II. DIỄN BIẾN VÀ TRIỂN VỌNG KINH TẾ VĨ MÔ
2. Triển vọng kinh tế vĩ mô
96. Phần này đưa ra kết quả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, theo hai kịch bản. Việc xây dựng các kịch bản dự báo dựa trên các đánh giá của các cơ quan tổ chức về triển vọng kinh tế thế giới, tiến triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như khả năng sử dụng một số công cụ chính sách kinh tế trong nước. Trong Kịch bản 1, GDP của thế giới tăng 4,0% trong năm 2021.38 Mức giá của Mỹ tăng 1,924%.39 Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 12,6%.40 Giá dầu thô thế giới tăng 11,4%.41 Về phía Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD của NHTM giảm 0,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13,0%. Tín dụng tăng 12,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,5%. Dân số tăng 1,08%/năm, và việc làm tăng 0,86%. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên so với năm 2020.42 Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5% và giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 2% so với năm 2020. Giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 420 nghìn tỷ đồng.
97. Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong Kịch bản 1, chỉ điều chỉnh: (i) giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 15%; (ii) giá dầu thô thế giới tăng 20%; (iii) tổng phương tiện thanh toán tăng 14%; (iv) tín dụng tăng 13%; (v) vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%; và (vi) giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 477,3 nghìn tỷ đồng.
Bảng 4: Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021
Đơn vị: %
Chỉ tiêu Kịch bản 1 Kịch bản 2
Tăng trưởng GDP 5,98 6,46
Lạm phát bình quân 3,51 3,78
Tăng trưởng xuất khẩu 4,23 5,06
Cán cân thương mại (tỷ USD) 5,49 7,24
Nguồn: Dự báo cập nhật từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô sử dụng số liệu năm.
38 Theo Dự báo của NHTG (tháng 1/2021).
39 Nguồn: https://data.oecd.org/price/inflation-forecast.htm [Truy cập 11/1/2021].
40 Dự báo của EIU (ngày 15/12/2020).
41 Dự báo của EIU (ngày 15/12/2020).
42 Nguồn: https://petrovietnam.petrotimes.vn/petrovietnam-vuot-khung-hoang-kep-nop- ngan-sach-nha-nuoc-nam-2020-dat-83-ngan-ty-dong-594919.html [Truy cập 11/1/2020].
98. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1, và 6,46% trong Kịch bản 2 (Bảng 4). Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
99. Diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Thứ nhất, kinh tế thế giới còn rất bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu. Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục các biện pháp để kiềm chế Trung Quốc về kinh tế - thương mại – công nghệ và có thể củng cố được liên minh với một số nước đối tác để thực hiện các biện pháp này. Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam. Thứ hai, dịch COVID-19 và các biến thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo. Hệ lụy kèm theo là gia tăng chi phí logistics đối với hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Thứ ba, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Thứ tư, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam.
Thứ năm, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường
đầu tư – kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Thứ sáu, nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước. Thứ bảy, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, v.v., không chỉ ở thị trường Mỹ.