Một số đề xuất, kiến nghị

Một phần của tài liệu BantinCCHCso36_PH (Trang 37 - 40)

Một là, về nhận thức.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta và các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng đối với người có tài năng. Tuy

nhiên, vấn đề này chưa đạt được kết quả như mong muốn, nguyên nhân là do chưa có nhận thức đúng đắn và thống nhất về người có tài năng (nhân tài), dẫn đến trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách nhằm thu hút người có tài năng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cần xây dựng khung chính sách đối với người có tài năng ở tầm quốc gia để vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của thể chế chính sách, vừa phát huy được quyền chủ động của các Bộ, ngành, địa phương làm cơ sở cho việc thực hiện các nhiệm vụ khác trong xây dựng, thực hiện chính sách đối với nhân tài.

Hai là, về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách.

Một chính sách tốt nhưng trong quá trình thực hiện nếu thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, không nhất quán sẽ ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả chính sách. Do vậy, cần tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện từ Trung ương đến các Bộ, ban, ngành và địa phương. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai, thực hiện. Trong đó, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ba là, về cơ sở pháp lý.

Cần sớm ban hành và triển khai thực hiện khung chính sách quốc gia đối với nhân tài. Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, mỗi nước đều có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài theo các chương trình, mục tiêu, nội dung cụ thể. Ví dụ, Trung Quốc đã ban hành, triển khai thực hiện Ðề cương nhân tài với “mục tiêu tổng thể phát triển nhân tài đến năm 2020: tổng lượng nguồn nhân tài phải từ 114 triệu người hiện nay tăng lên đến 180 triệu người; tỷ lệ số người có trình độ đại học ở độ tuổi lao động từ gần 10% hiện nay tăng lên đến 20%, đồng thời xây dựng một số điểm cao nhân tài trong các lĩnh vực trọng điểm phát triển kinh tế và xã hội như chế tạo trang thiết bị, thông tin, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ,...”. Ðề cương đã nêu ra mười chính sách quan trọng như: “thực thi chính sách thuế, tài chính thúc đẩy bảo đảm ưu tiên đầu tư nhân tài, thực thi chính sách hỗ trợ nhân tài lập nghiệp, thực thi chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…. Đồng thời, đã xác định 12 chương trình nhân tài quan trọng như: “Chương trình thúc đẩy nhân tài sáng tạo”, “Chương trình phát triển anh tài thanh niên”, “Chương trình đào tạo cơ sở sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng”…(6).

Bốn là, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức.

Đây là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những sai lầm trong nhận thức như: có tiền mới thu hút được nhân tài; khó làm, không có nguồn lực; mất nhiều thời gian… Nâng cao nhận thức cần có các nội dung cụ thể như kiên trì, quyết tâm, quản lý thực hiện tốt chính sách. Kinh nghiệm cho thấy, để có được một nhân tài và nguồn nhân lực nhân tài (quỹ nhân tài quốc gia) đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm, ủng hộ của các cấp, ban, ngành và toàn xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Thu hút nhân tài là vấn đề mang tính chiến lược, tuy với tên gọi, nội dung, cách thức thể hiện khác nhau nhưng các quốc gia trên

thế giới đều đặc biệt quan tâm và đã thực hiện trong nhiều năm với định hướng: kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay.

TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ ThS. Lục Việt Dũng, Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn: tcnn.vn

--- Ghi chú:

(1) Cùng với kiến thức, kỹ năng, thái độ theo trường phái của Pháp bổ sung thêm yếu tố kinh nghiệm (Experience) - tác giả chú thích.

(2) Năng lực theo quan niệm của quản trị nhân lực Hoa Kỳ là bất kỳ yếu tố cá nhân có thể giúp hoàn thành nhanh chóng công việc hay hành động nào đó một cách hiệu quả. Theo đó, không nhất thiết phải cố định số lượng các yếu tố năng lực trong mỗi cá nhân mà có thể linh hoạt các yếu tố - tác giả chú thích.

(3) Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.187.

(4) Theo Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu, giai đoạn 2018 - 2022 quy định: áp dụng mức hỗ trợ ban đầu là 50 triệu đồng; hàng tháng sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20 đến 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thành phố còn có chính sách tiền thưởng để khuyến khích, phát huy tài năng như hưởng mức tiền thưởng bằng 1% tổng kinh phí ngân sách chi trả cho sản phẩm, công trình (đề án, đề tài nghiên cứu hoặc tác phẩm công trình văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao từ cấp thành phố và tương đương trở lên) được công nhận; hỗ trợ về nhà ở công vụ hoặc hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở… tác giả chú thích.

(5) Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 và các văn bản quy định chi tiết đã quy định các danh hiệu thi đua đối với cá nhân - tác giả chú thích.

(6) Trịnh Minh Phương,Chính sách đào tạo, thu hút nhân tài của Trung Quốc, báo Nhân dân điện tử ngày 03/10/2010.

Một phần của tài liệu BantinCCHCso36_PH (Trang 37 - 40)