Bất kỳ người giảng viên nào khi làm việc đều có mong muốn được bố trí công việc đúng chuyên môn bản thân cũng như có được sự phát triển, thăng tiến trong công việc. Chính vì vậy, việc quy hoạch, bổ nhiệm hợp lý sẽ góp phần khích lệ, động viên những người đã giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cố gắng cống hiến hơn nữa, làm việc hiệu quả hơn nữa để tiếp tục được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh, chức vụ cao hơn, đồng thời cũng tạo nên động lực phấn đấu cho những giảng viên chưa được thăng tiến. Dựa trên kết quả bảng khảo sát về mức độ cần thiết của các giải pháp thì giải pháp này xếp thứ 4 với 77.52%. Để làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tác giả xin đề xuất một số giải pháp như sau:
100
Thứ nhất, hoàn thiện, công khai các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý để các giảng viên có định hướng phấn đấu, thể hiện năng lực của bản thân, đảm bảo công bằng, dân chủ trong quy hoạch, bổ nhiệm. Quy hoạch và bổ nhiệm giảng viên và các vị trí quản lý là công tác vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của đơn vị. Vì vậy, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần có sự suy xét cẩn thận, cần có chính sách phù hợp để có thể chọn ra người xứng đáng nhất.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, mạnh dạn đưa vào quy hoạch những giảng viên trẻ nhưng có trình độ chuyên môn, năng lực tốt, tín nhiệm cao. Số lượng quy hoạch vào mỗi chức danh đủ theo yêu cầu, bảo đảm phương châm "động" và "mở", đảm bảo tỷ lệ về tuổi và giới tính. Đồng thời, công khai kết quả quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của nhà trường để giảng viên phấn khởi với cơ hội thăng tiến của bản thân qua đó có thêm động lực phấn đấu trong công việc.
Thứ ba, thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá đúng năng lực đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, qua đó mạnh dạn bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý năng lực kém, uy tín thấp, tạo cơ hội thăng tiến cho các giảng viên có năng lực, uy tín cao.