Tổ chức khám, chữa bệnh

Một phần của tài liệu đề cương khóa luận tốt nghiệp (Trang 29 - 30)

7. Bố cục đề tài

2.2.4.Tổ chức khám, chữa bệnh

Công tác từ thiện xã hội luôn được Ban Trị sự quan tâm và có sự hưởng ứng từ các tầng lớp nhân dân, vì sự thiết thực của các chương trình, do đó đã tạo nên những hiệu ứng tốt trong xã hội, trong đó bao gồm hoạt động tổ chức khám, chữa bệnh tại các cơ sở gọi là Tuệ tĩnh đường.

Tuệ Tĩnh là một thiền sư, đồng thời là nhà y học, nhà văn hóa - tư tưởng lớn của dân tộc ta. Nói đến Tuệ Tĩnh, trước hết cần khẳng định đó là một thầy thuốc Việt Nam vĩ đại, được nhân dân ta suy tôn là vị Thánh thuốc Nam, Tổ sư của nghề thuốc dân tộc. Là tác giả các tác phẩm y học kinh điển Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư và Nam Dược Thần Hiệu, nhất là với tuyên ngôn “Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt” rất nổi tiếng, Tuệ Tĩnh được xem là người đặt nền móng cho nền y dược học cổ truyền VN.

Theo cố GS Đỗ Tất Lợi, Tuệ Tĩnh không những là một nhà lý luận uyên bác, mà còn là một nhà tổ chức và thực hành lỗi lạc; người đã có sáng kiến sử dụng cơ sở nhà chùa cùng lực lượng tăng ni để xây dựng một hệ thống y tế nhân dân; biến vườn chùa thành vườn thuốc, kho thuốc để cung ứng cho việc chữa bệnh cho nhân dân. Giảng đường trong các chùa không chỉ là nơi giảng kinh kệ, mà còn là nơi truyền bá các kiến thức vệ sinh phòng bệnh và phổ biến các phương pháp, kinh nghiệm chữa bệnh.

Tương truyền, sinh thời Tuệ Tĩnh đã lần lượt xây dựng được 24 ngôi chùa, vừa là nơi tu học, vừa là cơ sở khám chữa bệnh. Một điều đáng nói là hệ thống y tế mà Tuệ Tĩnh sáng lập trải qua hàng thế kỷ vẫn tồn tại cho đến ngày nay dưới tên gọi mới là tuệ tĩnh đường. Lưu ý tên tuệ tĩnh đường có thể không viết hoa, như là danh từ chung chỉ các cơ sở y tế, chủ yếu là phòng chẩn trị thuốc nam châm cứu, đôi khi có cả khám bệnh cấp thuốc tây y, hoạt động mang tính nhân đạo từ thiện [23].

Hiện nay trên cả nước có hàng trăm cơ sở Tuệ tĩnh đường, phần lớn hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo dưới sự quản lý của các ban công tác xã hội từ thiện của các cơ sở tôn giáo. Tiêu biểu là Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm.

Được thành lập vào tháng 9 năm 1990, có trụ sở đặt tại chùa Pháp Lâm, số 574 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Tuy ban đầu, chỉ là một cơ sở đơn sơ, nhưng đến nay nhờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Trị sự Thành hội, sự quan

30

tâm, phối hợp và giúp đỡ của Sở Y tế thành phố, gần 30 năm hình thành và phát triển, Tuệ Tĩnh Đường đã được nhiều bệnh nhân nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng biết và tìm đến để chữa trị, trở thành địa chỉ quen thuộc đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh miễn phí của đồng bào nghèo tại địa phương.

Tuệ Tĩnh đường ở chùa Pháp Lâm tổ chức khám và chữa bệnh mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 1 buổi từ 8h00 đến 11h00, vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần. Với phương pháp điều trị là Đông - Tây y kết hợp, đồng thời lấy phương pháp châm cứu làm vai trò chủ đạo, mỗi đợt châm cứu từ 7 đến 15 ngày, mỗi phiên do 3 lương y phụ trách châm cứu và bấm huyệt. Theo thống kê của Tuệ Tĩnh đường, tính đến năm 2010, khi đã tròn 20 năm hoạt động, tổng số bệnh nhân đến khám đã lên tới con số 154.152 người với tổng số tiền thực chi cho người bệnh là: 1.562.689.000 đồng, tổng số lần đi vùng sâu, vùng xa của Đà Nẵng và Quảng Nam là 72 xã, phường; tổng số thuốc đông y mà Tuệ Tĩnh Đường sản xuất thành phẩm ra dạng viên và bột cấp cho bệnh nhân qua 20 năm là 8.040 kg. Tỷ lệ lành bệnh ước đạt từ 25 đến 47% [17]. Chẳng hạn như 2016, Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm được sự tài trợ của nhóm bác sĩ Văn Công Trâm, các nhóm bác sĩ các bệnh viện thành phố Đà Nẵng đến khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 người dân nghèo thuộc các xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, xã Bình Triều huyện Thăng Bình, thuộc tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, tại xã Bình Triều, H.Thăng Bình, đoàn đã khám bệnh tổng quát cho 456 người gồm: siêu âm 156 ca, đo điện tim cho 56 ca và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, trị giá hơn 21 triệu đồng Bên cạnh đó, tại chùa Tây An, xã Đại Lãnh, đoàn đã khám tổng quát cho 450 người dân, trong đó 124 ca được siêu âm, 85 ca đo điện tim và phát thuốc miễn phí trị giá hơn 20 triệu đồng [23].

Đây thật sự là những con số đầy ý nghĩa thể hiện được những đóng góp tích cực của cơ sở này trong mấy mươi năm qua. Với một động cơ làm việc tận tâm, trong sáng, không vụ lợi, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo. Hiện nay, cơ sở này đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy cho nhiều bệnh nhân nghèo tìm đến.

Một phần của tài liệu đề cương khóa luận tốt nghiệp (Trang 29 - 30)