tốt của chúng ta, họ giúp chúng ta thay đổi quan niệm đưa ra ý kiến tốt để giúp đỡ, khích lệ, khuyên nhủ chúng ta.
Kinh Phật đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thiện tri thức. Trong kinh thiện tri thức còn gọi là “đại tri thức” chủ yếu chỉ những vị cao tăng, Bồ-tát đã đắc đạo. Ví dụ như Thiện Tài Đồng Tử trong “Kinh Hoa Nghiêm”, ngài đã từng theo học 53 vị Bồ-tát, mỗi vị Bồ-tát đều cung cấp cho ngài những phương pháp và quan niệm của họ để có làm tăng thêm trí tuệ, có những chỉ dẫn quan trọng về phương diện trí tuệ, từ bi. Vì vậy những vị này đã có những bậc đại thiện tri thức giúp đỡ ngài nhanh chóng thành Phật.
Ngoài đại thiện tri thức còn có các bậc thiện tri thức mà chúng ta có thể gặp ở mọi nơi. Thậm chí chỉ cần là người đã từng giúp đỡ bạn, cho dù dùng bất cứ phương thức nào đều gọi là thiện tri thức, vì vậy bất luận là người đi trước hay cùng tuổi, ít tuổi hơn đều có thể là những thiện tri thức của bạn. Gần gũi với các bậc thiện tri thức có thể khiến cho nhân cách của bạn phát triển, tăng thêm trí tuệ, cũng có thể khiến bạn được bình an, gia đình vui vẻ, công việc thuận lợi.
Tuy nhiên, thông thường nếu thiện tri thức chỉ giúp bạn trong cuộc sống và quan hệ giao tiếp, giải quyết một số vấn đề thì chỉ được gọi là “quý nhân”. Ngoài ra còn một bậc thiện tri thức khác, họ dùng Phật pháp để mở rộng trí tuệ cho bạn, chỉ cho bạn phương hướng cuộc đời và mục tiêu cuối cùng, từ đó bạn có được những lợi ích từ Phật pháp. Ví dụ có người dạy bạn niệm “A Di Đà Phật”, “Quan Thế Âm Bồ Tát” hoặc khuyến khích bạn nghe Phật pháp, tu dưỡng học tập Phật pháp, giúp bạn rộng kết duyên lành, chứng thành Phật đạo, đó chính là thiện tri thức trong Phật pháp.
Ví dụ trong tiết mục “đại pháp cổ”, tôi khuyến khích mọi người theo tinh thần Phật pháp, giúp đỡ họ giải quyết vấn đề theo tinh thần Phật học, vì vậy tôi chính là thiện tri thức của mọi người trong Phật pháp.
Có “thiện tri thức” ắt sẽ có “ ác tri thức — bạn xấu”. Nếu có người dạy bạn giết người, phóng hỏa, ản cướp như thế nào, họ chính là bạn xấu. Chúng ta thường hình dung người bạn xấu là “bạn nhậu”, “bạn rượu thịt”, “bè đảng xấu xa”... nếu bạn ở cùng với những người bạn này, thì nếu không phải là ăn uống vui vẻ thì sẽ làm những việc xấu xa. Kết giao với họ, không những tiền đồ của bạn bị đánh mất mà thậm chí người khác cũng không dám gần gũi bạn, bởi họ cho rằng bạn kết giao với những người bạn như vậy, thể hiện bạn cũng có thói xấu như bọn chúng. Tuy nhiên tốt xấu không phải là cái tuyệt đối, nếu sau khi chúng ta tiếp xúc với những bạn ác, với “ác tri thức”, chúng ta có thể dùng Phật pháp để thay đổi, giáo hóa quan niệm của họ, bạn sẽ trở thành thiện tri thức của họ; nếu họ nhờ vậy mà thay đổi cách sống và phương hướng cuộc đời, tiếp tục giúp đỡ người khác, khi đó chính bản thân họ sẽ trở thành thiện tri thức của người khác. Vì vậy bạn ác không phải sẽ mãi mãi là người xấu, chỉ biết làm điều xấu, nếu bạn thay đổi, cảm hóa họ, khiến những “kẻ lãng tử biết quay đầu” họ sẽ trở thành thiện tri thức của mọi người.