3. Ý nghĩa khoa học của đề tài
3.1.1. Nguyên tắc thiết kế BTNT
Để xác định hệ thống các nguyên tắc dạy học, lí luận dạy học, người ta dựa trên những cơ sở như: Mục đích giáo dục, tính quy luật của quá trình dạy học, hoạt động nhận thức và những đặc điểm tâm lí của HS.
Khi xác định các nguyên tắc thiết kế BTNT trong dạy học phần Sinh thái học ngoài việc quán triệt những nguyên tắc chung thuộc lí luận dạy học, thì cũng phải xem xét đến tính đặc thù của môn học và cách tiếp cận hợp lí nhất khi nghiên cứu nội dung môn học đó.
Khi xây dựng hệ thống BTNT nhằm nâng cao khả năng tự học của HS trong dạy học phần Sinh thái học, chúng tôi tuân thủ các nguyên tắc sau:
a. Bám sát mục tiêu dạy học
Mục tiêu dạy học là mục tiêu rộng hay mục tiêu cụ thể đến từng đơn vị bài học ứng với các nội dung nhất định đều được hiểu là cái đích và yêu cầu cần phải đạt được của quá trình dạy học. Các lĩnh vực phẩm chất phải đạt được của quá trình dạy học là: Kiến thức, hành vi, thái độ, theo đó khi thiết kế mục tiêu cho dạy học phần này nói chung, cho từng bài học phải phản ánh các lĩnh vực đó, cụ thể là: Sau mỗi bài HS phải có sự chuyển biến, tiến bộ về kiến thức, về kĩ năng, hành động trí tuệ, hoạt động thực hành, về thái độ và khả năng giải thích một số hiện tượng khoa học trong tự nhiên…
Do đó, khi thiết kế BTNT phải bám sát mục tiêu dạy học, nghĩa là các CH, BT, bài toán đó cho phép định hướng sự tìm tòi, suy nghĩ của HS để lí giải một hiện tượng xảy ra hay một tri thức nào đó trong bài. Qua đó rèn luyện kĩ năng tư duy và hành động trong nhân cách của HS.
Thực chất của việc xác định mục tiêu bài học là xác định yêu cầu cần đạt được của người học sau khi học bài học đó chứ không phải là việc mô tả những yêu cầu
về nội dung mà chương trình quy định, nó không phải là chủ đề của bài học, mà là cái đích phải đạt tới; nó chỉ là nhiệm vụ học tập mà HS phải hoàn thành.
Mục tiêu bài học đặt ra cho HS thực hiện phải được diễn đạt ngắn gọn, cụ thể bằng những động từ, hành động cho phép dễ dàng đo được kết quả của các hành động học tập của HS.
b. Đảm bảo tính chính xác của nội dung
Để mã hóa nội dung dạy học thành BTNT cần đảm bảo tính chính xác, khoa học. Nếu thiết kế mà không đảm bảo được tính chính xác của nội dung thì việc định hướng tìm tòi của HS sẽ không đạt được mục tiêu dạy học.
Nội dung kiến thức Sinh thái học là những nội dung có tính thực tiễn cao, phải có khả năng tư duy cao thì mới hiểu được các quy luật, hiện tượng một cách cặn kẽ. Việc dạy học ở phổ thông lại không được qua thực nghiệm nên biện pháp khắc phục có hiệu quả theo chúng tôi là sử dụng các BTNT để HS có và hiểu được kiến thức đó.
c. Đảm bảo phát huy tính tích cực của HS
Dạy học phải thực hiện nhiệm vụ phát triển trí tuệ HS, nên việc dạy học không dừng lại ở việc dạy kiến thức, mà quan trọng hơn là việc dạy phương pháp để HS tự chiếm lĩnh kiến thức, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu suốt đời. Trong bối cảnh kiến thức khoa học tăng tốc như hiện nay, giải pháp “tăng khối lượng kiến thức” bằng phương pháp nhồi nhét, học thuộc lòng sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực cho nhiều thế hệ. Lối thoát duy nhất mà cha ông ta để lại đó là vạch ra: “Học một biết mười”, tức là học phương pháp học. Phương pháp học trở thành nội dung, mục tiêu học tập. Có như vậy, thì chúng ta mới có thể đạt mục tiêu đào tạo con người tự chủ, năng động, sáng tạo, cho nên phải đặt vấn đề đổi mới phương pháp theo hướng pháp huy tối đa tính tích cực của HS.
Để phát huy được tính tích cực của HS thì bài toán phải đảm bảo tính vừa sức, tính kế thừa và phát triển phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi của đa số HS nhằm phát huy tính tự giác, tích cực và sáng tạo. Bên cạnh đó bài toán phải thể hiện được tính chất phân hóa theo năng lực của cá nhân HS trong quá trình dạy học. Để đạt được như vậy thì bài toán phải được xây dựng và sử dụng sao cho có thể tạo ra động lực tìm tòi cái mới, tức là tạo ra mâu thuẫn chủ quan giữa cái chưa biết và cái đã biết ở
HS. Ở đây, cũng cần hiểu là khi bài toán trở thành công cụ - biện pháp dạy học, thì chúng phải được thiết kế và sử dụng theo một hệ thống, trong đó có sự phối hợp sư phạm giữa bài toán có yêu cầu thấp và những bài toán có yêu cầu cao hơn.
d. Đảm bảo nguyên tắc hệ thống
Nội dung môn học là đối tượng trực tiếp của hoạt động nhận thức của HS. Nội dung môn học luôn được biên soạn một cách có hệ thống. Tính hệ thống đó được quy định bởi chính nội dung khoa học phản ánh đối tượng khách quan có tính hệ thống, bởi logic hệ thống trong hoạt động, tư duy của HS và bởi bản chất logic của CH, BT, BTNT. Vì vậy, từng CH, BT khi đưa vào sử dụng phải được sắp xếp theo một logic hệ thống cho từng nội dung giáo khoa, cho một bài, cho một chương, cả chương, cả phần trong phân môn và môn học.
e. Đảm bảo tính thực tiễn
Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên lí giáo dục của Đảng: Học đi đôi với hành – lý luận gắn liền với thực tiễn – nhà nước gắn liền với xã hội. Việc thiết kế các CH, BT, BTNT để tổ chức dạy học các kiến thức Sinh thái học gắn với thực tiễn, làm cơ sở để giải thích các hiện tượng, vấn đề trong Sinh thái học.