6. Cấu trúc của luận án
3.3.3. Sức hấp dẫn của việc kết nối văn hóa phương Đông và văn hóa
Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh trong toàn bộ trước tác nói chung và trong Di chúc nói riêng là một di sản lớn của dân tộc Việt Nam, phản ánh sinh động quá trình hoàn thiện của hệ giá trị tinh thần Việt Nam trong lịch sử và trong thế kỷ XX. Đó là sự kết tinh những tinh hoa của tư tưởng đạo đức truyền thống và tư tưởng đạo đức cách mạng, thông qua vai trò tổng hợp của một cá nhân xuất chúng [11]. Cho đến nay, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn được xác định là một giá trị nền tảng, làm chỗ dựa cho toàn bộ hoạt động, ứng xử của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Có thể nói tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vừa mang đặc thù dân tộc vừa có tính phổ biến toàn nhân loại. Điều đáng chú ý là những mệnh đề thể hiện hệ tư tưởng đạo đức này đã được Hồ Chí Minh ghi lại trong Di chúc và diễn đạt bằng một ngôn ngữ hết sức bình dị, rất gần gũi với tâm hồn, trí tuệ người Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, toàn bộ nội dung của nó đã được bộc lộ sinh động qua mọi hoạt động của một con người đã dành trọn cuộc đời mình cho dân tộc: “Tự do cho đồng bào tôi, Độc lập cho Tổ quốc tôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn. Đó là tất cả những gì tôi hiểu” [181, tr.73]. Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng một xã hội tốt đẹp phải có nền tảng đạo đức. Đạo đức cách mạng là cái gốc của cán bộ, đảng viên, cũng là cái gốc của một đảng cách mạng chân chính. Và nền tảng ấy được xây đắp bằng giáo dục, bằng sự chi phối của văn hóa. Người nhận định: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được
nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[116, tr. 252].
Câu nói trên giúp người đọc hiểu rõ đâu là cầu nối giữa tư chất người cách mạng và phẩm chất văn hóa trong toàn bộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Ở Người, sự nghiệp cách mạng đã được nâng lên tầm văn hóa. Đó là điều hiếm thấy ở những vĩ nhân khác của dân tộc Việt Nam cũng như của thế giới. Có được điều đó là nhờ cốt cách, bản lĩnh Hồ Chí Minh ngay trong những năm cuối đời, như cách nói của Phong Lê: “Những ngày 1969 Bác mệt nhiều nhưng trong lời Di chúc căn dặn đồng chí, đồng bào trước lúc đi xa, lại là những lời thanh thản” [83, tr. 13]. Có thể hiểu ý kiến của Phong Lê theo “cách nói” nghĩa rộng, bao quát với toàn bộ quá trình Người viết Di chúc, trong đó nhấn mạnh khoảng thời gian riêng trong năm cuối đời (1969), chứ không phải theo nghĩa đen lúc “Bác mệt nhiều”!
Hồ Chí Minh quan niệm người cách mạng không phải là kẻ xa lạ hoặc đối lập với đồng loại, mà là người bộc lộ được toàn bộ những phẩm chất đạo đức mà tất cả mọi cá nhân trong các cộng đồng xã hội muốn hướng tới. Trở thành người cách mạng không phải là cứu cánh mà là phương tiện thực hiện đạo đức, hơn nữa, hoàn thiện đạo đức. Ở Hồ Chí Minh, chất cách mạng đã chuyển thành chất văn hóa, chất nhân bản. Muốn thực hiện Di chúc của Người trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn xây dựng đất nước văn minh tiến bộ và chống nghèo nàn lạc hậu, đạo đức càng phải được giữ vững. Thấu hiểu điều này, Người nói: “Một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” [116, tr. 642].
Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là tiêu chuẩn tối cao, vì có đạo đức thì mọi việc khác sẽ có nền tảng vững chắc để phát huy và tài năng sẽ nở rộ. Đạo đức là bộ phận năng động nhất của thế giới quan, trực tiếp chỉ đạo mọi hành vi của con người. Đạo đức và luân lý Đông - Tây đều quan
tâm đến giá trị của con người. Nhưng lấy gì làm chuẩn mực cho giá trị của con người cũng như của văn hóa, văn minh? M. Gorki đưa ra hai nhận xét có tính chất cảm thán: “Con người, hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh xiết bao”; “Cao sang thay cái chức vị làm người trên trái đất”. Như vậy, giá trị của con người tùy thuộc vào mức độ hoàn thành “chức vụ làm người”. Đối với Hồ Chí Minh, “mọi việc đều do con người làm ra cả”, từ đó Người đặt ra yêu cầu rất cao với đạo đức, nó là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm của con người trước cuộc sống xã hội, và theo đó, luôn đặt niềm tin ở con người. Điểm xuất phát và đích cuối cùng trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đạo đức là con người không được tách khỏi đồng loại; giữa con người cụ thể với đồng loại phải tồn tại văn hóa biết yêu thương.
Bản Di chúc của Hồ Chí Minh đã thể hiện sâu sắc nền móng cơ bản của đạo đức là lòng nhân ái bao la, thương yêu, tôn trọng, tin cậy con người. Sự nghiệp và di sản văn hóa ấy mang khát vọng của con người muốn được giải phóng, được không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, được yêu thương nhau trong hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ. Điều này khiến cho tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có tính thời đại, có sức cảm hóa lớn đối với trái tim và khối óc không những quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam, mà còn của bạn bè quốc tế.
Nhà hoạt động văn hóa Cuba Rơnê Dơpêtơrơ viết: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thật sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta. Nhà cách mạng lão thành này ngay giữa cuộc đời mình và đi vào truyền thuyết. Cuộc sống của Người là một bài thơ đầy nét anh hùng ca, giống như cuộc đấu tranh của dân tộc Người” [166, tr. 35].
Những giá trị nhân văn cao đẹp, vị nhân sinh trong Di chúc Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tình cảm, tư tưởng đạo đức mà còn hướng tới một sự thống
nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường. Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành “tinh hoa và khí phách, lương tâm và danh dự”, thành biểu tượng của đạo đức và văn minh, không phải chỉ của Đảng ta, dân tộc ta, mà còn là biểu tượng của đạo đức, văn minh nhân loại.
Tiểu kết chương 3
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đều lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ, lấy quan điểm quần chúng làm phương châm công tác, lấy chính nghĩa yêu nước và chân lý của học thuyết Mác - Lênin làm sức mạnh tuyên truyền, động viên, cổ vũ và dìu dắt quần chúng tham gia cách mạng và quản lý đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội khoa học. Cho nên, khi viết hay nói chuyện với bất kỳ đối tượng nào, Người cũng luôn tìm những mẫu số chung giữa đối tượng với mình để thuyết phục cùng nhất trí về quan điểm, cách giải quyết các vấn đề thực tiễn đời sống (hòa bình, quyền độc lập và tự quyết dân tộc, quyền con người, chính nghĩa, tiến bộ xã hội). Người rất khéo tìm điểm gặp gỡ giữa các đối tượng ở mọi miền Đông - Tây trên thế giới với nhiều cấp độ cao thấp, rộng hẹp khác nhau từ tuổi tác, tâm lí, văn hóa, hoàn cảnh riêng, từ các quan hệ đồng hương, đồng bào, đồng chí đến đồng bang, đồng chủng đến các vùng miền, dân tộc, ngành nghề, lứa tuổi hoặc các phẩm cấp thuộc phạm trù toàn nhân loại, quy luật của tự nhiên tạo hóa. Từ đó Người luôn giải quyết các vấn đề cụ thể, có khi chỉ của một nơi, một người trong tương quan hài hòa với cái chung rộng lớn, gắn bó tự nhiên, hợp lẽ với nhiều đối tượng, nhiều việc, nhiều nơi và nguyện vọng, suy nghĩ tiến bộ của hàng triệu triệu con người.
Chương 4
ĐẶC TÍNH TUYÊN TRUYỀN
TRONG VĂN CHÍNH LUẬN NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH XÉT TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
Khi đặt vấn đề nghiên cứu các phương diện nghệ thuật ngôn từ của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhà lý luận Hoàng Ngọc Hiến nhấn mạnh đặc tính “giọng” (giọng điệu) trong mối quan hệ giữa chất văn và báo, văn chương và báo chí, văn hư cấu và phi hư cấu: “Một áng “văn” bao giờ cũng có “giọng” và giọng của văn khác với giọng của báo (nếu như bài báo có giọng) là bao giờ cũng rất “riêng”, thường là phong phú, nhiều sắc thái. Chất lượng văn học của những bài ký chính luận của Nguyễn Ái Quốc trước hết là ở giọng văn của tác giả, khi thì dí dỏm, hóm hỉnh, khi thì cợt mỉa, chua chát, có đoạn trang nghiêm dõng dạc, có đoạn thống thiết, hào hùng” [60, tr. 24]. Đây cũng chính là nhiệm vụ, định hướng chung của việc tiếp cận, tìm hiểu hệ thống quan điểm sử dụng ngôn từ nghệ thuật, đặc trưng diễn ngôn thể loại và các biện pháp tu từ trong văn chính luận Hồ Chí Minh.
4.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về sử dụng ngôn từ nghệ thuật trong văn chính luận
4.1.1. Hồ Chí Minh với việc trau dồi nghệ thuật viết văn chính luận
Đặt trong tầm quan sát rộng lớn về bản chất văn học, có thể thấy năng lực viết văn chính luận không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu, tài năng, cảm hứng mà còn phụ thuộc nhiều vào sự rèn đúc trong thực tiễn, tích lũy tri thức, kinh nghiệm và thâm nhập vào những sự kiện lớn lao của xã hội, thời đại, đất nước, dân tộc.
Trong cả cuộc đời viết văn, viết báo và sử dụng ngôn từ nghệ thuật trong văn chính luận, Hồ Chí Minh thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng viết. Trước hết, Người đề cao tính chân thực.Mỗi bài nói, bài viết
của Người đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài nói, bài viết của Người đối với người nghe, người đọc. Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên Người đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Người thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”, “phải viết rõ sự thật”, “phải viết ngắn gọn” [126, tr. 257-259, 279-289]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, luôn cần ngắn gọn trong cách nói, cách viết cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không thừa lời, thừa chữ. Người nhiều lần phê bình nhắc nhở cán bộ về mặt ba hoa, viết vừa dài, vừa rỗng. Người thường khuyên cán bộ nói viết đều phải ngắn gọn, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề. Người đề cao yêu cầu viết trong sáng, giản dị, dễ hiểu và phải phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe, v.v... Truyền đạt lại kinh nghiệm viết văn của mình, trong bài nói chuyện với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành tại Trường Lý luận chính trị Trung ương ngày 17-8-1952, Người mở đầu: “Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn” [126, tr. 346], từ đó phân tích câu chuyện bếp núc nghề viết, nêu rõ những sai sót dễ mắc phải rồi triển khai cả một mục Kinh nghiệm Bác viết thế nào? và đưa ra câu trả lời về cách viết dài, viết ngắn, cách chọn lựa đề tài, cách thu thập tin tức, cách lập luận, cách rèn luyện sự cẩn thận, cách tự biên tập, cách nhờ người khác đọc góp ý và đi đến kết luận: “Bây giờ, khi Bác viết gì cũng đưa cho một số đồng chí xem lại, chỗ nào khó hiểu thì các đồng chí bảo cho mình sửa chữa. Nói tóm lại, viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, phải chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được” [126, tr. 355].
Trong suốt thời gian Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng, văn chính luận đã gắn bó mật thiết với cuộc đời của Người tới mức đời sống của văn thực chất
là đời sống con người cách mạng của Người. Người cho rằng, văn chương trong thời đại cách mạng phải xem quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Có thể thấy rõ, Người quan tâm đến quảng đại quần chúng vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng: “Trong các trước tác của Hồ Chí Minh có nhiều tác phẩm chính luận được viết ra cho từng đối tượng vì mục đích tuyên truyền, kêu gọi và động viên quần chúng hướng về cuộc đấu tranh cách mạng đã đạt tới mức độ cao của phong cách chính luận. Trong các hoạt động giao tiếp, mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với khách thể là quan hệ mở. Người luôn tạo được sự tiếp xúc, trao đổi, thuyết phục với đông đảo các cá nhân, lứa tuổi thuộc nhiều tầng lớp, giai cấp, dân tộc, bằng tấm lòng chân thành và lý trí sáng suốt” [195, tr. 27]. Đối tượng, chính là điều kiện đầu tiên đảm bảo tính thuyết phục trong các tác phẩm văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Có thể thấy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết báo giữa giai đoạn giao thời, vừa phụ thuộc vào thời cuộc, hoàn cảnh (viết báo tuyên truyền ở nước ngoài và trong nước, viết công khai và lưu hành bí mật, viết cho thế lực đối lập và cho đồng bào, đối thoại với các đối tượng quan chức, chính khách, trí thức yêu chuộng hòa bình và tầng lớp lao động bình dân. Có thể xác định đặc điểm sự trau dồi cách viết này nằm trong dòng chảy chung của quan hệ văn học Việt - Pháp và xu thế chung của văn học giai đoạn giao thời mà Trần Ngọc Vương và Phạm Xuân Thạch đã khái quát: “Giai đoạn giao thời đồng nghĩa với thời kỳ phôi thai của một nền văn học mới. Tính chất phôi thai đó được thể hiện rõ ở những hình thức phổ biến văn học nói chung và phổ biến dịch thuật nói riêng. Trong thời gian này có một hình thức thông tin đại chúng hoàn toàn du nhập vào Việt Nam cùng với người Pháp. Chúng tôi không muốn nhắc lại vai trò vốn hết sức phức tạp của báo chí đối với văn hóa Việt Nam trong thời cận đại, chỉ cần nhấn mạnh lại một hiện thực là nền văn học hiện đại Việt Nam trước hết đã được hình thành trên báo chí” [202, tr. 44].
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trau dồi nghệ thuật viết văn chính luận không phải trong nhà trường mà được rèn luyện từ thực tế cuộc sống, kể cả các
bài báo tiếng Pháp, bắt đầu từ những tin ngắn rồi nhờ người có chuyên môn sửa chữa, qua đó học lấy kinh nghiệm. Đến khi trở về nước, Người vẫn giữ thói quen này, thậm chí với những đối tượng trình độ học vấn thấp lại cần đọc cho họ xem đã hiểu rõ chưa rồi tìm cách viết cho thật bình dân, quần chúng. Chính nhờ trau dồi ngòi bút bằng sự trải nghiệm cuộc sống sâu rộng, đa diện mà văn chính luận của Người trở nên uyên bác, sinh động, đủ sức đáp ứng với mọi đề tài, phạm vi nội dung và đối tượng tiếp nhận.
4.1.2. Tương hợp giữa ngôn từ nghệ thuật và hệ thống chủ đề trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh