Việc quản lý xúc tiến phát triển thị trường du lịch

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình. (Trang 115 - 119)

5. Kết cấu của luận án

3.2.5. Việc quản lý xúc tiến phát triển thị trường du lịch

Trong giai đoạn 2016 – 2020, thị trường khách đến du lịch Hòa Bình phần lớn vẫn là khách du lịch nội địa, trong đó chủ yếu là khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương ở khu vực phía Bắc; một số ít từ các tỉnh miền Nam và miền Trung. Thời gian cao điểm khách du lịch đến Hòa Bình là mùa xuân (du lịch lễ hội, tâm linh) và mùa hè (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng); mùa thu và mùa đông có số lượng khách ít hơn (chủ yếu khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc,… Đối với thị trường khách quốc tế, dù có sự tăng lên về tỷ trọng qua các năm nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng khách đến. Đối tượng khách quốc tế đến Hòa Bình chủ yếu từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore và một số đối tượng khác (xem Hình 3.7). Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách Pháp giảm mạnh, chủ yếu là khách Hàn Quốc đang ở Việt Nam đến Hòa Bình để chơi golf.

Hình 3.7. Cơ cấu thị trường khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2020

(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình)

Căn cứ vào những ưu thế trong PTDL của tỉnh và thực trạng thị trường khách, tỉnh Hòa Bình vẫn luôn xác định thị trường khách du lịch nội địa vẫn là thị trường chính ở hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, so với nhiều tỉnh thành xác định thị trường khách quốc tế là thị trường trọng điểm thì việc xác định thị trường khách của du lịch Hòa Bình không có quá nhiều thay đổi liên quan đến sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19. Tỉnh xác định tập trung khai thác thị trường khách từ Hà Nội và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh,… các tỉnh khu vực lân cận và miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc,… và mở rộng thị trường đến các trung tâm lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn xác định tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc; tăng cường liên kết với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường khách từ Trung Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN và thị trường Châu Âu có thời gian lưu trú dài ngày, chi trả cao muốn trải nghiệm thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Trước mắt, dưới tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh xác định tiếp tục theo dõi, nghiên cứu việc mở cửa từng phần thị trường du lịch theo sự chỉ đạo của Chính phủ để đón khách quốc tế. Theo kết quả khảo sát thực tế của nghiên cứu sinh, chỉ tiêu liên quan đến xác định thị trường khách du lịch của tỉnh Hòa Bình được đánh giá là tốt, tương ứng với GTTB đạt 3,43 điểm (xem Phụ lục 6 và Hình 3.8).

Hình 3.8. Kết quả khảo sát thực trạng quản lý xúc tiến phát triển thị trường du lịch của tỉnh Hòa Bình

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh)

Về thực trạng quản lý xúc tiến, quảng bá du lịch, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về việc Thực hiện Chương trình xúc tiến du lịch Quốc gia giai đoạn 2014-2020 của tỉnh Hòa Bình ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Hòa Bình và Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 02/8/3018 của UBND tỉnh về Tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2017-2020. Theo đó, tỉnh đã thực hiện quảng bá, xúc tiến qua các hoạt động như: Chỉ đạo ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp và đổi mới phương thức hoạt động quảng bá xúc tiến; tham dự một số chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước như hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, hội chợ, triển lãm du lịch, lễ hội và qua các phương tiện thông tin truyền thông. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Liên hoan du lịch cộng đồng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng thu hút 14 làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của khu vực Tây Bắc và một số tỉnh miền Trung tham gia; tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng, hội chợ Quốc tế Việt – Trung tại tỉnh Lào Cai, hội chợ quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch và đặc sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khuôn khổ Chương trình Carnaval Hạ Long và Năm Du lịch Quốc gia 2018 – Hạ Long, chương trình Năm du lịch Quốc gia 2019 Nha Trang, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh thu hút được một số doanh nghiệp lớn đến khảo sát, đầu tư dự án; tổ chức thành công Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Hòa Bình 2019 với quy mô lớn, nhiều hoạt động phong phú.

Ngoài ra, Sở VH,TT&DL cũng đã xây dựng, in ấn và phát hành hơn 3.000 các cuốn sách: Khu du lịch hồ Hòa Bình - Hành trình khám phá - Cơ hội đầu tư; Trải nghiệm khám phá du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hòa Bình; Khám phá, trải

nghiệm chương trình du lịch trên khu du lịch hồ Hoà Bình; Xây dựng video clip “Du lịch Hòa Bình - Hành trình khám phá và Cơ hội đầu tư” bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh, thời lượng 20 phút; video clip “Khám phá trải nghiệm du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hòa Bình”; phim quảng bá khu du lịch hồ Hòa Bình; phim giới thiệu quảng bá các điểm du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hòa Bình. Sở VH,TT&DL đã thực hiện việc xây dựng Trang thông tin điện tử khu du lịch hồ Hòa Bình (http://khudulichhohoabinh.vn/) bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, kết hợp quảng bá trên nền trang web của Tổng Cục Du lịch. Các trang web khác có thông tin quảng bá về du lịch Hòa Bình như:

- http://sovanhoa.hoabinh.gov.vn/ - Trang web của Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình - http://hiephoidulichhoabinh.org.vn/ - Trang web của Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình

- http://hoabinh.gov.vn/ - Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

- https://hoabinhtourism.vn/ - Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình

Năm 2020, dưới tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, du lịch Hòa Bình cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Cuối tháng 5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên địa bàn tỉnh và chương trình khảo sát Famtrip, với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và khoảng 20 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch chất lượng, giá cả hợp lý "giảm giá không giảm chất lượng", kèm theo các ưu đãi và cam kết của đơn vị cung cấp dịch vụ. Nhờ đó, thị trường du lịch đã có phần ấm lại. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2020, dịch Covid- 19 bùng phát trở lại, du lịch tiếp tục rơi vào tình trạng ngừng trệ. Đến 10/2020, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch trong tình hình mới do Bộ VH,TT&DL phát động, tại Bakhan Village Resort, xóm Khan Hạ, xã Sơn Thủy (Mai Châu), Sở VH,TT&DL đã tổ chức lễ phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 năm 2020 với chủ đề: "Du lịch Hòa Bình an toàn và hấp dẫn”, trong đó lồng ghép việc tổ chức đoàn Famtrip đi khảo sát để quảng bá sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần trên tuyến hồ Hòa Bình. Trong những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp du lịch thực hiện đúng cam kết đã công bố trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc "giảm giá nhưng không giảm chất lượng”. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những chương trình khuyến mãi, ưu đãi, tri ân khách hàng bằng nhiều hình thức, kết hợp thực hiện ứng xử văn minh, lịch sự, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh,... để tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng du lịch trên địa bàn.

Qua nghiên cứu các dữ liệu thứ cấp đã thu thập, nghiên cứu sinh nhận thấy chính sách xúc tiến phát triển thị trường du lịch mà tỉnh Hòa Bình đưa ra là hợp lý nhưng hoạt động triển khai thực tế chưa hiệu quả, cụ thể:

Thứ nhất, việc tham gia các hội chợ, xuất bản các ấn phẩm, tổ chức các sự kiện,… chỉ mang tính chất nhất thời tại thời điểm các hoạt động đó diễn ra, số lượng người tham gia giới hạn dẫn đến khả năng tiếp cận thấp.

Thứ hai, các trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá về du lịch tỉnh đã được thiết lập. Đây được xem là phương tiện thông tin vô cùng hữu ích trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 như ngày nay do phần lớn khách du lịch tiềm năng đều có thể tra cứu các thông tin về điểm đến trước khi ra quyết định đi du lịch. Ngoài ra, các nhà đầu tư, các đối tác, doanh nghiệp,… cũng có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin thông qua các kênh này. Tuy nhiên, thông tin được truyền tải trên các kênh này khá nghèo nàn, đặc biệt là thiếu tính cập nhật. Chẳng hạn: chuyên mục Nhà hàng trong website của Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình hoàn toàn không có thông tin; hay Cổng du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình công bố khai trương ngày 18/11/2019 với rất nhiều kỳ vọng nhằm hỗ trợ cho du khách, các công ty du lịch, cơ quan QLNN về du lịch, giúp du lịch Hòa Bình phát triển nhưng thực tế thì thông tin rất thiếu và yếu, thông tin mới nhất được đăng tải vào ngày 21/3/2020. Ngoài các trang thông tin điện tử, tỉnh ít chú ý đến việc quảng bá du lịch nói chung trên các mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác. Nền tảng đã có nhưng thiếu sự quan tâm, đầu tư công sức để hoàn thiện thông tin thì giá trị các nền tảng đó cũng sẽ mất đi.

Sở dĩ du lịch Hòa Bình có được sự gia tăng về lượng khách trong thời gian qua một phần là do ưu thế về khoảng cách địa lý và có sự dịch chuyển nhu cầu của khách du lịch từ nơi đông đúc đến nơi có tiềm năng PTDL nhưng vắng vẻ hơn nhằm giảm áp lực tâm lý và tận hưởng tốt hơn kỳ nghỉ chứ không phải đơn thuần do hiệu quả quảng bá du lịch của tỉnh. Phần lớn khách du lịch biết đến và lựa chọn các điểm đến du lịch tại Hòa Bình là do bạn bè, người thân giới thiệu, tiếp đến là từ nguồn thông tin quảng bá của các doanh nghiệp lữ hành, đại lý du lịch (xem Phụ lục 9).

Trong thời gian tới, để thu hút khách hiệu quả hơn, tỉnh Hòa Bình cần nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động triển khai chính sách quảng bá, xúc tiến phát triển thị trường du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các điểm đến du lịch trong nước để thu hút tập khách du lịch nội địa.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình. (Trang 115 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)