- Phòng Giao Dịch Hòa Hưng trong những năm gần đây
3.3.3 Nguyên nhân chủ yếu
Khi khách hàng cần rút một lượng lớn tiền gởi thanh toán hoặc tiền gởi tiết kiệm, hoặc rút tiết kiệm bằng ngoại tệ, thì khách hàng thường phải báo trước một buổi cho Phòng Giao Dịch để ngân hàng chuẩn bị số tiền giao cho khách hàng. Vì vậy, điều này một phần đã gây trở ngại đến công tác huy động vốn của ACB - Hòa Hưng. Thêm vào đó, nguồn tiền gởi thanh toán chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nguồn huy động là do khách hàng cá nhân, các đơn vị trú đóng trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ chưa quen với việc thanh toán qua ngân hàng, tâm lý thích sử dụng tiền mặt trong hoạt động thường ngày của dân cư vẫn còn cao. Ngoài ra, những khó khăn từ nền kinh tế trong điều kiện lạm phát năm 2008 và 2009 đã tác động trực tiếp đến hoạt động của ngành ngân hàng. Trong đó, thể hiện rõ nhất là đối với hoạt động huy động vốn và cho vay vốn. Các doanh nghiệp cơ cấu lại quy mô sản xuất kinh doanh cho phù hợp với điều kiện lạm phát, nên tiền gởi thanh toán ở ngân hàng không cao do khách hàng không có nhu cầu giao dịch nhiều. Bên cạnh đó, ngân hàng phải cạnh tranh với các ngân hàng bạn và nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác như chứng khoán, vàng, bất động sản…
Tuy nhiên, giữa lúc thị trường tiền tệ kinh doanh khó khăn, một số Chi Nhánh, Phòng Giao Dịch của Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu bị ảnh hưởng nhưng
ngân hàng vẫn duy trì hoạt động ổn định và tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo tài chính tóm tắt năm 2008, về quy mô hoạt động, tổng tài sản của tập đoàn đến cuối năm 2008 tăng 19,914 tỷ đồng (+23.3%) so với đầu năm, đạt 105,306 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng khá so với đầu năm, từ 6,258 tỷ đồng lên 7,766 tỷ đồng. Cuối năm 2008, tổng vốn huy động của tập đoàn là 91,174 tỷ đồng, tăng 16,230 tỷ đồng so với cuối năm 2007. Trong đó, tiền gửi khách hàng vẫn là nguồn huy động chủ yếu, chiếm khoảng 82% tổng vốn huy động của tập đoàn. Về hoạt động sử dụng vốn, tổng dư nợ cho vay khách hàng của tập đoàn cuối năm 2008 là 34,833 tỷ đồng, chỉ tăng được 3,022 tỷ đồng, tương đương 9.5% so với đầu năm. Chính vì vậy, vị thế hoạt động tín dụng của Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu so toàn ngành vẫn giữ nguyên so với năm trước, ở mức xấp xỉ 3%. Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế cả năm 2008 của tập đoàn đạt 2,561 tỷ, tăng 434 tỷ đồng so với 2007, vượt 61 tỷ đồng so với kế hoạch, trong đó phần lợi nhuận đóng góp của các công ty con và công ty liên kết là 319 tỷ đồng, chiếm 12.5%.
Năm 2009, về tăng trưởng quy mô, mặc dù các chỉ tiêu tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động tiền gửi khách hàng của Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu mới đạt lần lượt 99%, 96% và 84% kế hoạch đề ra nhưng tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng và cho vay của Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu đều cao hơn tốc độ tăng trưởng của ngành. Huy động tiền gửi khách hàng của tập đoàn năm 2009 tăng trưởng 45% bằng 1.6 lần của ngành (27%), và dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 79%, bằng 2 lần của ngành (38%). Về mặt lợi nhuận, tập đoàn Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu đã thực hiện vượt mức kế hoạch với 2,838 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn 138 tỷ đồng so với kế hoạch. Cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng cũng ngày một đa dạng hơn khi tính đến hết ngày
31/12/2009 hoạt động tín dụng chiếm 20%, hoạt động dịch vụ đạt 26% và hoạt động kinh doanh vốn, vàng và ngoại hối chiếm 37% trên tổng lợi nhuận trước thuế.
CHƯƠNG IV. NHỮNG KIẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU -
PHÒNG GIAO DỊCH HÒA HƯNG
4.1 Một số kiến nghị nhằm phát triển hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu - Phòng Giao Dịch Hòa Hưng.
Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu:
Cần tạo điều kiện để các Chi Nhánh, PGD được chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh theo hướng nâng cao quyền tự chủ, phân rõ trách nhiệm, phù hợp với quy mô và đặc điểm Chi Nhánh, có cơ chế tổ chức, cơ chế điều hành vốn hoặc hỗ trợ vốn cho các dự án đầu tư lớn… nhằm phát huy vai trò của từng cơ sở.
Luôn trang bị công nghệ hiện đại, các phần mềm ứng dụng tiên tiến cho các Chi Nhánh, PGD, khai thác tốt dịch vụ Home banking, Mobile Banking để khách hàng có thể thuận tiện giao dịch tại nhà… phục vụ công tác thanh toán nhanh chóng, thuận lợi và tăng sức cạnh tranh trên thương trường.
Xây dựng chính sách lãi suất hợp lý - lãi suất luôn là một nhân tố tác động mạnh đến công tác huy động vốn của ngân hàng. Do đó, cần xử lý theo cơ chế cạnh tranh linh hoạt. PGD sẽ áp dụng một mức lãi suất đảm bảo tính cạnh tranh với các ngân hàng bạn, để sao cho có thể hấp dẫn người gửi không chỉ ở tính sinh lời mà còn ở tính đa dạng trong phương thức trả lãi.
Ngoài việc căn cứ vào mối quan hệ cung - cầu về vốn, còn phải xem xét đến lãi suất sử dụng vốn, để quy định lãi suất huy động vốn và đảm bảo kinh doanh có lãi. Hơn nữa, còn phải duy trì được mức lãi suất hợp lý giữa nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn trung - dài hạn, mục đích là bảo đảm lợi ích của người gửi tiền và khuyến khích mọi người gửi tiền với kỳ hạn dài hơn, nhưng không đơn giản là tăng lãi suất vì như vậy các doanh nghiệp sẽ không chấp nhận. Mặt khác, lãi suất tiền gửi cao họ sẽ không đầu tư vào các phương án kinh doanh mà chuyển sang gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi. Vì vậy, phải tính toán cân đối, hợp lý giữa lãi suất ngắn hạn và lãi suất trung - dài hạn.
Có chiến lược dài hạn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với cán bộ nhân viên, nhất là cán bộ lãnh đạo ở các huyện, Phòng Giao Dịch ở các cụm đông dân cư cho tương xứng với nhiệm vụ được giao, để sớm hội nhập với các ngân hàng khu vực và thế giới. Bởi thực tiễn đã chứng minh hiệu quả sức cạnh tranh của một ngân hàng luôn là bản chất tiềm tàng trong mỗi cán bộ nhân viên của ngân hàng đó, nên đi đôi với việc sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, có năng lực và trình độ, có phẩm chất tốt để rèn luyện và thử thách. Trên cơ sở đó đề bạt vào các cương vị nặng nề hơn. Vì vậy, ngân hàng cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề cán bộ trong chiến lược kinh doanh của mình, và có các chế độ lương, thưởng thích hợp.