Việc quản lý công nhận khu, điểm du lịch và cấp phép hoạt động

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình. (Trang 119 - 121)

5. Kết cấu của luận án

3.2.6. Việc quản lý công nhận khu, điểm du lịch và cấp phép hoạt động

Theo quy định của Luật Du lịch 2017, điểm du lịch được hiểu là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch; khu du lịch là khu vực

có ưu thế về TNDL, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch cấp quốc gia. Cũng theo luật này, thẩm quyền công nhận và thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch và khu du lịch cấp tỉnh thuộc về UBND tỉnh, còn đối với khu du lịch cấp quốc gia thì thẩm quyền này thuộc về Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, trình lên Bộ và phối hợp công bố khi có quyết định. Trong thời gian qua, hoạt động quản lý công nhận khu, điểm du lịch được tỉnh Hòa Bình thực hiện khá tốt, đúng thủ tục, trình tự luật định. Các điểm, khu du lịch các cấp của tỉnh đều được định hướng phát triển từ sớm và có lộ trình thực hiện rõ ràng. Đến hết năm 2020, tỉnh Hòa Bình có trên 30 khu, điểm du lịch; trong đó, đã công nhận 9 điểm du lịch địa phương và 01 khu du lịch cấp tỉnh (Mai Châu).

Về việc cấp phép kinh doanh hoạt động du lịch, cũng theo luật định, việc cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa do Sở VH,TT&DL thực hiện, còn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì thẩm quyền thẩm định và cấp phép thuộc về Tổng cục Du lịch. Đối với công nhận hạng sao trong kinh doanh dịch vụ lưu trú, Sở VH,TT&DL tỉnh có trách nhiệm thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú hạng 1 đến 3 sao, Tổng cục Du lịch thẩm định và công nhận cơ sở lưu trú hạng 4, 5 sao.

Việc triển khai cấp phép kinh doanh được tỉnh Hòa Bình thực hiện tốt, tỉnh cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực để gia tăng số lượng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch có chất lượng, bổ sung lực lượng CSVCKT phục vụ PTDL. Các thủ tục, quy trình được chỉ dẫn rõ ràng, đơn giản và được thực hiện nghiêm túc, công khai, chính xác. Điều này thể hiện trong kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh với các giá trị khảo sát đều ở mức tốt, từ 3,43 đến 3,45 (xem Phụ lục 6, Phụ lục 7 và Hình 3.9).

Hình 3.9. Kết quả khảo sát thực trạng quản lý công nhận khu, điểm du lịch và cấp phép hoạt động du lịch của địa phương

Tuy vậy, trong thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp du lịch của Hòa Bình còn ít, đặc biệt là thiếu các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và cơ sở lưu trú cao cấp (4 sao trở lên). Vấn đề ở đây không phải do các thủ tục và quy trình cấp phép kinh doanh gây phiền hà cho doanh nghiệp mà phần lớn là do các vấn đề liên quan đến nhận định của chủ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh, hiệu quả kinh doanh,… Đặc biệt trong năm 2020, sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nhiều doanh nghiệp du lịch đang hoạt động phải tạm dừng kinh doanh hoặc giải thể. Điều này đặt ra vấn đề cho các cơ quan QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình là cần có những biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sự tin tưởng cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhằm đạt mục tiêu PTDL.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình. (Trang 119 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)