7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên tỉnh Đắk Lắk
2.1.1.1. Vị trí địa lý
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở vị trí trung tâm Cao nguyên Trung Bộ với độ cao trung bình của tỉnh 500 - 800 m so với mực nước biển. Có diện tích tự nhiên là 1.306.201 ha, dân số khoảng 1,8 triệu người, bao gồm 47 dân tộc anh em sinh sống và cư trú trên địa bàn.
Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hoà, phía Nam giáp Lâm Đồng và Bình Phước; phía Tây giáp Campuchia và tỉnh Đắk Nông với đường biên giới dài 70 km. Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk. Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của Tỉnh và cả vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, có quốc lộ 14 chạy qua nối với thành phố Đà Nẵng qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và nối với thành phố Hồ Chí Minh qua Đắk Nông, Bình Phước và Bình Dương, là vùng đất nổi tiếng về cà phê, cao su và lễ hội. Đơn vị quản lý hành chính của tỉnh gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, Thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea H’leo, Ea Soup, Krông Năng, Krông Buk, Buôn Đôn, Cư’Mgar, Eakar, M’Đrăc, Krông Pắk, Krông Ana, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin [38].
Hình 2.1: Bản đồ hành chính tỉnh Đắk Lắk
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk 2.1.1.2. Ðịa hình
Vùng núi cao tập trung ở phía Nam và phía Ðông Nam, chiếm 35% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có độ cao trung bình từ 1.000-1.200m, trong đó có ngọn Chư Yang Sin cao 2.405m. Vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột và phụ cận có địa hình tương đối bằng, chiếm 53,5% diện tích tự nhiên, có độ cao trung bình 450 mét, địa hình vùng thấp trũng chiếm 12% diện tích tự nhiên, tập trung ở các huyện Krông Ana, Krông Nô, Lắk và bình nguyên Ea Súp [38].
2.1.1.3. Khí hậu
Do đặc điểm vị trí địa lý, địa hình nên khí hậu ở Đắk Lắk vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu cao nguyên mát dịu. Song chịu ảnh hưởng mạnh nhất chủ yếu vẫn là khí hậu Tây Trường sơn, đó là nhiệt độ trung bình không cao, mùa hè mưa nhiều ít nắng bức do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây nam, mùa đông mưa ít. Vùng phía Đông và Đông Bắc thuộc các huyện M’Đrăk, Ea Kar, Krông Năng là vùng khí hậu trung gian, chịu ảnh hưởng khí hậu Tây và Đông Trường Sơn.
Nhìn chung, thời tiết chia làm 2 mùa khá rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 kèm theo gió Tây Nam thịnh hành, các tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 7,8,9, lượng mưa chiếm 80-90% lượng mưa năm. Riêng vùng phía Đông do chịu ảnh hưởng của Đông Trường Sơn nên mùa mưa kéo dài hơn tới tháng 11. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong mùa này độ ẩm giảm, gió Đông Bắc thổi mạnh, bốc hơi lớn, gây khô hạn nghiêm trọng, nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là 240C. Ðộ ẩm tương đối trung bình 81% không có bão, khí hậu 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng năm 5 đến tháng 11 chiếm trên 70% lượng mưa cả năm, với lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 -2.500 mm/năm [38].
Đắk Lắk có mạng lưới sông suối rất dày với một số sông chính như sông Krông H’Năng, sông Ea H'leo, sông Đồng Nai, sông Sêrêpôk; nhưng lớn nhất là dòng sông Sêrêpôk dài 322 km, bắt nguồn từ hai nhánh nhỏ là sông Krông Ana và sông Krông Nô. Dòng sông Sêrêpôk có nhiều thác ghềnh hùng vĩ và hoang sơ, là những điểm du lịch hấp dẫn như thác Trinh Nữ, Thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh... Ở Đắk Lắk có một số hồ lớn tự nhiên, như Hồ Ea RBin-Nam Kar, Hồ Lắk, một số hồ lớn nhân tạo, như Hồ Buôn Triết, Hồ Buôn Tría, Hồ Ea Kao, Hồ Ea Súp thượng... Tuy là một tỉnh cao nguyên, nhưng ở đây có đến trên 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn nhỏ, với 47.000 ha mặt nước, một tiềm năng không nhỏ về phát triển chăn nuôi thủy sản. Hiện tại, Đắk Lắk đang giữ kỉ lục Việt Nam về tỉnh có nhiều hồ nhất [38].