7. Kết cấu của Luận án
2.2.1. Khái niệm quyền của người khuyết tật trong pháp luật ansinh xã hội
2.2.1.1. Khái niệm quyền của người khuyết tật
Quyền con người hay nhân quyền (human rights) là vấn đề mang tính chính trị pháp lý, xuất hiện từ rất sớm. Tư tưởng về quyền con người được xuất hiện từ thời kỳ cổ đại23 và từ đó cho đến nay tư tưởng về quyền con người đã, đang và sẽ tiếp tục được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc gia và quốc tế.
Quyền con người được ghi nhận trong một số văn kiện quốc tế và khu vực như UDHR, ICESCR, ICCPR, CEDAW, CRC, CRPD... Công ước châu Âu về Nhân quyền năm 1950, Công ước châu Mỹ về Nhân quyền năm 1969, Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc năm 1981, Hiến chương Ả Rập về quyền con người năm 1994 sửa đổi năm 2004; Tuyên bố nhân quyền ASEAN năm 2012... Trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam năm 1945... cùng nhiều bản hiến pháp của các quốc gia trên thế giới hiện nay đều ghi nhận tư tưởng quyền con người.
Những văn bản của Liên hợp quốc, khu vực hay quốc gia đều ghi nhận về quyền con người nhưng không có văn bản nào đưa ra định nghĩa về quyền con người. Đoạn 1, Lời nói đầu Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 2018 khẳng định
“thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại”; Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776 ghi nhận “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Khái niệm quyền con người được đề cập trong một số tài liệu trong nước và nước ngoài. Ở phạm vi quốc tế, định nghĩa quyền con người của Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc được sử dụng khá phổ biến, theo đó quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà
23 Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.49
làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự cho phép và tự do cơ bản của con người24. Một số tài liệu trong nước định nghĩa về quyền con người như sau: Quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thoả thuận pháp lý quốc tế25. Quyền con người là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích, năng lực vốn có và chỉ có ở con người – với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại, được thể chế hoá trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia26.
Qua đó có thể thấy, quyền con người là quyền bẩm sinh, vốn có, là quyền tự nhiên, con người sinh ra đã được hưởng. Tuy nhiên, quyền tự nhiên, vốn có đó chỉ trở thành quyền con người khi được nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện bằng pháp luật.
Từ đó, có thể hiểu quyền con người là những lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được pháp luật quốc tế và quốc gia ghi nhận và bảo vệ.
Quyền con người là quyền vốn có dành cho tất cả mọi người, là giá trị thuộc về toàn nhân loại, không phụ thuộc vào sự thừa nhận của một quốc gia hay tổ chức nào và nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng những quyền đó. Quyền của NKT là quyền con người của NKT tồn tại bên cạnh quyền con người của những nhóm người khác như quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền người cao tuổi, quyền người thiểu số, quyền NLĐ...
Quyền của NKT được ghi nhận bình đẳng, không phân biệt đối xử trong các văn kiện của Liên hợp quốc như UDHR, ICCPR, ICESCR. Những văn kiện này ghi nhận quyền con người và quyền một số nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người thiểu số nhưng không đề cập đến quyền NKT. Tính đến thời điểm trước năm 2007 chỉ có duy nhất 2 công ước quốc tế của Liên hợp quốc có giá trị pháp lý ràng buộc đề cập trực tiếp đến quyền của NKT là CEDAW (Điểm e Khoản 1 Điều 11) và CRC (Điều 23).
Qua đó cho thấy NKT cũng có những quyền cơ bản và bình đẳng hưởng quyền như các chủ thể khác, mặc dù, sự thừa nhận đó chưa được ghi nhận trong một văn bản thống nhất về NKT. Cho đến khi Công ước Quyền của người khuyết tật (Công ước CRPD) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày
24
United Nation (1994), Human rights: Question and answer, tr.4
25Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.38.
26
Trung tâm nghiên cứu quyền con người Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2002), Giáo trình lý luận về quyền con người, Hà Nội, tr.31
13/12/2006 và được mở để ký vào ngày 30/3/2007. Sau khi được nước thứ 20 phê chuẩn, Công ước có hiệu lực vào ngày 03/5/2008. Tính đến tháng 3 năm 2021, gồm 190 quốc gia và Liên minh châu Âu gia nhập, phê chuẩn Công ước27.
Công ước CRPD đã tạo ra sự thay đổi quan trọng về thái độ và cách tiếp cận đối với NKT, từ việc xem NKT là “đối tượng” của từ thiện, điều trị y tế và bảo trợ xã hội tới việc việc xem NKT là “chủ thể” có quyền, có khả năng thực hiện những quyền đó và đưa ra quyết định cho cuộc sống của chính mình dựa trên sự tự do và bình đẳng cũng như việc trở thành một thành viên tích cực của xã hội28.
Công ước ghi nhận đầy đủ các quyền cơ bản mà NKT trên mọi lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Bên cạnh đó, Công ước CRPD còn ghi nhận các quyền dành riêng cho NKT như quyền được cung cấp những dịch vụ y tế đặc biệt, quyền được tập luyện, phục hồi chức năng, quyền được tiếp cận bình đẳng trên cơ sở loại bỏ những rào cản và chướng ngại... Công ước đưa ra các biện pháp thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho NKT được hưởng thụ đầy đủ các quyền và bình đẳng thụ hưởng quyền. Công ước CRPD đặc biệt quan tâm đến tính chất tổn thương kép của phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Bởi phụ nữ và trẻ em khuyết tật đặc biệt là trẻ em gái khuyết tật thường dễ bị bạo hành, thương tổn hoặc lạm dụng, bị đối xử vô trách nhiệm hoặc bất cẩn, ngược đãi hay bóc lột29.
Qua đó, có thể hiểu quyền của NKT là tất cả các quyền tự nhiên, vốn có của con người được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo vệ.
Quyền của NKT trước hết là quyền con người nên quyền NKT có đầy đủ đặc điểm của quyền con người. Kể từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 được thông qua thì cộng đồng quốc tế đã công nhận quyền con người có một số đặc trưng như: Quyền con người là bất khả xâm phạm; quyền con người là không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau; quyền con người là phổ quát.
Bên cạnh những đặc điểm chung với quyền con người, quyền của NKT còn có những đặc điểm riêng. Có hai lý do khiến quyền của NKT có một số đặc điểm riêng: thứ nhất, NKT có sự khác biệt về cơ thể so với những người khác. NKT bị khiếm khuyết bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật, khiến cho NKT có nhu cầu thụ hưởng một số quyền ở mức cao hơn so với
27https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-15&chapter=4&clang=_en , truy cập ngày 25/11/2019
28 https://www.un.org/development/desa/disabilities/convention-on-the-rights-of-persons-with- disabilities.html , truy cập ngày 25/11/2019
29
Arthur O’Reilly, The right to decent work of persons with disabilities, International Labour Office – Geneva, tr.48
những người không khuyết tật. Phụ thuộc vào dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật thì những nhu cầu này được biểu hiện khác nhau. Thứ hai, do dạng tật tương tác với rào cản xã hội, đây là lý do chính cản trở NKT thụ hưởng quyền, nên rất cần loại bỏ rào cản này để NKT được bình đẳng thụ hưởng quyền như những người không khuyết tật.
Thứ nhất, quyền của NKT phụ thuộc vào dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật. NKT có những khiếm khuyết về cơ thể, tâm sinh lý, trí tuệ dẫn đến có nhiều
dạng khuyết tật khác nhau như khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Với mỗi dạng khuyết tật lại gây ra những khó khăn riêng cho NKT khi tham gia vào các hoạt động của cuộc sống. Do đó, để NKT có thể bình đẳng thụ hưởng quyền con người thì NKT cần có một số quyền riêng, những quyền riêng này không phải là những quyền mới mà đây là những quyền làm cơ sở để NKT thực hiện các quyền con người chung. Ví dụ để thực hiện quyền tiếp cận thông tin thì NKT nghe/nói có quyền được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, NKT nhìn có quyền sử dụng chữ nổi Braille; để tham gia bình đẳng vào một số quan hệ pháp luật thì NKT tâm thần, trí tuệ có quyền có người đại diện theo pháp luật...
Bên cạnh đó, một số quyền con người của NKT cần được nhấn mạnh và mở rộng hơn. Nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ của NKT thường xuyên hơn so với người không khuyết tật nên quyền được chăm sóc sức khoẻ của NKT cần phải được quy định rõ hơn và có những ưu tiên hơn người không khuyết tật; NKT thường gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khó khăn nên nhu cầu được đảm bảo mức sống và trợ giúp cao hơn so với người bình thường; quyền được đối xử bình đẳng và không bị phân biệt đối xử30; quyền được tạo điều kiện để NKT đạt được và duy trì sự độc lập ở mức tối đa...
Mức độ khuyết tật thường được chia thành khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng, khuyết tật nhẹ. Tuỳ thuộc vào mức độ khuyết tật, một số quyền con người của NKT cần được quan tâm hơn. NKT đặc biệt nặng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc độc lập tham gia bình đẳng vào các hoạt động của cuộc sống, nên NKT đặc biệt nặng cần được hưởng các quyền ưu đãi hơn NKT nặng và NKT nhẹ về mức hưởng TCXH hàng tháng, quyền lợi y tế, quyền lợi trong giáo dục, việc làm...
30 Cụm từ “bình đẳng” xuất hiện trong Lời nói đầu và hầu hết các điều luật về quyền của NKT trong CRPD. Cụm từ “bình đẳng” xuất hiện 4 lần tại các Điều 19; Điều 24, Điều 30 và xuất hiện 5 lần trong Điều 27.
Một số NKT có thể dễ bị phân biệt đối xử hơn gấp đôi do có nhiều dạng tật, tuổi, giới tính hay tình trạng xã hội, họ thuộc những người “tổn thương kép” do vậy họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận quyền ASXH. Do đó, đối với phụ nữ khuyết tật, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, người đa khuyết tật như người vừa khuyết tật nhìn vừa khuyết tật nghe/nói; người vừa khuyết tật tâm thần, vừa khuyết tật vận động... thì những NKT này có các quyền ưu đãi hơn so với NKT khác.
Thứ hai, quyền của NKT được thực hiện bằng việc hạn chế hoặc xoá bỏ
những rào cản xã hội.
NKT thường gặp nhiều khó khăn để thực hiện quyền do họ thường xuyên gặp phải những rào cản xã hội. Có ba loại rào cản xã hội chính là rào cản về thái độ; rào cản về nhân lực, vật lực và rào cản về chính sách:
Rào cản về thái độ là một rào cản vô hình nhưng lại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc NKT được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội. Nhiều gia đình có NKT có thái độ coi thường, ruồng bỏ, hắt hủi NKT, coi NKT là tai hoạ, gánh nặng cả cuộc đời. Nhiều người có tâm lý coi NKT là vô dụng, không có khả năng gì và NKT sẽ thật hạnh phúc nếu họ được sống, học tập, lao động cùng với những NKT. Bản thân nhiều NKT có tâm lý mặc cảm, tự ti đã làm xói mòn niềm tin và ý chí vươn lên của chính họ.
Rào cản về nhân lực, vật lực là rào cản lớn nhất khiến cho người có khiếm khuyết trở thành NKT. Do cơ sở vật chất thiết kế không phù hợp với từng dạng tật nên NKT gặp khó khăn để tiếp cận với giao thông, trường học, cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng, khu vui chơi giải trí, khu du lịch... để thực hiện các quyền của mình như những người bình thường. Cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan, tổ chức có cung ứng những dịch vụ có NKT tham gia chưa có nhiều kỹ năng làm việc với NKT, điều đó cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của NKT.
Rào cản về thể chế cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng khuyết tật. Các rào cản về thể chế gồm luật, chính sách, kế hoạch, đề án, phân bổ nguồn lực... thể hiện sự phân biệt đối với NKT. Nhiều quốc gia vẫn có những luật hạn chế, đặc biệt là hạn chế quyền NKT tâm thần hoặc trí tuệ. Ví dụ, ở nhiều quốc gia, NKT bị hạn chế mở tài khoản ngân hàng hoặc không được sở hữu, thừa kế tài sản31. Cũng có thể không nhằm mục đích phân biệt đối xử nhưng các hệ thống pháp luật có thể gián tiếp loại trừ NKT bằng cách không tính đến nhu cầu của họ32.
31
Kathy Al Ju’beh, Disability inclusive development toolkit, Christian blind mission (CBM), 2015 32
Pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia cần phải quy định những biện pháp cụ thể, cần thiết để hạn chế hoặc loại bỏ những rào cản trong cuộc sống. Khi những ranh giới về rào cản xã hội mờ đi hoặc loại bỏ hoàn toàn thì khi đó, NKT mới dễ dàng thực hiện quyền con người của mình.
Thứ ba, đảm bảo quyền của NKT phụ thuộc vào nhận thức của nhà nước và
xã hội.
Nhận thức của nhà nước, xã hội về NKT và quyền của NKT sẽ ảnh hưởng đến mức độ đảm bảo quyền của NKT. Sự khác biệt giữa các nền văn hóa trong cách giải thích về khuyết tật cho thấy rằng cuộc sống của NKT trở nên khó khăn hơn không phải do tình trạng khuyết tật mà theo cách xã hội giải thích và phản ứng với tình trạng khuyết tật33. Nhận thức của nhà nước sẽ quyết định đến nội dung chính sách pháp luật. Nhận thức của cộng đồng xã hội sẽ quyết định đến thái độ và cách hành xử đối với NKT.
Nhà nước coi NKT là đối tượng y tế thì nhà nước sẽ tập trung chữa lành những khiếm khuyết, tuy nhiên việc làm này rất khó thực hiện. Nhà nước coi NKT là đối tượng đặc biệt thì NKT sẽ được đối xử đặc biệt như giáo dục đặc biệt, giao thông đặc biệt... từ đó NKT sẽ càng bị tách ra khỏi xã hội. Nhà nước và xã hội coi việc thực hiện quyền của NKT là việc làm nhân đạo thì khi đó chỉ có nhà nước có trách nhiệm thực hiện quyền NKT, còn những chủ thể khác thực hiện các hoạt động vì NKT bằng tấm lòng từ thiện. Nếu nhà nước và xã hội hiểu về NKT và quyền của NKT như trên sẽ dẫn đến quyền của NKT được thực hiện không đầy đủ, NKT có khả năng bị loại trừ ra khỏi cộng đồng.
Còn khi nhà nước và xã hội tiếp cận NKT dưới góc độ xã hội và tiếp cận quyền NKT dưới góc độ quyền con người thì NKT sẽ được coi là chủ thể quyền, được tham gia bình đẳng và trọn vẹn vào mọi hoạt động cuộc sống. Khi đó, nhà nước và xã hội sẽ cùng có trách nhiệm xoá bỏ những rào cản xã hội đã cản trở NKT tiếp cận quyền. Nếu tiếp cận theo góc độ này thì quyền NKT sẽ được thực hiện đầy