Hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của công ty có xu hướng giảm dần trong năm 2020. Chính vì vậy công ty cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của công ty. Cụ thể đó là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động bởi lẽ, hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh chịu tác động trực tiếp của số vòng quay vốn lưu động, bên cạnh đó cũng cần quản trị tốt hiệu quả sử dụng vốn cố định.
* Các giải pháp nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng vốn lưu động
Hiệu suất sử dụng vốn lưu động của công ty trong những năm 2018, 2019 và 2020 có xu hướng biến động không ổn định. Do đó, để nâng cao được hiệu suất và hiệu quả sử dụng vốn lưu động thì công ty cần quản trị VLĐ tốt hơn bằng các cách sau:
Thứ nhất: Công ty cần quản trị tốt hơn hàng tồn kho để nâng cao hiệu suất sử dụng hàng tồn kho
Số vòng luân chuyển hàng tồn kho giảm cho thấy tốc độ luân chuyển hàng tồn kho chậm vì thế công ty cần phải quản trị hàng tồn kho tốt hơn nữa. Hàng tồn kho là nhân tố ảnh hưởng gián tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn của Công ty nên Công ty phải quản lý tốt hàng tồn kho để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình. Để quản lý tốt vốn dự trữ hàng tồn kho cần phối hợp từ khâu mua sắm,vận chuyển, dự trữ vật tư đến dự trữ thành phẩm, hàng hóa để bán. Trong đó, cần chú trọng một số biện pháp sau;
- Cần xác định đúng đắn số lượng, chất lượng nguyên vật liệu, vật tư đầu vào cần mua trong kỳ và lượng tồn kho dự trữ hợp lý cho các công trình.
- Tăng cường đàm phán để nhận những ưu đãi hơn về giá, thời gian giao hàng, điều kiện giao hàng. Tiến hành mua tập trung vật tư của cả dự án thay vì từng đơn
đặt hàng nhỏ lẻ để tận dụng chiết khấu thương mại được hưởng. Rà soát lại toàn bộ điều kiện giao hàng, điều kiện vận chuyển để giảm chi phí vận chuyển, xếp dỡ. Để có thể chủ động trong việc tìm kiếm nhà cung cấp, Công ty cần tăng cường hoạt động nghiên cứu các nguyên vật liệu đầu vào.
- Thường xuyên theo dõi sự biến động của thị trường vật tư đầu vào. Dự kiến xu thế biến động trong thời kỳ tới để có quyết định điều chỉnh phù hợp với việc mua sắm, dự trữ vật tư, hàng hóa có lợi cho công ty trước sự biến động của thị trường. Cho nên, Công ty cần xây dựng kế hoạch hợp lý.
- Tổ chức tốt công tác thi công đảm bảo tiến độ. Có chế độ thưởng tài chính nếu vượt tiến độ nhằm khích lệ tinh thần làm việc.
- Thực hiện lập dự phòng, giảm giá hàng tồn kho, bảo toàn vốn lưu động.
Thứ hai: Công ty quản lý chặt chẽ các khoản phải thu.
Như ở chương 2, phần thực trạng đã phân tích, khoản phải thu chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng tài sản lưu động của Công ty, đặc biệt là khoản phải thu của khách hàng. Việc kiểm soát khoản phải thu liên quan đến việc đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro. Nếu khoản phải thu quá cao sẽ mất đi cơ hội đầu tư và lợi nhuận. Mặt khác, khi số lượng các khoản phải thu nhiều, giá trị các khoản phải thu lớn thì Công ty phải tốn kém chi phí cho việc đòi nợ, chi phí cho việc tìm kiếm các nguồn vốn khác để bù đắp cho nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi thời gian tồn đọng các khoản phải thu kéo dài, thì các chi phí mất mát này sẽ tăng lên đáng kể. Thậm chí có thể không đòi được nợ gây thất thoát, tổn thất lớn… Do vậy, Công ty phải đặc biệt quan tâm trong việc quản lý chặt chẽ và giải quyết tốt các khoản phải thu.
Quản lý tốt các khoản phải thu giúp Công ty chủ động xác định luồng tiền vào Công ty, xác định lượng tiền cần dự trữ trong quá trình kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Để thực hiện được việc cấp tín dụng cho khách hàng thì vấn đề quan trọng của nhà quản lý là phải phân tích khả năng tín dụng của khách hàng. Công việc này phải bắt đầu bằng việc doanh nghiệp phải xây dựng một tiêu chuẩn tín dụng hợp lý, sau đó là việc xác minh phẩm chất tín dụng của khách hàng tiềm năng. Nếu tiềm năng tín dụng của khách hàng phù hợp với những tiêu chuẩn tối thiểu mà doanh nghiệp đưa ra thì tín dụng thương mại có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, việc thiết lập các tiêu chuẩn tín dụng của các nhà quản trị tài chính phải đạt tới sự cân bằng thích hợp. Nếu tiêu chuẩn tín dụng đặt ra quá cao sẽ loại bỏ nhiều khách hàng tiềm năng và sẽ giảm lợi nhuận, còn nếu tiêu chuẩn đặt ra quá thấp có thể làm tăng doanh thu nhưng sẽ có nhiều khoản tín dụng có rủi ro cao và chi phí thu tiền cũng cao. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách tín dụng hợp lý, hiệu quả và cân đối.
- Đối với khách hàng chủ chốt (thường là những khách hàng mua hàng với doanh số lớn, thời gian làm việc trên 5 năm): tăng cường quản lý các khoản phải thu, lập mô hình tuổi nợ giúp Công ty theo dõi chi tiết thời hạn thanh toán. Lịch thu các khoản nợ phải được phân loại theo thời gian đáo hạn hay thời gian thanh toán, đảm bảo khách hàng thanh toán đúng thời hạn đã quy định của Công ty, tránh để tình trạng khoản thu rơi vào tình trạng nợ khó đòi.
- Đối với khách hàng mới (thời gian làm việc < 5 năm):
+ Thời hạn thanh toán: Những khách hàng mới với mức độ tin cậy chưa cao, nên áp dụng phương pháp thanh toán ngay hoặc yêu cầu lập bảo lãnh thanh toán vô điều kiện và không hủy ngang với những điều kiện và thời gian bảo lãnh cụ thể.
+ Điều khoản tín dụng: Áp dụng biện pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hạn chế vốn bị chiếm dụng như chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại, phạt vi phạm quá thời hạn.
Quản lý chặt chẽ các khoản phải thu cần kiên quyết thực hiện thu đúng hạn, thu hết các khoản thu tới hạn bằng cách sắp xếp chúng theo độ dài thời gian để theo dõi và có biện pháp giải quyết các khoản phải thu khi đến hạn, theo dõi kỳ thu tiền bình quân khi thấy kỳ thu tiền bình quân tăng lên mà doanh thu không tăng có nghĩa là Công ty đang bị ứ đọng ở khâu thanh toán cần phải có biện pháp kịp thời để giải quyết. Từ đó, giúp Công ty tiết kiệm chi phí vốn trong sản xuất kinh doanh, tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ ba: Xác định chính sách bán chịu phù hợp.
Khi ký kết hợp đồng, đặc biệt là với các bạn hàng mới, các hợp đồng có giá trị lớn, trước hết công ty cần phải làm tốt công tác kiểm tra xem xét tình hình tài chính của khách hàng, có thể từ chối với những khách hàng có khả năng tài chính yếu kém hoặc nợ nần dây dưa. Trong các hợp đồng ký kết mới, công ty phải quy định chi tiết
và rõ ràng về các điều khoản về thanh toán như: thời hạn thanh toán (ví dụ : tạm ứng giá trị hợp đồng trước, lập bảo lãnh thanh toán,…), phương thức thanh toán (phải thanh toán qua hệ thống ngân hàng)… Bên cạnh đó, công ty cũng cần quy định cả hình thức phạt khi khách hàng vi phạm kỷ luật về thời gian thanh toán thông qua lãi suất phạt và cả biện pháp khuyến khích khi khách hàng thực hiện thanh toán nhanh, thanh toán sớm như: giảm giá hàng bán, chiết khấu bán hàng,.. Tuy nhiên, Công ty cần lưu ý vấn đề: các chính sách khuyến khích bán hàng, thanh toán hay các chính sách phạt đều phải dựa trên lãi suất bình quân liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh giao dịch để tránh tình trạng phạt quá nặng hoặc chiết khấu, giảm giá quá nhiều sẽ gây bất lợi cho Công ty về doanh thu.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng tiền qua việc duy trì lượng tiền mặt hợp lý và huy động vốn vay từ nhiều nguồn khác nhau
* Các giải pháp nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng vốn cố định
Vốn cố định là bộ phận quan trọng cấu thành nên vốn kinh doanh của công ty. Mặc dù trong các năm 2018, 2019 và 2020 thì hiệu suất sử dụng vốn cố định có xu hướng tăng. Để nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng vốn cố định của công ty thì cần có các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác kiểm kê, đánh giá thực trạng vốn cố định và tài sản cố định hiện có: Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định. Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển thì việc kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định thường xuyên nhằm hạn chế hao mòn vô hình của tài sản cố định. Việc tiến hành kiểm kê đánh giá lại tài sản cố đinhk không phải chỉ tiến hành một kỳ hoặc một số kỳ nào đó mà phải được tiến hành thường xuyên theo định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những mặt tích cực, tiêu cực trong công tác quản lý, sử dụng tài sản cố định. Việc tiến hành kiểm kê tài sản cố định phải được tiến hành theo các loại giá bao gồm nguyên giá, giá trị còn lại, giá khôi phục hoàn toàn và giá khôi phục còn lại nhằm phản ánh đầy đủ hiện trạng và biến động về giá trị của tài sản cố định do hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình sau một thời gian sử dụng.
- Tăng cường các biện pháp nhằm bảo toàn vốn cố định
Bảo toàn vốn cố định trước hết phải duy trì thường xuyên hình thái vật chất, đặc tính sử dụng, năng lực sản xuất kinh doanh ban đầu của tài sản hiện có. Điều đó có
nghĩa là trong quá trình sử dụng công ty không được làm mất mát tài sản cố định, thực hiện đúng quy chế sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa lớn nhằm duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của tài sản cố định, không để tài sản cố định xuống cấp, hỏng trước thời hạn quy định
Trên góc độ tái sản xuất tài sản cố định, bảo toàn vốn cố định là phải duy trì được sức mua của vốn cố định ở thời điểm hiện tại so với thời điểm bỏ vốn đầu tư ban đầu, bất kể sự biến động của giá cả, thay đổi về tỷ giá hối đoái hoặc ảnh hưởng của tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
- Tập trung quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản cố định.