Thành phố Thái Nguyên có tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, có điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển tập đoàn cây rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả và vật nuôi. Có tiềm năng lớn để phát triển du lịch với Hồ Núi Cốc, di tích lịch sử, cách mạng, có khu Gang Thép Thái Nguyên cái nôi của ngành thép Việt Nam. [27]
Đặc biệt, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông - lâm nghiệp, có vùng chè nổi tiếng, đứng thứ hai trong cả nước về diện tích trồng chè. Thái Nguyên cũng có nhiều loại khoáng sản như: than, sắt, đá, vôi, cát, sỏi....Trong đó, than được đánh giá là có trữ lượng lớn thứ hai trong cả nước, sau Quảng Ninh.
Trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp về khai khoáng, luyện kim, cơ khí, VLXD, hàng tiêu dùng... Khu Gang Thép Thái Nguyên được xây dựng từ những năm 60 là nơi sản xuất thép từ quặng duy nhất tại Việt Nam và hiện đang được tiếp tục đầu tư chiều sâu để phát triển. Có nhiều nhà máy Xi măng công suất lớn đã và đang được tiến hành xây dựng. Thành phố Thái Nguyên có đội ngũ cán bộ, công nhân có kinh nghiệm, năng lực, trình độ cao và đội ngũ sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ các trường Đại học, chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. [27]
Thành phố đã và đang có những chế độ ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố. Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, UBND thành phố đã tích cực cải tiến các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại thành phố theo nguyên tắc “1 cửa”, giảm thiểu thời gian khi nhà đầu tư làm thủ tục hành chính để tiến hành đầu tư hoặc kinh doanh tại thành phố. [27]
Năm 2011, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, TP. Thái Nguyên vẫn cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 13,27% ; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm (tăng 7 triệu đồng so với năm 2010) cơ cấu kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực (thương mại- dịch vụ chiếm 48,07%, công nghiệp - xây dựng chiếm 47,47% và nông - lâm nghiệp còn chiếm tỷ trọng 4,46%) giá trị sản xuất công nghiệp địa phương ước đạt 3.015 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch, tăng 10,9% so với năm 2010. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 32.200 tấn, bằng 108,82% kế hoạch thu ngân sách ước đạt 960 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch đã điều chỉnh; kết nạp được 363 đảng viên mới, đạt 103,7% kế hoạch. [27]