Trong nghiên cứu của tác giả Đặng Văn Dân (2013) về các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của 15 NHTM lớn tại Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2014. Tác giả sử dụng khe hở tài trợ được tính bằng hệ số (Tổng dư nợ tín dụng trung bình – Tổng nguồn vốn trung bình)/Tổng tài sản để đo lường rủi ro thanh khoản, các biến độc lập tác động đến rủi ro thanh khoản đó là quy mô tổng tài sản (SIZE), tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản (TLA), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và tỷ lệ lạm phát (INF). Kết quả nghiên cứu cho thấy biến quy mô tổng tài sản (SIZE) có mối quan hệ ngược chiều (-) với rủi ro thanh khoản, trong khi đó thì tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản (TLA) có mối quan hệ cùng chiều (+).
Nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thanh Nga (2018) về “Tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng: Nghiên cứu trường hợp các quốc gia Đông Nam Á”, dữ liệu 171 ngân hàng từ 9 quốc gia Đông Nam Á gồm: Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Myanma, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam trong giai đoạn 2004 – 2016. Tác giả đo lường rủi ro thanh khoản bằng 3 hệ số: Khe hở tài trợ, Dư nợ tín dụng/Tổng tài sản, Dư nợ tín dụng/(Tiền gửi khách hàng + nguồn tài trợ ngắn hạn). Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố sau: Quy mô ngân hàng (SIZE); Độ trễ thanh khoản; Chất lượng tài sản thanh khoản gồm các biến: LIA (Tài sản thanh khoản/tổng tài sản), LLR (tài sản thanh khoản/Tổng dư nơ tín dung), LADS(Tài sản thanh khoản/Tổng nguồn vốn huy động ngắn hạn); Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (ETA); Rủi ro tín dụng (LLP); Thu nhập lãi thuần (NIM); Tăng trưởng GDP (GDP); Cung tiền (M2); Lạm phát (INF); Khủng hoảng tài chính (D_CRIS). Các nhân tố trên đều có tác động đến rủi ro thanh khoản. Riêng đối với trường hợp Việt Nam (dữ liệu gồm 27 ngân hàng) nghiên cứu chưa tìm thấy bằng chứng có ý nghĩa thống kê về tác động của yếu tố khủng hoảng tài chính (D_CRIS), tăng trưởng GDP (GDP).
Nghiên cứu của tác giả Trương Quang Thông (2013) với đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của hệ thống NHTM Việt Nam” đã thu thập dữ liệu từ 27 NHTM tại Việt Nam từ năm 2002 - 2011. Theo nghiên cứu này, rủi ro thanh khoản được đo lường bằng phương pháp khe hở tài trợ FGAP được tính bằng L1 = (Tổng dư nợ tín dụng trung bình – Tổng nguồn vốn trung bình)/Tổng tài sản. Kết quả phân tích cho thấy, nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản bao gồm các yếu tố bên trong ngân hàng tác động dương đến FGAP bao gồm quy mô tổng tài sản (SIZE), sự phụ thuộc các nguồn tài trợ bên ngoài (EFD), tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản (TLA), tỷ lệ vốn tự có trên tổng nguồn vốn (ETA) và nhân tố có tương quan âm đến FGAP là tỷ lệ dự trữ thanh khoản trên tổng tài sản (LRA). Trong đó nhóm các nhân tố bên ngoài ngân hàng như tăng trưởng kinh tế (GDP), thay đổi lạm phát (INF) và thay đổi M2 (M2) đều có tác động ngược chiều với rủi ro thanh khoản.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong Chương 2 tác giả đã đưa ra cơ sở lý thuyết về thanh khoản và đặc điểm thanh khoản của ngân hàng, rủi ro thanh khoản và tác động cảu nó trong đó tác giả cũng xác định rủi ro thanh khoản được đo lường bởi chỉ số được tính như sau (Tổng dư nợ tín dụng – Tổng tiền gửi huy động)/ Tổng tài sản . Trong chương này tác giả cũng đã liệt kê những yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản bao gồm các yếu tố đến từ NHTM và các yếu tố vĩ mô. Đồng thời tác giả đã khảo lược các nghiên cứu liên quan về vấn đề này trên thế giới đã đề cập để làm cơ sở cho nghiên cứu này tại các chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU