Kiểm soát chặt chẽ thâm hụt ngân sách và nợ công

Một phần của tài liệu Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2015 (Trang 38 - 40)

6. Kết luận và khuyến nghị chính sách

6.5. Kiểm soát chặt chẽ thâm hụt ngân sách và nợ công

Để giảm nguy cơ xảy ra khủng hoảng NSNN và vỡ nợ công, đảm bảo ANTCTT quốc gia cần áp dụng đồng bộ các chính sách và biện pháp sau:

Nâng cao khả năng dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát để làm cơ sở điều chỉnh chính sách tài khoá cho phù hợp theo hướng giảm gánh nặng thu NSNN trong thực tế về mức 20-22% GDP nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tích luỹ vốn cho đầu tư phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh trong điều kiện hội nhập toàn cầu.

Hoàn thiện công tác quản lý thuế theo hướng đơn giản, hiện đại, hiệu quả nhằm chống thất thu NSNN và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Thuế, phí, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh công bằng lành mạnh. Nâng cao khả năng dự báo thu NSNN gắn với tăng trưởng kinh tế ở cấp vĩ mô cũng như thực trạng phát triển kinh tế ở cấp địa phương nhằm xây dựng dự toán thu sát với thực tế, giảm đến mức thấp nhất quy mô thu kết chuyển, nhờ đó thu hẹp khoảng cách số thu NSNN giữa dự toán và quyết toán NSNN.

Cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu từ sản xuất kinh doanh trong nước gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh thật sự, tăng tỷ trọng thuế trực thu đi đôi với giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu và khai thác tài nguyên và thuế gián thu nhằm giảm tính dễ bị tổn thương của NSNN trước những biến động và cú sốc từ bên ngoài, đồng thời phù hợp với những cam kết mở cửa và hội nhập quốc tế.

Giảm quy mô chi NSNN thực tế về mức 25% GDP trước khi tiến tới cân bằng thu chi NSNN thông qua siết chặt kỷ luật chi NSNN, chấm dứt tình trạng chi vượt dự toán, đồng thời cắt giảm chi thường xuyên gắn với cải cách hành chính, đẩy mạnh xã hội hoá và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Trên cơ sở đó ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn từ NSNN để trả nợ gốc và lãi.

Cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ổn định và giảm dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên cơ sở cơ cấu lại đầu tư công, chỉ bố trí vốn từ NSNN cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao đồng thời kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Căn cứ vào xác định rõ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường nói chung, trong xây dựng CSHT thiết yếu nói riêng để chuyển những nhiệm vụ đầu tư công nhà nước không cần phải trực tiếp thực hiện sang cho khu vực ngoài nhà nước nhằm huy động các nguồn lực tài chính của xã hội, giảm áp lực đầu tư phát triển từ NSNN, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các công trình đầu tư công.

Giảm dần mức độ thâm hụt NSNN, cả về số tuyệt đối và số tương đối thông qua cắt giảm chi NSNN, tiến tới cân bằng NSNN và có thặng dư NSNN để có nguồn trả nợ công trong trung và dài hạn.

Tăng cường quản lý NSNN, quản lý nợ công theo nguyên tắc đảm bảo công khai minh bạch, kỷ luật tài chính, giám sát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và đánh giá theo kết quả đầu ra, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nhằm giảm tốc độ tăng nợ công đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nợ công. Thay vì phát hành nợ mới để trả nợ cũ cần khai thác các nguồn lực khác, kể cả bán một phần tài sản nhà nước và nguồn thu từ cơ cấu lại khu vực DNNN để thanh toán nợ công, đưa nợ công về mức an toàn phù hợp với khả năng trả nợ khi quy mô NSNN đã thu hẹp và chi NSNN đã được cơ cấu lại.

Đối với nhóm giải pháp kiểm soát nợ quốc gia, cần (i) tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đối với nguồn vốn vay nợ để đáp ứng yêu cầu về thực tiễn của Việt Nam và từng bước tiến tới phù hợp với các thông lệ quốc tế; (ii) tăng cường công tác quản lý và xử lý rủi ro về nợ công; (iii) kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ, phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 44/2011/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ; (iv) tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát và có biện pháp xử lý cụ thể đối với các chương trình, dự án được bão lãnh Chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ đến hạn, tránh gây áp lực đến nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước và (v) đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quản lý nợ công thông qua các hình thức như tham gia các cơ chế cam kết, thỏa thuận cung cấp, phổ biến số liệu nợ với các tổ chức quốc tế và các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc gia; tăng cường thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quản lý nợ công và phổ biến rộng rãi, kịp thời thông tin đối ngoại về nợ công Việt Nam, chú trọng các hoạt động hợp tác trong giám sát, chia sẻ thông tin về nợ và quản lý nợ công nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan, cùng hợp tác phát triển.

Cơ cấu lại thị trường tài chính theo hướng giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước (thông qua thu chi NSNN và hoạt động của các định chế tài chính của Nhà nước hay Nhà nước nắm cổ phần chi phối), tôn trọng các quy luật thị trường cạnh tranh bình đẳng nhằm khơi thông nguồn lực tài chính, chuyển những nguồn lực tài chính đến những khu vực có hiệu quả sử dụng cao nhất.

Một phần của tài liệu Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2015 (Trang 38 - 40)