Chương II Phân tích chính sách cổ tức tập đoàn Hòa Phát
2. Chính sách trả cổ tức của tập đoàn Hòa Phát
2.4. Một số yếu tố ảnh hưởng chính sách cổ tức Hòa Phát (2016 – 2020)
Khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào, doanh nghiệp luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định và kết quả của quyết định đó. Đối với chính sách cổ tức cũng vậy. Chính sách cổ tức của mỗi doanh nghiệp luôn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như quy định pháp lý, ảnh hưởng của thuế, sự phát triển của nền kinh tế hay sự phát triển của chính doanh nghiệp, các nhu cầu riêng của doanh nghiệp như nhu cầu thanh khoản, nhu cầu đầu tư… Đối với CTCP Tập đoàn Hoà Phát, giai đoạn 2016-2020 là thời kỳ mà công ty tập trung đầu tư, mở rộng và phát triển. Vì thế chính sách cổ tức của công ty lúc này cũng bị ảnh hưởng bởi một số nhân tố tiêu biểu dưới đây:
Cơ hội đầu tư: CTCP tập đoàn Hòa Phát là một doanh nghiệp nắm bắt được nhiều cơ hội đầu tư có khả năng tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016-2020. Tiêu biểu, năm 2016, Hòa Phát đầu tư lĩnh vực tôn mạ màu, mạ lạnh với nhà máy sản xuất tôn mạ màu Hòa Phát tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên, tổng đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi, tổng vốn đầu tư lên đến 52.000 tỷ đồng. Các năm sau đó Hòa Phát tập trung nguồn lực để hoàn thiện các dự án, nhanh chóng đưa các khu liên hợp đi vào khởi công. Để có nguồn lực vững chắc cho các dự án đầu tư trên, Hòa Phát cần phải tìm cách giữ lại lợi nhuận. Vì vậy trong giai đoạn 2016-2018, Hòa Phát đưa ra chính sách trả cổ tức hoàn toàn bằng cổ phiếu, giữ lại 100% lợi nhuận với mục đích tái đầu tư. Từ năm 2020, Hòa Phát bắt đầu
32
giảm đầu tư nên quay lại chính sách trả cổ tức bằng tiền. Điều này cho thấy chính sách cổ tức bị tác động nhiều bởi kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp.
Sự tăng trưởng lợi nhuận của công ty: CTCP Tập đoàn Hòa Phát có mức tăng trưởng lợi nhuận khá đều qua các năm. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận của Hòa Phát thường xuyên đạt kỷ lục và vượt xa so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2016 là năm mà Hòa Phát đạt mức lợi nhuận 6.606 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi thành lập doanh nghiệp, công ty đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 50% - một mức khá cao. Đây giống như một phần thưởng hậu hĩnh mà Hòa Phát dành cho những nhà đầu tư gắn bó với chặng đường lớn mạnh của công ty. Các năm 2017-2020 cũng có mức chi trả cổ tức cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 trước đó (chỉ ở mức 20-30%), bởi lẽ mỗi năm Hòa Phát đều ghi nhận sự tăng trưởng trong cả doanh thu và lợi nhuận, cho thấy công ty đang không ngừng lớn mạnh. Vì thế, trả cổ tức cao là một chính sách hoàn toàn hợp lý của Hòa Phát, nó cũng cho thấy sự hiệu quả trong đầu tư của các cổ đông.
Nhu cầu tăng vốn: Là một Tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là về thép, sự tăng trưởng và mở rộng quy mô sản xuất của Hòa Phát là điều đương nhiên diễn ra. Để mở rộng quy mô thì việc tăng vốn là rất quan trọng nhằm đảm bảo bổ sung nguồn lực tài chính cho các dự án trọng điểm, phục vụ mục tiêu tăng trưởng dài hạn. Tổng Giám đốc Hòa Phát đã giải thích: "Khi chúng tôi muốn làm dự án lớn như Dung Quất thì Nhà nước cũng như các ngân hàng đều đòi hỏi phải có vốn chủ sở hữu, tức là cam kết về vốn đối ứng của chủ đầu tư. Vì vậy nên nếu công ty muốn tăng trưởng thì phải tăng cả vốn điều lệ.” Chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu của công ty là một phương án vô cùng hữu hiệu, đã giúp làm tăng lượng lớn vốn điều lệ công ty. Giai đoạn 2016-2020, mức chia cổ tức bằng cổ phiếu của Hòa Phát luôn rất cao. Kết quả là, đến ngày 21/06/2021, CTCP Tập đoàn Hòa Phát sở hữu tổng vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 44.729 tỷ đồng.
33
Chương III. Nhận xét và đề xuất một số giải pháp