Diễn biến thu chi ngân sách

Một phần của tài liệu bao-cao-kinh-te-viet-nam-2020 (Trang 50 - 53)

II. DIỄN BIẾN VÀ TRIỂN VỌNG KINH TẾ VĨ MÔ

1. Diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm 2020

1.6. Diễn biến thu chi ngân sách

85. Thu ngân sách Nhà nước quý III/2020 đạt 306,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với quý II/2020 song giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do một số khoản thu thuế có mức giảm đáng kể như thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019), thuế giá trị gia tăng (giảm 13%), thuế xuất nhập khẩu (giảm 23%), v.v., trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó kéo theo hệ lụy làm suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân và gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu.

86. Riêng về cơ cấu thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2020, khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn nhất (45%), khu vực ngoài quốc doanh chiếm 33,2% và khu vực DNNN chiếm 21,8%. Nhìn vào số liệu này có thể thấy rằng đại dịch COVID-19 ít ảnh hưởng tiêu cực lên các doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước.

87. Đến quý IV/2020, kết quả thu NSNN có phần nhanh hơn. Do đó, tổng thu NSNN cả năm 2020 ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội từ đầu năm. Tổng thu NSNN so với GDP ước đạt 23,9%.

Hình 29: Tỷ lệ thu NSNN so với GDP (%)

88. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch. Cơ cấu thu NSNN có sự điều chỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng thu nội địa (từ 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 85,5% năm 2020), trong khi tỷ trọng thu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

89. Tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2020 ước đạt 1.432,5 nghìn tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5%; chi đầu tư phát triển 356 nghìn tỷ đồng, bằng 75,7%; chi trả nợ lãi 98,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83,6%. Tính chung, tỷ trọng chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP).

90. Chính phủ đã có một số biện pháp về thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như: (i) gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (Công văn 897/TCT-QLN của Tổng cục Thuế ngày 3/3/2020) và (ii) gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020). Dù vậy, ở một chừng mực dài hạn hơn, Chính phủ chưa có thêm ưu đãi thuế cho các ngành công nghiệp cần tập trung ưu tiên.

91. Quy mô phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) gia tăng đáng kể trong 6 tháng cuối năm 2020. Quy mô phát hành đạt 141,6 nghìn tỷ đồng trong quý III/2020. Đây là mức phát hành cao kỉ lục kể từ 2014 trở lại đây, tăng 3,3 lần so với mức phát hành trong quý III trung bình của các năm trước. Trong quý IV/2020, quy mô phát hành đạt tới 95,25 nghìn tỷ đồng. Tính chung cả năm 2020, quy mô phát hành đạt hơn 323,95 nghìn tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch điều chỉnh cho cả năm.

Hình 30: Phát hành trái phiếu chính phủ, 2012-2020

Nguồn: HNX.

92. Lãi suất trúng thầu giảm dần từ 1,35-1,92%/năm trong quý III/2020 xuống còn 1,22%/năm trong quý IV/2020. Mặc dù quy mô phát hành

lớn hơn, nghĩa vụ của Chính phủ ít nhiều hạn chế trong bối cảnh lãi suất cho vay cũng thấp hơn. Trong điều kiện đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra và động cơ vay vốn của doanh nghiệp, việc Chính phủ tăng phát hành TPCP cũng ít gây ra tác động chèn lấn đối với khu vực tư nhân. Thách thức là sử dụng nguồn lực từ phát hành TPCP một cách hiệu quả, trước hết là phải giải ngân hiệu quả trong thời gian tới.

Hình 31: Vùng lãi suất trúng thầu (%/năm)

Nguồn: HNX.

93. Về cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường TPCP, khối bảo hiểm chiếm khoảng 54%, còn lại là nhóm các ngân hàng thương mại, công ty tài chính và quỹ đầu tư. Tuy nhiên trên thị trường thứ cấp, nhóm các NHTM là chủ thể giao dịch chính, chiếm tỷ trọng 82,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Trong khi đó khối bảo hiểm chỉ chiếm 2,74% tổng giá trị giao dịch. 94. Trong năm 2020, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc kinh doanh trên các nền tảng số như các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trở nên phổ biến hơn đối với doanh nghiệp. Trước bối cảnh ấy, việc nhanh chóng ban hành Luật Quản lý thuế năm 2019, trong đó bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online ít nhiều có tính phù hợp. Dù vậy, tranh cãi vẫn xảy ra đối với thời điểm phù hợp để áp dụng các quy định này – trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang chịu khó khăn do COVID-19.

95. Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý đối với quản lý thuế đối với các nền tảng số, Việt Nam đã có thêm những nỗ lực về: (i) đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật thuế đến người dân, tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh; (ii) xây dựng hạ tầng kĩ thuật phục vụ công tác quản lý thuế (như ứng dụng về cấp mã số thuê, kê khai, nộp thuế, hệ thống kết nối liên ngành giữa thuế, hải quan, ngân hàng và các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán); (iii) tăng cường năng lực của đội ngũ nhân lực liên quan tới quản lý thuế trong

hoạt động TMĐT và (iv) nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước về quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Một phần của tài liệu bao-cao-kinh-te-viet-nam-2020 (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)