Công an nhân dân; (7) Bản đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong dự án Luật; (8) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật; (9) Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật).

Nơi nhận:

- Như trên;

Một phần của tài liệu Tham gia góp ý xây dựng VB QPPL-đã chuyển đổi (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)