Kết quả nghiên cứu từ 20 NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn năm 2009- 2018, cho thấy rủi ro thanh khoản của ngân hàng bị tác động bởi các yếu tố: Quy mô ngân hàng (+), Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (+), Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản (+), Lạm phát (+).
Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô ngân hàng có mối quan hệ cùng chiều với rủi ro thanh khoản, nghĩa là không phải cứ tăng quy mô ngân hàng là sẽ giảm được rủi ro thanh khoản, các ngân hàng có lợi thế quy mô tài sản lớn cần chú trọng, quan tâm đầu tư vào tài sản có thanh khoản cao, tránh các trường hợp chỉ tập trung vào việc tập trung đầu tư kinh doanh gia tăng lợi nhuận. Mặt khác trong quá trình gia tăng tài sản của ngân hàng có thể ngân hàng phải sử dụng đến các khoản nợ vay, vì thế ngân hàng cũng có thể đối diện với rủi ro thanh toán đến hạn nên tình hình kinh doanh không hiệu quả. Trong trường hợp thiếu hụt thanh khoản, nếu nắm giữ các tài sản thanh khoản cao hay tình hình thanh khoản tốt các ngân hàng sẽ tránh được bất ổn trong tài chính. Do đó, các ngân hàng cần xây dựng và tuân thủ chính sách đảm bảo các chỉ số an toàn trong hoạt động; giảm thiểu và kiểm soát chặt chẽ các tài sản có rủi ro cao; tự chủ trong việc nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao, phân bổ tài sản một cách phù hợp.
Tiếp đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có mối quan hệ cùng chiều với rủi ro thanh khoản của ngân hàng, khi các NHTM gia tăng vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng cải thiện thanh khoản đáp ứng nhu cầu thanh khoản khi phát sinh các nhu cầu rút vốn đột ngột nhưng tốc độ tăng trưởng của tín dụng và các nguồn thu dịch vụ khác không theo kịp tốc độ gia tăng của vốn chủ sở hữu thì điều này sẽ làm giảm tỷ suất sinh lời trên vốn chủ của các ngân hàng. Do đó việc tăng nguồn vốn chủ sở hữu sẽ tạo sức ép ngược lên chính các ban lãnh đạo của ngân hàng phải tìm cách để gia tăng lợi nhuận thông qua việc mở rộng tín dụng, đầu tư tài chính... Chính điều này cũng góp phần làm gia tăng rủi ro cho ngân hàng
Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản có mối quan hệ cùng chiều với rủi ro thanh khoản, khi các ngân hàng tiến hành hoạt động cho vay một cách không kiểm soát hay công tác thẩm định lỏng lẻo không theo quy trình chủ yếu chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Vì thế có thể ngân hàng sẽ bị dẫn đến tình hình nợ quá hạn, nợ xấu có thể tăng cao nếu rủi ro xảy ra làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng, giảm lợi nhuận. Khi đó sẽ buộc ngân hàng phải giảm tiền mặt dự trữ và giảm các tài sản thanh khoản hoặc đi vay bổ sung trên thị trường tiền tệ để bù đắp thanh khoản. Do đó mà khi nguồn vốn chủ sở hữu tăng cao, đẩy tăng trưởng tín dụng tăng cao, đồng thời làm thanh khoản của ngân hàng giảm xuống.
Đối với tăng trưởng lạm phát, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý vĩ mô cần có các chính sách phù hơp để giúp thực hiện mức lạm phát mong muốn. Từ đó, các ngân hàng lập ra phương án cho việc thiết lập lại quy mô, cơ cấu nguồn vốn.v.v... phù hợp với hoạt động cho vay theo nhu cầu của thị trường mà không gây ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng. Nếu xét ở yếu tố lạm phát , khi có lạm phát xảy ra thì trong nền kinh tế giá cả leo thang hay bản thân ngân hàng cũng sẽ có khả năng tăng lãi suất cho vay vì thế các khách hàng hạn chế vay để bổ sung vốn mà sử dụng một kênh khác vì thế tăng trưởng tín dụng có thể giảm xuống và thanh khoản của ngân hàng có thể được duy trì hay ít phải đối mặt với rủi ro.