Ngoài các đặc điểm của pháp luật nói chung, pháp luật về viên chức có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, pháp luật về viên chức thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, nghề thuộc đơn vị sự nghiệp.
Pháp luật về viên chức cần có đủ các nhóm quy phạm điều chỉnh toàn bộ các quan hệ quan trọng nhất nhằm tạo điều kiện cho viên chức tự do phát triển nghề nghiệp, tự do học thuật, dân chủ hóa hoạt động quản lý đội ngũ viên chức. Đó là các quy định về địa vị pháp lý của viên chức, quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách, khen thưởng…. đối
với viên chức. Mỗi nhóm vấn đề phải có đủ các quy phạm pháp luật để giải quyết tương đối trọn vẹn vấn đề đó dưới góc độ pháp lý cụ thể.
Ví dụ: Đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, pháp luật về viên chức cần có các quy định cụ thể về chương trình, nội dung đào tạo, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với người học. Tất cả các quy định pháp luật đó đều nhằm mục đích cao nhất là tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ các quyền của viên chức, bên cạnh những yêu cầu viên chức phải thực hiện các nghĩa vụ mà Nhà nước quy định, cơ chế quản lý viên chức và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với viên chức. Qua đó, xây dựng đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng được tốt các yêu cầu của người dân, tạo động lực đẩy mạnh cải cách khu vực dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục ở bậc đại học theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Thứ hai, pháp luật về viên chức trực tiếp bảo đảm quyền con người, bảo đảm công bằng xã hội trong hoạt động nghề nghiệp.
Pháp luật về viên chức bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của viên chức, bảo đảm sự tự do hoạt động nghề nghiệp của viên chức, để viên chức có cơ
hội cống hiến, tận tâm, đam mê với nghề. Pháp luật cũng xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của viên chức trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể khác trong quá trình đào tạo, giáo dục (nhà quản lý, người đi học, nhà trường và xã hội).
Pháp luật về viên chức bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận các dịch vụ công, bình đẳng trong đối xử của viên chức đối với tất cả những người được sử dụng dịch vụ công. Đồng thời, Nhà nước chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, có chính sách đặc thù đối với viên chức thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với viên chức tài năng, tôn vinh và nâng cao vị thế xã hội của họ, có cơ chế để tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng, kinh nghiệm, vốn sống, tri thức cũng như bản lĩnh của mình.
Thứ ba, pháp luật về viên chức gắn với đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm thực hiện việc tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành của các đơn vị sự nghiệp. Pháp luật về viên chức ghi nhận và bảo đảm việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực chuyên môn nghệp vụ, tổ chức, nhân sự và tài chính; xóa bỏ có chế bộ chủ quản; bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng hoạt động nghề nghiệp. Quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; hoàn thiện môi trường pháp lý; triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng dịch vụ công.
Pháp luật về viên chức quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực, không làm thay hoặc cản trở hoạt động thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự
nghiệp; chuyển từ cách quản lý hành chính sang quản lý chất lượng và hiệu quả chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị sự nghiệp; phát huy mọi khả năng, năng lực của từng đơn vị bằng cạnh tranh lành mạnh trong hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa.
Thứ tư, pháp luật về viên chức bảo đảm tương quan giữa điều chỉnh pháp luật với điều chỉnh bằng các quy phạm đạo đức và các quy phạm xã hội khác.
Nhằm thực hiện được vai trò là phương tiện điều chỉnh hàng đầu pháp luật cần có sự hỗ trợ của các quy phạm xã hội khác, đặc biệt là đạo đức truyền thống và đạo đức tiến bộ. Dưới sự tác động của đời sống xã hội, cộng đồng luôn hình thành các quy tắc ứng xử chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong các quan hệ xã hội.
Điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào, trong điều kiện hoàn cảnh nào, cũng cần phải ý thức được về bản thân, ý thức được nghĩa vụ, bổn phận của mình đối với người khác và đối với xã hội.