Đổi mới chính sách thu hút FDI và xây dựng công nghiệp phụ trợ

Một phần của tài liệu Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2015 (Trang 34 - 35)

6. Kết luận và khuyến nghị chính sách

6.2. Đổi mới chính sách thu hút FDI và xây dựng công nghiệp phụ trợ

Muốn gia tăng đóng góp của khu vực FDI đến cải thiện cán cân thương mại, bắt buộc phải thay đổi cơ cấu sản xuất của khu vực này, theo đó, thay vì chỉ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng nhân công rẻ để gia công thì cần đầu tư vào những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam, và đi kèm với nó là phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho quá trình đầu tư trên. Với xu thế chung hiện nay của các tập đoàn đa quốc gia là chuyển dịch đầu tư về Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu của các tập đoàn, thì đây chính là cơ hội rất lớn đối với Việt Nam nhằm tận dụng thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và vươn lên giai đoạn cao hơn trong chuỗi gia tăng giá trị, nâng cao được công nghệ và năng lực sản xuất quốc gia. Để tận dụng cơ hội lớn này, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực và gia tăng khả năng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước, thì điểm mấu chốt là phải xây dựng được các ngành công nghiệp phụ trợ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu, mở rộng cơ hội kết nối vào mạng sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Ngày 24 tháng 02 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ, quy định các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển công nghiệp phụ trợ đối với các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giầy và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Quyết định này đưa ra 5 nhóm chính sách khuyến khích phát triển đối với ngành công nghiệp phụ trợ, bao gồm: khuyến khích phát triển thị trường, khuyến khích phát triển hạ tầng cơ sở, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích về cung cấp thông tin và khuyến khích về tài chính. Tuy nhiên, như đã phân tích trong nghiên cứu, các chính sách hỗ trợ còn chậm trễ, chưa hiệu quả và chưa đến được với các doanh nghiệp. Vì vậy, cần xây dựng thực hiện một số nội dung sau:

- Bên cạnh thu hút các công ty lớn, đa quốc gia sản xuất các ngành có giá trị gia tăng tại Việt Nam, thì cũng cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ từ nước ngoài (đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

-Cần khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam tham gia sản xuất trong lĩnh vực cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, bán thành phẩm… Cần đảm bảo những hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, những ưu đãi về tài chính và thuế, cơ chế cấp vốn… đến được với các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ có thể được hỗ trợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho các chương trình xúc tiến đầu tư…

-Cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp dưới hình thức các cụm công nghiệp nhằm gia tăng sự liên kết trong chuỗi giá trị. Có thể có những cơ chế đặc thù để hình thành nhanh chóng một số khu cụm công nghiệp phụ trợ cho một số ngành quan trọng như linh kiện điện tử và cơ khí tại một số địa phương có gắn với các ngành công nghiệp chế tạo và điện tử đang có.

-Nâng cao tính chủ động của các hiệp hội ngành nghề để có thể tìm kiếm, tiếp nhận tài trợ của Chính phủ và của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường tổ chức và nâng cao chất lượng các triển lãm hội chợ công nghệ, và các hội thảo chuyên đề phát triển công nghiệp phụ trợ cho từng lĩnh vực sản phẩm riêng biệt.

-Tăng cường chi nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu chuyên ngành các đề tài và dự án gắn với nhu cầu phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu, chi tiết, linh phụ kiện, phụ tùng… với sự hỗ trợ kinh phí từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cần đầu tư về cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật các ngành thiết kế, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học để làm chủ các công nghệ được chuyển giao và phát triển công nghiệp phụ trợ.

Một phần của tài liệu Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2015 (Trang 34 - 35)