Phương pháp phân tích dữ liệu

Một phần của tài liệu Luận án quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 40 - 101)

5. Kết cấu của luận án

1.2.4. Phương pháp phân tích dữ liệu

Để sử dụng những dữ liệu đã thu thập phục vụ cho mục đích nghiên cứu đề tài luận án, nghiên cứu sinh đã phối hợp các phương pháp sau:

Phương pháp tổng hợp

Phương pháp tổng hợp là phương pháp tập hợp, phân loại và sắp xếp những thông tin đa dạng thu thập được từ các nguồn, các tài liệu khác nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh, nhờ đó có được hiểu biết toàn diện về đối tượng nghiên cứu. Trong luận án, nghiên cứu sinh đã sử dụng phương pháp tổng hợp để nghiên cứu các vấn đề lý luận có liên quan, hình thành khung lý thuyết cho đề tài luận án, đồng thời tổng hợp các dữ liệu cần thiết có liên quan nhằm đưa ra nhận định tổng thể về thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình.

Phương pháp phân tích

Phương pháp phân tích là phương pháp bóc tách và xem xét kỹ lưỡng những mặt, những bộ phận, những vấn đề của các dữ liệu đã thu thập được để nhận thức, phát hiện và khai thác các khía cạnh khác nhau của dữ liệu; từ đó chọn lọc những thông tin cần thiết phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Trên cơ sở dữ liệu thứ cấp và sơ cấp đã thu thập được, nghiên cứu sinh tiến hành phân tích theo từng nội dung của QLNN đối với PTDL của một địa phương cấp tỉnh để đưa ra nhận định cụ thể cho từng mặt của QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình.

Phương pháp thống kê mô tả

Phương pháp thống kê mô tả là phương pháp tập hợp các thông tin cần thiết để mô tả những đặc tính cơ bản của dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu thực nghiệm qua các cách thức khác nhau. Nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp này để tập hợp các thông tin cần thiết mô tả thực trạng PTDL và QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình.

Phương pháp so sánh

Phương pháp so sánh là phương pháp đối chiếu các chỉ tiêu đã được lượng hóa, có nội dung và tính chất tương tự để xác định xu hướng, mức độ biến động của các chỉ tiêu đó. Phương pháp này được nghiên cứu sinh vận dụng để nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến sự phát triển của du lịch tỉnh Hòa Bình qua các mốc thời gian từ năm 2015 đến năm 2020.

Phương pháp mô hình hóa

Phương pháp mô hình hóa là phương pháp nghiên cứu các chỉ tiêu nghiên cứu bằng cách xây dựng các mô hình của chúng (các mô hình này bảo toàn các tính chất cơ bản được trích ra của đối tượng đang nghiên cứu). Các dữ liệu sơ cấp thu được về thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình được nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp này để mô tả trong luận án nhằm có được cách nhìn trực quan sinh động và rõ nét hơn về vấn đề nghiên cứu.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, luận án đã tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án, bao gồm: Các công trình nghiên cứu về PTDL; các công trình nghiên cứu liên quan đến QLNN đối với PTDL; các công trình nghiên cứu liên quan đến QLNN đối với PTDL của địa phương cấp tỉnh; và các công trình nghiên cứu về du lịch của tỉnh Hòa Bình. Qua tổng quan những công trình nghiên cứu có liên quan, luận án đã rút ra các kết luận về tình hình nghiên cứu và chỉ ra khoảng trống cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong luận án như: nội dung và các tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDL, nghiên cứu QLNN đối với PTDL tại một địa phương cấp tỉnh mà cụ thể là tỉnh Hòa Bình.

Cũng trong chương này, luận án đã đưa ra quy trình nghiên cứu, khái quát được các phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp, sơ cấp, sử dụng phần mềm SPSS để hỗ trợ xử lý dữ liệu, kết hợp cùng các phương pháp khác như tổng hợp, phân tích, thống kê mô tả, so sánh, mô hình hóa để nghiên cứu thực trạng QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình, làm cơ sở đưa ra các giải pháp hoàn thiện.

CHƯƠNG 2

MỘT SỐ CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA ĐỊA PHƯƠNG CẤP TỈNH 2.1. Một số khái niệm cơ bản về phát triển du lịch và quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch

2.1.1. Khái niệm, điều kiện, nội dung và tiêu chí đánh giá phát triển du lịch của địa phương cấp tỉnh

2.1.1.1. Khái niệm về du lịch và phát triển du lịch a. Du lịch

Ngày nay, du lịch được biết đến không chỉ là một hiện tượng, một hoạt động mà còn là một ngành kinh tế có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Du lịch hiện đã trở thành một nhu cầu xã hội phổ biến, giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của con người không ngừng được nâng cao. Tùy vào từng góc độ tiếp cận khác nhau, ở từng quốc gia khác nhau, khái niệm về du lịch cũng có thể có những điểm khác biệt. Tiếp cận dưới góc độ nhu cầu của con người, du lịch được xem là một hiện tượng và là một hoạt động của con người.

Khi là một hiện tượng xã hội, du lịch được xem là hiện tượng con người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên để đến một nơi xa lạ vì nhiều mục đích khác nhau ngoại trừ mục đích tìm kiếm việc làm và trong thời gian đó họ phải tiêu tiền mà họ đã kiếm được. Trong tác phẩm của mình, tác giả Vũ Đức Minh (Giáo trình Tổng quan về Du lịch, 2008, tr.9) đã nêu: “Du lịch là tổng hợp các hiện tượng và các mối quan hệ nảy sinh từ việc đi lại và lưu trú của những người ngoài địa phương – những người không có mục đích định cư và không liên quan tới bất cứ hoạt động kiếm tiền nào (theo các tác giả Hunziker và Krapf). Khái niệm này đã được Hiệp hội quốc tế các chuyên gia khoa học về du lịch (AIEST) công nhận”.

Cũng theo tác giả Vũ Đức Minh (Giáo trình Tổng quan về du lịch, 2008, tr.10), khi được xem là một hoạt động, du lịch được hiểu là “một hoạt động xảy ra khi con người vượt qua biên giới (một nước, hay ranh giới một vùng, một khu vực) để nhằm mục đích giải trí hoặc đi công tác và lưu trú tại đó ít nhất 24 giờ nhưng không quá một năm”. Ở Việt Nam, khái niệm về du lịch được thể hiện trong Luật Du lịch (năm 2017): “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng

nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.

Ở một trình độ phát triển nhất định, du lịch không còn là một hiện tượng hay một hoạt động đơn lẻ nữa, nó trở thành nhu cầu phổ biến và có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội. Khi đó, việc đáp ứng nhu cầu du lịch trở thành một cơ hội kinh doanh và du lịch được xem như một hoạt động kinh tế nhằm tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đáp ứng nhu cầu đi du lịch của con người.

Bên cạnh đó, du lịch không chỉ là một hoạt động kinh tế, việc đáp ứng các nhu cầu của con người khi đi du lịch mang tính chất tổng hợp, tạo thành một ngành kinh tế - đó là ngành du lịch. Trong tác phẩm của mình, tác giả Vũ Đức Minh (Giáo trình Tổng quan về du lịch, 2008, tr.12-13) đã nêu: “Các học giả Mỹ là McIntosh, Goeldner và Ritchie cho rằng du lịch là một ngành tổng hợp của các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển và tất cả các yếu tố cấu thành khác kể cả xúc tiến quảng bá nhằm phục vụ các nhu cầu và mong muốn đặc biệt của khách du lịch. Hội nghị Liên hợp quốc về du lịch năm 1971 cũng đi đến thống nhất cần phải quan niệm rộng rãi ngành du lịch như là người đại diện cho tập hợp các hoạt động công nghiệp và thương mại cung ứng toàn bộ hoặc chủ yếu các hàng hóa và dịch vụ cho tiêu dùng của khách du lịch quốc tế và nội địa”.

Tiếp cận du lịch một cách tổng hợp, theo các tác giả Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (Giáo trình Kinh tế du lịch, 2009, tr.15): “Du lịch là sự kết hợp và tương tác của 4 nhóm nhân tố trong quá trình đáp ứng nhu cầu đi du lịch của con người, bao gồm: du khách, nhà cung ứng dịch vụ, cư dân sở tại và chính quyền địa phương nơi đón khách du lịch”.

Trên cơ sở những khái niệm được đưa ra ở trên, trong luận án này khái niệm du lịch được sử dụng như sau: Du lịch là tổng hợp các hoạt động của con người khi họ di chuyển ra ngoài nơi cư trú thường xuyên với nhiều mục đích khác nhau (trừ mục đích tìm kiếm việc làm) trong khoảng thời gian không quá một năm liên tục. Các hoạt động này là kết quả của sự tương tác qua lại giữa người đi du lịch, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, cư dân địa phương và chính quyền địa phương.

Du lịch được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau dựa trên các tiêu thức khác nhau. Theo các tác giả Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Vũ Đức Minh (Giáo trình Kinh tế du lịch, 2020) đã tổng kết lại các loại hình du lịch như sau:

- Căn cứ vào mục đích chuyến đi có: du lịch thiên nhiên (hoặc sinh thái), du lịch văn hóa, du lịch xã hội, du lịch hoạt động, du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch chuyên đề, du lịch tôn giáo, du lịch sức khỏe, du lịch dân tộc học. Hoặc cũng có thể phân chia gọn lại thành du lịch thuần túy (tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao) và du lịch có mục đích kết hợp (học tập nghiên cứu, hội họp, thể thao, kinh doanh, công tác, chữa bệnh, thăm thân,...).

- Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ có: du lịch quốc tế, du lịch trong nước, du lịch nội địa, du lịch quốc gia.

- Căn cứ vào sự tương tác của du khách đối với điểm đến du lịch có: du lịch thám hiểm, du lịch cao cấp, du lịch khác biệt, du lịch đại chúng, du lịch thuê bao,…

- Căn cứ vào đặc điểm địa lý của điểm đến du lịch có: du lịch biển, du lịch núi, du lịch thành phố, du lịch nông thôn.

- Căn cứ vào phương tiện giao thông có: du lịch xe đạp và các phương tiện thô sơ, du lịch xe máy, du lịch ô tô, du lịch tàu hỏa, du lịch tàu thủy, du lịch máy bay.

- Căn cứ vào phương tiện lưu trú có: du lịch ở khách sạn, motel, nhà trọ, homestay, làng du lịch và bãi cắm trại.

- Căn cứ vào thời gian du lịch có du lịch dài ngày và du lịch ngắn ngày. - Căn cứ vào lứa tuổi khách du lịch có: du lịch thiếu niên, du lịch thành niên, du lịch trung niên và du lịch cao niên.

- Căn cứ vào hình thức tổ chức du lịch có du lịch theo đoàn, du lịch gia đình và du lịch cá nhân.

- Căn cứ vào phương thức bán sản phẩm có du lịch trọn gói và du lịch từng phần.

b. Phát triển du lịch

Phát triển là sự tăng lên về quy mô, về chất lượng của sự vật, hiện tượng hay một hoạt động cụ thể, đồng thời là quy luật tiến hóa và là tiến trình đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

Theo đó, PTDL là sự thay đổi dần về lượng và dẫn tới sự thay đổi về chất của HĐDL theo hướng tiến bộ hơn. Cụ thể hơn, PTDL là sự gia tăng về số lượng và chất lượng của các chỉ số như số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, tổng thu từ du lịch, CSVCKT du lịch, nguồn nhân lực du lịch, mức độ thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, sự đa dạng của sản phẩm du lịch,… Ngoài những chỉ số trên, người ta còn quan tâm đến cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, tôn tạo, bảo vệ các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên,…

Ngày nay, nói đến PTDL, người ta không chỉ nói đến PTDL một cách đơn thuần mà phải phát triển theo hướng bền vững để đảm bảo sự phát triển du lịch ở thời điểm hiện tại không làm phương hại đến các giá trị trong tương lai. Luật Du lịch (2017, tr.2) cũng đã đưa ra khái niệm: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Đối với một địa phương cấp tỉnh, phát triển du lịch theo hướng bền vững của địa phương có thể hiểu như sau: Phát triển du lịch của một địa phương cấp tỉnh là sự tăng lên về số lượng và chất lượng các hoạt động du lịch diễn ra trên địa bàn tỉnh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội đồng thời đảm bảo không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên và không làm mất đi các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Phát triển du lịch tại một địa phương giúp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương thông qua các lợi ích kinh tế của du lịch; phát triển CSHT và cung cấp các tiện nghi giải trí cho cả du khách lẫn dân cư địa phương; thiết lập một chương trình phát triển phù hợp với quan điểm về kinh tế, văn hóa và xã hội của Nhà nước và của địa phương; tối ưu hóa sự thỏa mãn của du khách,…

2.1.1.2. Điều kiện phát triển du lịch của địa phương cấp tỉnh

Để du lịch của một địa phương phát triển, cần thiết phải có những điều kiện thuận lợi nhất định cho sự phát triển đó. Trong QLNN đối với PTDL thì nhiệm vụ quan trọng là tạo ra và đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển ở một mức độ phù hợp. Theo tác giả Vũ Đức Minh (giáo trình Tổng quan về du lịch, 2008), điều kiện PTDL bao gồm những điều kiện tác động đến cung về du lịch (như tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch) và điều kiện tác động đến cầu về du lịch (như thu nhập, trình độ nhận thức, thời gian nhàn rỗi của người dân; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội,…). Cụ thể như sau:

a. Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch là điều kiện đầu tiên thúc đẩy PTDL tại một địa phương. Theo Luật Du lịch (2017, tr.1-2) thì: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.”

Tài nguyên du lịch tự nhiên giúp địa phương phát triển về các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên như du lịch nghỉ núi, du lịch nghỉ biển, du lịch thể thao – mạo

hiểm,… Đặc biệt, các địa phương có nguồn nước khoáng dồi dào sẽ có điều kiện vô cùng quan trọng để phát triển một loại hình du lịch rất được quan tâm hiện nay, đó là du lịch chữa bệnh.

Trong khi đó, sự đa dạng về TNDL văn hóa là điều kiện để địa phương phát triển loại hình du lịch văn hóa – một xu hướng PTDL hiện nay do nhu cầu nghiên cứu, học hỏi, trải nghiệm nét văn hóa mới ngày càng phát triển. TNDL văn hóa gắn với đời sống hàng ngày của cư dân địa phương, trừ các lễ hội, còn lại phần lớn TNDL văn hóa có thể khai thác quanh năm nên tính mùa vụ không thực sự rõ rệt như với tài nguyên tự nhiên.

b. Hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu Luận án quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh hòa bình (Trang 40 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)