6. Cấu trúc của luận án
4.2.3. Diễn ngôn luận chiến
Diễn ngôn luận chiến trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ yếu được thực hiện khi đối diện với kẻ địch, với cái sai, cái xấu. Có thể tìm thấy rất nhiều dẫn chứng cụ thể sinh động về cách sử dụng ngôn từ sâu cay, mạnh mẽ, quyết liệt trong việc đả kích quân xâm lược và mọi loại kẻ thù cũng như nhắc nhở, góp ý, phê phán những việc làm chưa tốt.
Có thể thấy một sự phù hợp, tương hợp rất cao giữa cách đặt nhan đề và cách viết, nghệ thuật viết với mục đích, mục tiêu, đối tượng, chủ đề, nội dung trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Hầu như chỉ cần đọc qua nhan đề là đã cảm nhận thấy ý hướng, chiều hướng, định hướng, thái độ của chủ thể. Ở các tác phẩm được viết trong giai đoạn trước 1941, ta thường gặp các nhan đề thể hiện khẩu khí quyết liệt, phù hợp với nội dung vạch trần, phê phán chế độ thực dân và tố cáo những bất công. Đó là cụm bài liên quan đến Tổ quốc An Nam bị đô hộ (Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam, Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp Bản án chế độ thực dân Pháp (1922) Tình cảnh nông dân An Nam, 51.000 người An Nam bị đế quốc Pháp động viên đi là bia đỡ đạn (1924); là cảnh tình chung của người dân xứ Đông Dương: Những kẻ bại trận ở Đông Dương, Vụ âm mưu ở Đông Dương (1921), Tệ độc đoán ở Đông Dương - Người được bảo hộ và người đi bảo hộ (1923); là nỗi thống khổ của các dân tộc dưới chế độ thực dân ở khắp mọi nơi trên thế giới: Tội ác của chủ nghĩa thực dân
(1921), Vực thẳm thuộc địa, Chủ nghĩa quân phiệt thực dân (1923), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925). Ở các tác phẩm được viết trong giai đoạn từ 1941 về sau, các nhan đề thường chỉ đích danh từng sự việc, hiện tượng, nhân vật cụ thể và bày tỏ thái độ trực diện, quyết liệt: Đế quốc Mỹ tội ác tầy trời (1962); Thủ đoạn tội ác của đế quốc Mỹ (1964); Đế quốc Mỹ cút đi, Đại bợm Giônxơn miệng
nói “hòa bình” tay vung “binh hỏa” (1965); Kiên quyết đập tan âm mưu giặc Mỹ, Tổng Giôn đã phạm tội ác tày trời, Tội ác Mỹ tàn bạo hơn Hítle (1966)...;
(Đại) bại tướng Vét mỡ lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ, Tổng Giôn và việc giết chết Nghị sĩ R. Kennơđi (1968), v.v... Lê Thu Hà trong bài viết Vận dụng nghệ thuật ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh trong sáng tạo tác phẩm đã đi sâu phân tích cách dùng thán từ trong văn chính luận Hồ Chí Minh: “Để vạch trần bản chất quân xâm lược và các chiêu trò bịp bợp quan thầy đế quốc, Người gọi chúng là kẻ “bịp”, “bợm”, “bịp bợm”, “Bịp” là để chỉ hành động xấu xa, lừa đảo. “bợm” chỉ những kẻ vô lương, chuyên đi lừa gạt. Kết hợp với nhau, chúng tạo ra một từ có nét nghĩa tục để chỉ bản chất lừa đảo, dối trá, vô lương của đế quốc: “Đó là một trò hề bịp bợm”; “Đó chỉ là một âm mưu tuyên truyền bịp bợm”. Với thán từ “Ô hô”, Người diễn tả thái độ cười cợt, khinh bỉ. Nó có thể được đặt ở đầu câu: “Ô hô, "văn minh" đế quốc!”, và cũng có thể đặt ở cuối câu: “Những việc đó đã tỏ bầy, Chủ nghĩa đế quốc gần ngày "ô hô" [57, tr. 1-11].
Khi phê phán những tiêu cực trong cộng đồng xã hội ta, nhân dân ta, Người cũng sử dụng vốn từ thuần Việt một cách sắc nét, uyển chuyển. Về khuyết điểm của cán bộ tuyên truyền, Người chỉ ra "có một số đồng chí khác chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ”. Tình báo của ta hoạt động kém, Người chỉ ra nguyên nhân, vì "bô lô ba la, bạ gì nói nấy". Về nạn lãng phí, tham ô, Người viết trong bài Không để một khe hở một cách sâu sắc, rành mạch: “Của cải dành dụm của chúng ta không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí, mà còn bị tham ô đục khoét mất một phần khác. Stalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Đó là thứ cặn bã còn rớt lại của xã hội cũ - cái xã hội thối nát" (Nhân dân, số 2155, ra ngày 11/2/1960) [117, tr. 468-469]. Về việc chống lãng phí, Người đưa ra con số cụ thể, bày tỏ rõ thái độ và cách khắc phục, biện pháp, hy vọng: “Muốn xây dựng những tiến bộ mới trong nền kinh tế ta thì phải chống những cái cũ kỹ và lạc hậu. Ví dụ: Chống lãng phí sức người. Như ở công
trường “8-3” trước đây trong số 2.700 người mà có đến 603 người ở bộ máy quản lý không trực tiếp sản xuất. Thế là cứ độ 4 người sản xuất thì có 1 người quản lý! (…). Biết rõ những khuyết điểm đó, chắc rằng cán bộ và công nhân ta sẽ rất đau lòng. Họ sẽ ra sức thực hiện tốt cuộc “Ba xây, ba chống” để sửa chữa những khuyết điểm tai hại ấy và để sản xuất tốt hơn. Những nơi thí điểm "Ba xây, ba chống" đã bước đầu thu được những kết quả tốt và kinh nghiệm tốt” (Nhân dân, số 3427, ra ngày 15/8/1963) [119, tr. 150-152]. Trong trường hợp đặc biệt, Người chỉ rõ khuyết điểm trong công tác tổ chức cơ sở Đảng, chỉ rõ việc làm sai, lấy đó làm bài học kinh nghiệm, có ý nghĩa cảnh báo chung với lời kết thật nhẹ nhàng, nhân văn, mở ra hướng sửa chữa, phấn đấu: “Mấy năm qua, vì chi bộ lãnh đạo kém mà Văn Hải đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Năm 1961, chỉ thực hiện được 40%, năm 1962: 70%; năm 1963, Văn Hải nhận bán cho Nhà nước 250 lợn, đến nay mới bán được 30 con. Chi bộ chẳng những không ra sức lãnh đạo quần chúng làm trọn nghĩa vụ, mà còn tệ hơn nữa, là giấu giếm sản lượng để hạ thấp mức lương thực bán cho Nhà nước. Như vụ mùa 1962, hợp tác xã Văn Hải (do bí thư chi bộ kiêm chủ nhiệm) đã giấu bớt 39 tấn thóc! Vì cán bộ và đảng viên không nêu gương mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu, cho nên trong thôn đã sinh ra nhiều lãng phí tham ô, nhiều đội sản xuất đã lén lút lập quỹ riêng. Bà con dân làng dùng thóc gạo rất phung phí. Hễ có giỗ tết, cưới xin, là mổ lợn. Động một chút là "liên hoan" và mổ lợn. Chi hội phụ nữ chỉ họp trong 2 giờ (để sơ kết đợt 1 cải tiến quản lý hợp tác xã!) cũng mổ 3 lợn! Thiếu nhi họp xóm, cũng mổ lợn! Có tình trạng như thế là vì nhiều đồng chí cán bộ và đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi và chủ nghĩa địa phương, chỉ thấy lợi ích riêng mà không thấy lợi ích chung của Nhà nước. Phải nhận một cách dứt khoát rằng nhân dân ta rất tốt, đồng bào Văn Hải cũng vậy. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên xung phong gương mẫu tốt, thì nhất định nhân dân sẽ hăng hái làm theo. Mong rằng chi bộ Văn Hải sẽ quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, để trở nên một chi bộ tốt
về mọi mặt” (Ký T.L. Nhân dân, số 3503, ra ngày 31/10/1963) [119, tr. 194- 195]. Có thể thấy rõ diễn ngôn Hồ Chí Minh ở đây có màu sắc luận chiến nhưng với liều lượng của "những con số biết nói” đủ để cảnh tỉnh, thức tỉnh, phê phán, răn đe.
Đặc sắc diễn ngôn luận chiến trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bao quát từ sự tương hợp giữa nhan đề với chủ đề và quan trọng hơn là lời lẽ, ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm. Có thể khẳng định tiếng nói luận chiến Hồ Chí Minh thể hiện tính chiến đấu trên cơ sở quan điểm đấu tranh vì tiến bộ xã hội, vì các giá trị nhân văn, vì tính kỷ luật trong tổ chức Đảng, vì lẽ phải, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh và cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.