Những giá trị xã hộ

Một phần của tài liệu Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận pptx (Trang 39 - 42)

II. Những giá trị văn hóa trong nghi lễ vòng đời người Chăm Ahiêr

1.Những giá trị xã hộ

Xuất phát từ tâm lý “đối nhân xử thế” giữa người với người và những quy phạm đạo đức, các nghi lễ vòng đời đã trở thành sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng người, tạo nên những giá trị lớn lao về mặt xã hội. Mọi dân tộc trên thế giới đều có mối quan hệ xã hội, được hình thành từ thuở sơ khai và có sự biến đổi trải qua quá trình phát sinh phát triển, tiếp biến văn hóa. Nghi lễ vòng đời người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận thể hiện những giá trị xã hội sâu sắc. Đó là mối quan hệ huyết thống, dòng tộc, làng xóm, khu vực và cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân tộc và mối quan hệ cộng đồng quốc gia.

Nghi lễ vòng đời người Chăm thể hiện mối quan hệ thuyết thống theo dòng họ mẹ theo chế độ mẫu hệ. Xuyên suốt cuộc đời người Chăm và xã hội Chăm là sự chi phối của cư dân còn lưu giữ đậm nét xã hội mẫu hệ. Không phải không có cơ sở khi các tác giả công trình Văn hóa Chăm nhận xét: “Trong sinh hoạt văn hóa, yếu tố mẫu hệ được phản ánh rõ nét trong sinh hoạt, lối sống, ứng xử, lễ nghi cộng đồng, xã hội, trong tập tục cưới xin, tang ma, trong tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên và các thánh thần”[52].

Vai trò người phụ nữ ở người Chăm Ahiêr vô cùng quan trọng. Cũng như những người phụ nữ khác, sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ Chăm. Cho nên những nghi lễ sinh đẻ của người Chăm thể hiện mối quan tâm của gia đình, cha mẹ đẻ và của người chồng đối với người phụ nữ và đứa trẻ ra đời. Nếu đứa trẻ là gái là sẽ mang một niềm vui đến với gia đình và dòng họ, vì gia đình đã có người “nối

dòng”, thừa kế và quan trọng nhất, là có người chăm lo thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ khác của dòng họ. Mỗi đứa trẻ ra đời đều phải có lễ cúng trình thần tổ tiên, cáo với tổ tiên của dòng họ đã có thêm một thành viên mới. Trong khi một số dân tộc chỉ làm lễ cáo gia tiên hoặc nếu theo tôn giáo thì cáo trình với thần chủ của tôn giáo đó. Trong khi giáo lý Bàlamôn cổ đại chỉ làm những nghi lễ cho con trai thì người Chăm Ahiêr lại coi trọng con gái và tất cả của cải, quyền hành trong tộc họ thuộc về gia đình nhà vợ. Quan hệ huyết thống mẫu hệ cũng thể hiện trong hôn nhân và nghi lễ cưới xin. Người con gái luôn chủ động hỏi chồng và cưới chồng về với nhà mình. Người phụ nữ luôn đóng vai trò là chủ nhân gia đình và dòng tộc. Còn người đàn ông lớn lên về nhà vợ “làm không cho người ta” và khi chết, người ta lại đưa 9 mảnh xương trán về cho dòng họ mẹ đẻ. Trong luật tục hôn nhân gia đình Chăm, con cái hoàn toàn thuộc về nhà mẹ đẻ. Cũng các tác giả Văn

hóa Chăm đã viết: “Việc chia con chia của trong trường hợp ly hôn hầu như không

đặt ra trong xã hội Chăm. Con cái đều thuộc gia đình vợ, tài sản thừa kế cho con gái. Trong các sinh hoạt có liên quan đến phong tục tập quán đều do phụ nữ chi phối. Tiến hành lễ lạt gì trong năm và làm như thế nào, gả con hoặc cưới chồng cho con đều do phụ nữ định đoạt”[53].

Tục lệ cha mẹ đẻ phải tránh mặt trong lễ cưới với lý do là con mình trước hết là con của bà con họ hàng, phải giới thiệu cô dâu chú rể với bà con họ hàng trước và cô dâu chú rể phải nhanh chóng nhớ tên, tuổi, bậc quan hệ họ hàng, nhất là phía bên nhà gái, là một nét đẹp trong nghi lễ cưới xin của người Chăm. Chủ lễ cưới được gọi là cha mẹ đỡ đầu (Inưmư) và mọi công việc trong lễ cưới xin do ông bà inưmư đảm trách, từ việc cúng bái, đưa đón rể, trang điểm cho cô dâu chú rể, chuẩn bị the phòng và là người đỡ đầu cho đôi bạn trẻ đang bỡ ngỡ bước vào cuộc sống gia đình. Nghi lễ cưới xin cũng làm cho sự gắn kết dòng họ trong cộng đồng người Chăm Ahiêr thêm chặt chẽ. Đây là một giá trị cần bảo tồn và phát huy. Chế độ ngoại hôn dòng họ, hôn nhân đồng dân tộc, đồng tôn giáo đã co cụm cộng đồng người Chăm lại với nhau thành một khối chặt chẽ cả về mặt huyết thống lẫn về mặt văn hóa.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ít có dân tộc nào có nghi lễ tang ma phức tạp về lễ thức, chặt chẽ về quy trình và phải mất nhiều thời gian, tiền của như nghi lễ tang ma của người Chăm Ahiêr. Nhưng nghi lễ tang ma cũng thể hiện rất rõ tính cộng đồng xã hội ở quy mô lớn. Mỗi khi có gia đình nào đó tổ chức các nghi lễ tang ma như lễ chôn hay lễ hoả táng, các lễ cúng tuần sau tang ma, lễ nhập kút v.v… đều phải có mặt tất cả bà con trong dòng tộc đến đóng góp tiền bạc, của cải, ngoài ra còn có sự tham gia đông đảo của những người ngoài dòng tộc trong và ngoài làng đến dự và giúp đỡ. Nghi lễ tang ma Chăm huy động một lực lượng không nhỏ các vị chức sắc tôn giáo, các thầy chủ lễ dân gian, các nghệ nhân dân gian như ông hăng chuyên vẽ hoa văn trang trí, một đội ngũ nhạc công, người hát lễ tài giỏi và cả bà bóng dòng họ giỏi múa thiêng (trong lễ nhập kút). Nếu trong dòng họ có gia đình làm nghi lễ tang ma, những nghệ nhân là người trong dòng họ tự nguyện đến giúp gia đình. Những vị chức sắc, các thầy chủ lễ, các nghệ nhân đến tham gia nghi lễ không bao giờ đòi hỏi thù lao, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình và tuỳ theo tấm lòng của gia đình mà trả lễ.

Giáo lý Bàlamôn quan niệm sau lễ hỏa táng, linh hồn được về chốn thiên đường. Các dân tộc cùng ngữ hệ Nam Đảo quan niệm sau khi chết, linh hồn người chết sẽ sang sống ở thế giới bên kia nên họ làm lễ bỏ mả và mối dây quan hệ giữa người sống và người chết hoàn toàn bị cắt đứt nên không có tục thờ cúng tổ tiên. Còn đối với người Chăm, tổ tiên là quan trọng. Tổ tiên của người Chăm được coi là đấng tạo hóa Pô Inư Nưgar. Vì vậy, ngoài những đền tháp thờ như tháp Bà (tháp Po Inư

Nưgar) ở Nha Trang hay các đền Pô Inư Nưgar ở Ninh Thuận, tại điểm trung tâm

của hàng kút ở nghĩa địa của người Chăm Bàlamôn, bao giờ cũng phải có một kút lớn hay kút biểu tượng (một tảng đá lớn) gọi là kút Pô Inư Nưgar, và ở bên phải và bên trái của kút Pô Inư Nưgar là những kút của nam và nữ trong dòng tộc. Tất cả các thành viên của dòng họ mẹ, dù đi làm ăn, lấy vợ về đâu, dù chết và được làm lễ hỏa táng ở bất cứ đâu, đến lễ nhập kút cũng được đưa 9 mảnh xương sọ về quê mẹ trong một ngày hội lớn để làm lễ nhập kút vào kút dòng họ mẹ mình.

Người trong một gia tộc và dòng họ Chăm có thần tổ tiên (On Prauh) và luôn được gia đình và dòng tộc thờ tự. Nơi thờ tổ tiên gia tộc và dòng họ là nghĩa địa kút. Đây là một nét văn hóa riêng có của người Chăm, không có trong giáo lý Bàlamôn hay ở các dân tộc khác.

Một phần của tài liệu Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận pptx (Trang 39 - 42)