1.4.3. Vai trò, trách nhiệm của các chủ thể thực hiện pháp luật vềviên chức viên chức
Việc thực hiện pháp luật về viên chức chỉ có thể thực hiện tốt khi vai trò, trách nhiệm của các chủ thể hữu quan tham gia vào các quan hệ pháp luật về viên chức được phát huy đầy đủ, đúng đắn và kịp thời.
Ở nước ta hiện nay, các chủ thể của thực hiện pháp luật về viên chức được thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất: Các tổ chức Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh đạo các hoạt động nghề nghiệp. Do đó, các tổ chức Đảng trong đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò quan trọng, có tác động rất lớn đối với việc thực hiện pháp luật về viên chức, thông qua các hoạt động của cơ quan Đảng ủy, chi bộ Đảng cũng như các hoạt động tích cực, gương mẫu của các đảng viên là cán bộ, viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai: Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về viên chức, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước ta, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và thực hiện quyền hành pháp. Đây là cơ quan nắm quyền thống nhất quản lý điều hành các mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trước hết là quyết định những vấn đề về chủ trương, cơ chế, chính sách, thể chế quản lý hành chính nhà nước nói chung, về các vấn đề liên quan đến viên chức trong cả nước nói riêng. Chính phủ đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn... các vấn đề liên quan tới viên chức, pháp luật về viên chức; có trách nhiệm phải tuân thủ và thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, báo cáo công tác trước Quốc hội, chịu
trách nhiệm giải trình trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công trong lĩnh vực này.
Thứ ba: Bộ Nội vụ là “cơ quan chuyên trách”, có chức năng tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về viên chức và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: a) Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về viên chức; b) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức trình cấp có thẩm quyền quyết định; c) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc ban hành hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp; d) Quản lý công tác thống kê về viên chức; hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ viên chức; phát triển và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về viên chức; đ) Thanh tra, kiểm tra việc quản lý nhà nước về viên chức; e) Hàng năm, báo cáo Chính phủ về đội ngũ viên chức.
Thứ tư: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các chức năng quản lý nhà nước của mình đối các vấn đề về lao động, tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ giải quyết thôi việc và nghỉ hưu đối với viên chức.
Thứ Năm: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ chủ quản của đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm ngân sách cho nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp, hoàn thiện chính sách tài chính và chế độ quản lý tài chính để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính.
Thứ Sáu: Các bộ chủ quản của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện xây dựng các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và hệ thống các chính sách đồng bộ, tạo môi trường pháp lý phù hợp với cơ chế thị trường định hướng
XHCN, giúp Chính phủ quản lý các mảng ngành, lĩnh vực, giúp cho các quy phạm pháp luật về viên chức trong các đơn vị sự nghiệp được thực hiện một cách thống nhất, thuận lợi nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Ví dụ: Tổ chức thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức (Quy định chi tiết về nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức), xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh chuyên ngành nghề nghiệp của viên chức đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Ngoài chức năng, vai trò riêng của mình, các Bộ thực hiện quản lý về số lượng, tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp; Quyết định hoặc phân cấp quyết định nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng II trở xuống; Quản lý vị trí việc làm theo phân công, phân cấp; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ quản lý về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II; Chủ trì hoặc ủy quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý; Thống kê và báo cáo thống kê viên chức theo quy định; Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý. Đây là các “Bộ chủ quản” đối với viên chức trong từng lĩnh vực cụ thể, giữ vai trò hết sức quan trọng.
Thứ bảy: Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp.... có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ tám: Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa những quy định pháp luật về viên chức vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, hàng ngày, hàng giờ. Các đơn vị sự nghiệp đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về mọi hoạt động của mình như: tổ chức và sử dụng đội ngũ viên chức, thực hiện quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, công khai việc sử dụng tài chính đơn vị, định kỳ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về kết quả hoạt động toàn diện của đơn vị.
Thứ chín: Các cơ quan quản lý khác đối với các đơn vị sự nghiệp: UBND cấp tỉnh giữ vai trò là cơ quan quản lý ở địa phương nơi đơn vị đặt trụ sở.